(Xây dựng) – Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, cơ quan chức năng của Bình Dương đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục cần thiết để nâng cấp thị xã Bến Cát và Tân Uyên lên thành phố trực thuộc tỉnh. Theo đó, trong năm 2022, Bình Dương sẽ được ghi danh là tỉnh có 5 thành phố trực thuộc gồm thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên.
Một góc đô thị Bến Cát. |
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, xong là tỉnh có mức tăng trưởng tích cực nhất trong vùng với dương 2,62%. Hiện Bình Dương có 3 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 4 huyện với 91 phường xã thị trấn. Theo phân cấp đô thị thì Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) và 4 đô thị loại V (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên). Với tỷ lệ đô thị hóa trên 82% và là tỉnh 4 năm liên tiếp (2018 – 2021) được vinh danh là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Nói về sự cần thiết thành lập thành phố Bến Cát trực thuộc tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Trọng Ân – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát cho biết: Bến Cát có vị trí nằm ở trung tâm của tỉnh Bình Dương, là thị xã có tốc độ tăng trưởng cao của tỉnh, riêng năm 2021 tăng trưởng 20,5% so với năm 2020.
Hạ tầng giao thông tại Bến Cát. |
“Xác định phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng, thời gian qua thị xã Bến Cát đã huy động đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển của thị xã hướng đến đô thị hiện đại, văn minh. Giai đoạn 2016 - 2020, thị xã Bến Cát đã đầu tư hoàn thành 98/138 công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, thị xã còn duy tu sửa chữa, đầu tư nâng cấp 306 tuyến đường với tổng chiều dài trên 250km tổng vốn đầu tư trên 340 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà ở cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với chiều dài khoảng 381km, tổng mức đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng. Hạ tầng xã hội cũng được thị xã chú trọng đầu tư nâng cấp như: bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, công viên cây xanh…”, ông Ân nói.
Ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên cho biết, đến năm 2025 thị xã sẽ tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội thị xã như: đường Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường đi Cảng Thạnh Phước, ĐT 742, ĐT 747A, cầu Bạch Đằng 2, 3, các tuyến đường huyện... Đồng thời, sẽ khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị, bảo đảm các tiêu chí đô thị đô thị loại II.
Đến năm 2030, Tân Uyên tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường giao thông như: Đại lộ Thủ Dầu Một - Uyên Hưng, Đại lộ Nam Tân Uyên, cầu Thạnh Hội 1; xây dựng 7 khu vực phát triển đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng logistis kết hợp cảng sông…
Ngoài ra, Bình Dương tiến hành các thủ tục để thành lập thị trấn Thanh Tuyền thuộc huyện Dầu Tiếng, thành lập phường An Sơn thuộc thành phố Thuận An, thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát.
Đô thị Tân Uyên. |
Tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đều xác định đô thị Bến Cát, Tân Uyên nằm trong tiểu vùng đô thị trung tâm của vùng và của Bình Dương. Do đó, việc thành lập thành phố Bến Cát và thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của địa phương.
Việc Bình Dương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để nâng cấp 2 thị xã lên thành phố đã tạo thành vùng phát triển bền vững với đô thị hạt nhân là Thủ Dầu Một, xung quanh 4 hướng là Dĩ An, Thuận An, Bến Cát và Tân Uyên. Từ năm 2018, Bến Cát và Tân Uyên được công nhận là đô thị loại III theo quyết định của Bộ Xây dựng. Đến nay, hai đô thị này đã hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại III, thậm chí nhiều tiêu chí đã đạt tới tiêu chí của đô thị loại II theo quy định. Do đó, Bình Dương thành lập thêm hai thành phố nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương, sớm đưa Bến Cát, Tân Uyên trở thành trung tâm công nghiệp đô thị dịch vụ của Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Cao Cường
Theo