(Xây dựng) - Để hạn chế ô nhiễm môi trường, Bộ Giao thông vận tải vừa có chỉ thị tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu cán bộ, người lao động trong ngành không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa). |
Trong chỉ thị nêu rõ, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường; ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.
Cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu đang ngày một tăng cao, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua các hoạt động cụ thể như: gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương; cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển, đồng thời phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 33/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/2019 ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa.
Chỉ đạo cụ thể, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni-lông khó phân hủy, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
"Các cơ quan, đơn vị cần tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường", Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Hạ Ly
Theo