Các doanh nghiệp Nhật đề xuất bỏ toàn bộ dải phân cách cứng trên cầu Thanh Trì. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc này dẫn đến nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông tăng cao.
Xung quanh đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, trao đổi với VietNamNet Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, cầu Thanh Trì ùn tắc là do lưu lượng xe container quá lớn, di chuyển với tốc độ chậm trên làn hỗn hợp với xe máy, do vậy chỉ cần xe tải lấn làn là xảy ra ùn tắc và va chạm giao thông.
Chính vì vậy, hơn 2 năm trước Sở GTVT Hà Nội đã lập dải phân cách cứng dịch chuyển hai làn ngoài cùng của cầu Thanh Trì cho xe máy, ô tô con dưới 9 chỗ đi tách biệt với xe tải nên tai nạn và ùn tắc giảm.
“Việc phân làn cho xe máy và ô tô con đi tách biệt với xe tải lớn đã giảm được phần nào ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhưng do lưu lượng xe ngày càng gia tăng nên thời gian gần đây cầu Thanh Trì ùn tắc thường xuyên trở lại’, ông Huyện nói.
Cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc |
Theo ông Huyện, nếu tháo bỏ toàn bộ dải phân cách cứng trên cầu Thanh Trì, khi đó xe tải, xe container lấn làn xe máy dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông sẽ gia tăng.
Từ đánh giá trên, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cho rằng, không nên bỏ dải phân cách cứng theo đề xuất của các DN Nhật Bản, ít nhất là tại thời điểm này.
Vụ trưởng An toàn giao thông Vũ Ngọc Lăng cũng cho rằng, nếu bỏ dải phân cách cứng sẽ rất nguy hiểm; bởi chắc chắn nguy cơ tai nạn và ùn tắc sẽ gia tăng.
“Nếu bỏ dải phân cách cứng cầu Thanh Trì, khi đó xe tải lưu lượng lớn đi hỗn hợp với xe máy thì tai nạn giao thông sẽ khó tránh”, ông Lăng nói.
Về đề xuất giảm tốc độ lưu thông từ 80km/h xuống 60 km/h của DN Nhật, ông Lăng cũng nêu quan điểm, khi lưu lượng phương tiện lớn thì đương nhiên tốc độ xe đi chậm dưới 60 km/h; còn khi đường vắng cho phép xe chạy tốc độ 80 km/h sẽ khiến giao thông trên cầu nhanh thoát hơn. Do vậy không cần thiết phải quy định tốc độ tối đa 60 km/h.
Để tránh tình trạng xe máy đi hỗn hợp với xe container dễ xảy ra tai nạn, Sở GTVT Hà Nội đã phải phân làn bằng dải phân cách cứng |
Về ý kiến cầu Phù Đổng cách cầu Thanh Trì vài km nhưng do không có dải phân cách cứng nên giảm được ùn tắc và tai nạn, ông Lăng nói rõ, cầu Phù Đổng ngắn, có lưu lượng xe container và xe máy ít hơn, nên nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông thấp hơn nhiều so với cầu Thanh Trì.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Thanh Trì, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, Hà Nội đã có kế hoạch làm thêm cầu để chia sẻ lưu lượng với đường vành đai 3.
Tuy nhiên, theo ông Huyện, ngoài việc sớm xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 thì Hà Nội cần sớm triển khai làm đường vành đai 4, vành đai 5 để phân luồng cho các nút giao thông vào TP Hà Nội.
Theo Vũ Điệp /Vietnamnet.vn