Thứ năm 09/01/2025 14:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Bình Dương sẽ làm gì để phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa

10:19 | 01/12/2021

(Xây dựng) - Hướng tới xây dựng thành phố thông minh và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Dương đã xây dựng chương trình “Tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Bình Dương chia giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế và quá trình thu hút đầu tư phát triển đô thị.

Thực tế phát triển hạ tầng giao thông Bình Dương

Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không có cảng hàng không, cảng sông quốc tế nên Bình Dương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố không có lợi thế trong việc phát triển hạ tầng giao thông, phát triển hậu cần, thương mại kết nối quốc tế. Tuy nhiên, Bình Dương lại có vị trí tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ kết nối tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên, các khu công nghiệp phía Tây - Bắc Củ Chi, ... nên dễ dàng kết nối đến các cảng biển, cảng sông và sân bay quốc tế. Do đó hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương không những đáp ứng nhu cầu vận chuyển của tỉnh mà còn phải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực.

binh duong se lam gi de phat trien ha tang giao thong theo huong do thi hoa
Hệ thống đường giao thông ở Bình Dương đã được đầu tư hiện đại.

Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông, tạo ra một sự khác biệt rõ nét, giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Bên cạnh những thành quả về phát triển kinh tế xã hội, phát triển hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng được đánh giá là một điểm sáng, là một trong những tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đó là hệ thống đường quốc lộ 13, đường ĐT.743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường kết nối liên vùng liên huyện với quy mô 6 làn xe trở lên…

Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển thì hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng đang gặp phải những khó khăn như quá tải tại các tuyến giao thông huyết mạch vào giờ cao điểm. Việc đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là các trục giao thông huyết mạch theo hướng Đông - Tây (như Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh...). Trong khi đó, nhu cầu và khối lượng hàng hóa vận chuyển của Bình Dương cũng như các tỉnh, thành lân cận đi qua địa bàn ngày càng gia tăng trên một số trục đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.743… đặc biệt là các giao lộ khu vực cửa ngõ phía Nam của Bình Dương…

binh duong se lam gi de phat trien ha tang giao thong theo huong do thi hoa
Đường giao thông đô thị tại huyện Bàu Bàng - Bình Dương.

Công tác giải phóng mặt bằng, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống giao thông trên địa bàn Bình Dương còn thiếu đồng bộ và kết nối với các loại hình giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa…) do chủ yếu là giao thông đường bộ.

Giải pháp phát triển giao thông đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật đô thị

Mục tiêu đặt ra cho Bình Dương là sớm giải quyết được tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch. Đồng thời quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị theo hướng bền vững, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương - Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương. Do đó, thời gian tới Bình Dương tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh, của vùng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.

binh duong se lam gi de phat trien ha tang giao thong theo huong do thi hoa
Các trục giao thông đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 Bình Dương tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch. Trong đó tập trung đầu tư hoàn thành các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13; đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng; nâng cấp ĐT.743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương; đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài; xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư chợ Đình; xây dựng hầm chui tại nút giao ngã 5 Phước Kiến ...

Đồng thời chuẩn bị đầu tư các dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.746, ĐT.747B, ĐT.743; đường kết nối từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến Khu công nghiệp Rạch Bắp; xây dựng đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng; đường Trục chính Đông - Tây đoạn từ Quốc lộ 1K đến đường Trần Hưng Đạo thành phố Dĩ An; đầu tư đồng bộ hạ tầng ĐT.741; các dự án đường Ven Sông...

Khu vực vành đai Đông - Tây thì đầu tư hoàn thành các dự án đường Thủ Biên - Đất Cuốc; đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng;… Chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án: xây dựng cầu Hiếu Liêm kết nối huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai; xây dựng cầu Tân An kết nối huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư các tuyến đường phía Tây địa bàn huyện Phú Giáo;...

Giai đoạn 2025-2030 là giai đoạn hoàn thiện cơ bản việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch, từng bước xây dựng các cầu vượt, giao lộ khác mức để nâng cao năng lực thông hành trên tuyến. Sau năm 2030 là giai đoạn hoàn thiện hạ tầng giao thông Bình Dương, phấn đấu ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực. Tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng công tác lập, triển khai, quản lý quy hoạch, đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó, tập trung đầu tư hệ thống đường trên cao, các nút giao khác mức liên thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh; đa đạng hóa các phương thức, các loại hình giao thông trên địa bàn tỉnh.

binh duong se lam gi de phat trien ha tang giao thong theo huong do thi hoa
Tuyến giao thông kết nối giữa các đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Tỉnh Ủy Bình Dương cho biết nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để phát triển hạ tầng giao thông tại Bình Dương là: Tiếp tục rà soát và nâng cao chất lượng công tác lập, triển khai, quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo đúng quy hoạch. Trong đó, công tác quy hoạch phát triển giao thông cần xây dựng dựa trên phối hợp liên ngành, quy hoạch hạ tầng giao thông đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch.

Tập trung rà soát và vận dụng các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội cùng ngân sách triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông, tạo bứt phá lớn, toàn diện cho tỉnh; Tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng giao thông đô thị thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên,... theo hướng văn minh, thân thiện môi trường, sạch đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đồng thời vận dụng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, quy định của phát luật để đánh giá các dự án BOT trên địa bàn, tiến tới sắp xếp, xóa bỏ các trạm thu phí BOT nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường huyết hạch, kết nối vùng; Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông.

Triển khai Đề án “Thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” để tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị… Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ để nâng cao năng lực quản lý điều hành trong các lĩnh vực.

Bình Dương chủ động tăng cường phối hợp chặt chẽ với với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bộ, Ngành Trung ương để đầu tư hoàn thành các dự án giao thông trục Bắc - Nam, Đông - Tây theo quy hoạch của Trung ương qua địa bàn Vùng; các dự án cửa ngõ, kết nối giao thông giữa Bình Dương và từng tỉnh, thành (Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước) trong phát triển hạ tầng giao thông.

Tập trung phối hợp đầu tư hoàn thành các dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2); xây dựng đường và cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh; đường từ cầu vượt Sóng Thần nối đường Phạm Văn Đồng (kể cả nút giao Sóng Thần)...

Phối hợp chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ranh giới Bình Dương đến Cầu Bình Triệu; ... Các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Đường Hồ Chí Minh (tuyến tránh N2 đi Đồng Bằng sông Cửu long và nhánh phía Đông kết nối từ Chơn Thành đến sân bay, cảng biển quốc tế).

Bình Dương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và hỗ trợ tỉnh đề xuất đầu tư tuyến đường sắt từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (khoảng 103km); chủ trương đầu tư dự án kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ ga Suối Tiên - Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố mới Bình Dương và thành phố Biên Hòa bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư dự án nâng cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa trên Sông Sài Gòn; nâng tĩnh không Cầu Bình Triệu 1, Cầu Đồng Nai 1 đạt cấp kỹ thuật luồng tuyến.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load