(Xây dựng) - Người đứng đầu tỉnh Bình Dương khẳng định: Thành phố thông minh cần phải đạt các tiêu chuẩn về xây dựng chính quyền thông minh; xã hội thông minh; công dân số; xây dựng kho dữ liệu và chia sẻ dữ liệu đáp ứng thông tin “đúng, đủ, sạch, sống” và phải phân tích được tình hình kinh tế - xã hội, để đưa các dự báo chỉ đạo, điều hành…
Bình Dương sẽ xây dựng thành phố thông minh đạt các tiêu chuẩn về xây dựng chính quyền thông minh; xã hội thông minh… |
Tỉnh Bình Dương đang phấn đấu để đưa Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), Chỉ số chuyển đổi số (CĐS) vào Top 10 của cả nước. Theo đại diện các Sở, ngành tỉnh Bình Dương, đối với chỉ số CĐS, nhiều tiêu chí liên quan vấn đề thể chế, vai trò lãnh đạo, nhận thức và yêu cầu kỹ thuật, chuyên ngành do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu triển khai thực hiện đa số đều đạt Top 10. Nhiều nhóm tiêu chí đến tháng 8/2023 đã khắc phục và kết quả đạt được khả quan hơn năm trước như: Nhóm vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, đào tạo, tập huấn; các nhóm vấn đề ban hành thể chế, chính quyền số đã triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm và đạt điểm tốt.
Các chỉ tiêu, mục tiêu của Trung ương về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hay về số hóa, tỉnh Bình Dương đều đạt và vượt theo kế hoạch và mục tiêu chung của Chính phủ. Tuy nhiên, tiêu chí chấm điểm của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông có yêu cầu cao hơn, mang tính định hướng và tạo động lực cho các tỉnh phấn đấu. Ngoài ra, một số tiêu chí của tỉnh phải phụ thuộc vào sự hướng dẫn, triển khai của Bộ, ngành Trung ương.
Theo kế hoạch, hai quý cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bình Dương sẽ tập trung xây dựng, tổ chức Kho dữ liệu số tỉnh Bình Dương; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh chia sẻ, kết nối với các Trung tâm Giám sát, điều hành chuyên ngành (OC), Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp huyện và Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã. Hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia trước 30/9/2023.
Bình Dương cũng tập trung xây dựng thành phố thông minh thông qua nhiều hoạt động như tham quan, học tập tại các nước thuộc Top 7 của Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới. Bình Dương sẽ phát triển thành phố thông minh gắn với mục tiêu nâng tầm vóc và xây dựng thương hiệu quốc tế của Bình Dương. Tổ Chỉ đạo Thành phố thông minh đã đề xuất khoảng 40 dự án cụ thể cho giai đoạn từ năm 2023-2024, có tác động lên kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Đề án cũng đã xác định thêm các tiêu chí thành phố thông minh, vừa đúng hướng Trung ương quan tâm, vừa khả thi cho tỉnh và được quốc tế công nhận, nâng tầm thương hiệu Bình Dương để thu hút đầu tư toàn cầu.
Hiện nay, bên cạnh tiêu chí ICF, Đề án đề xuất tiêu chí ISO 18091 quản lý chất lượng tổng thể địa phương là tiêu chuẩn mới của thế giới được các địa phương, doanh nghiệp toàn cầu ứng dụng, đồng thời cũng được Thủ tướng Chính phủ quan tâm thúc đẩy và rất phù hợp với định hướng phát triển Thành phố thông minh Bình Dương với 4 trụ cột về cải cách hành chính, phát triển kinh tế, môi trường bền vững, xã hội toàn diện. Sau khi được thống nhất, trong quý III/2023, sẽ ban hành Đề án tổng thể Thành phố thông minh đến năm 2030 và Kế hoạch các dự án cụ thể cho năm 2023-2024.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định: Thành phố thông phải đạt các tiêu chuẩn về xây dựng chính quyền thông minh; xã hội thông minh; công dân số; xây dựng kho dữ liệu và chia sẻ dữ liệu đáp ứng thông tin "đúng, đủ, sạch, sống" và phải phân tích được tình hình kinh tế - xã hội, để đưa các dự báo chỉ đạo, điều hành. Chính quyền điện tử phải xử lý các vấn đề công khai minh bạch, tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Các dịch vụ trực tuyến phải toàn trình, nhanh chóng và chất lượng. Về xã hội thông minh, phải nâng cao chất lượng tương tác trên môi trường mạng ở các lĩnh vực, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, thương mại điện tử, hoá đơn điện tử, giáo dục, y tế, đất đai…
Đối với công tác cải cách hành chính, ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị sớm thực hiện mô hình văn phòng không giấy, trong đó hồ sơ chuyển giữa các cấp là liên thông không dùng giấy trong toàn tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ lệ DCVTT toàn trình lên 50% vào cuối năm.
Mai Thanh
Theo