Thứ sáu 13/09/2024 13:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Bộ Giao thông Vận tải không bổ sung cảng hàng không tại Ninh Bình vào quy hoạch tổng thể

21:09 | 02/03/2021

(Xây dựng) - Trong giai đoạn 2021 - 2030, đơn vị tư vấn đề nghị không bổ sung cảng hàng không mới so với hệ thống cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (28 cảng hàng không). Giai đoạn đến năm 2050, tư vấn đề xuất bổ sung cảng hàng không Cao Bằng.

bo giao thong van tai khong bo sung cang hang khong tai ninh binh vao quy hoach tong the
Tư vấn đề nghị không bổ sung thêm sân bay mới vào quy hoạch trong giai đoạn 2021 – 2030.

Ngày 2/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ đang tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ của tư vấn lập quy hoạch là nghiên cứu hệ thống cảng hàng không hiện hữu, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không, kinh nghiệm quốc tế để xem xét, đề xuất bổ sung các cảng hàng không mới cho phù hợp.

Đối với các cảng hàng không mới, căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế, tư vấn đưa ra 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới, bao gồm: nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới cảng hàng không lân cận).

Theo dự thảo báo cáo quy hoạch cuối kỳ, trên cơ sở phân tích và chấm điểm 22 tiêu chí chi tiết nêu trên, trong giai đoạn 2021- 2030, tư vấn đề nghị không bổ sung cảng hàng không mới so với hệ thống cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn đến năm 2050, tư vấn đề xuất bổ sung cảng hàng không Cao Bằng.

Theo nghiên cứu và so sánh của tư vấn, giai đoạn đến năm 2030, với hệ thống 28 cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì gần 96% dân số Việt Nam có thể tiếp cận được cảng hàng không trong phạm vi 100km, cao hơn so với trung bình thế giới là 75%.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo cuối kỳ, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về quy hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ xem xét, trình hội đồng thẩm định quy hoạch quyết định.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 28/UBND-VP4 gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Nội dung Văn bản có nêu, Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng Đồng bằng Bắc bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An. Hàng năm, tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách. Ninh Bình quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8,0 đến 9,0 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai quy hoạch, đầu tư một số dự án du lịch lớn, tầm cỡ quốc tế như dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, Khu du lịch hồ Đồng Thái, hoàn thiện trung tâm liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng...

Cùng với phát triển du lịch, Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô và công nghiệp điện tử (trong đó Nhà máy ôtô Hyundai Thành Công đang hoạt động là một trong 3 nhà máy lắp ráp ôtô lớn nhất của Việt Nam), tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài.

Cũng từ đây, số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, hiện nay, các khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao.

Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, tạo động lực phát triển liên kết vùng và phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững và được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; UBND tỉnh Ninh Bình trận trọng báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung một số vị trí cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-203, định hướng đến năm 2050.

Gia Huy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load