(Xây dựng) - Là tỉnh lẻ so với các trung tâm kinh tế lớn cả nước, Bình Dương vọt lên đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nhờ vận dụng chiến lược “giao thông đi trước mở đường phát triển kinh tế”. “Không ngủ yên trên chiến thắng” từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng làm đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế.
Đại lộ Bình Dương được mệnh danh “con đường công nghiệp hoá” của tỉnh, hội tụ các trung tâm tài chính ngân hàng, bệnh viện, trường đại học, siêu thị tầm vóc quốc tế. |
Giao thông mở đường phát triển kinh tế
Tính toán của các chuyên gia từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra con số về mối tương quan cụ thể giữa chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông với phát triển kinh tế tại Việt Nam thời gian qua cho thấy: Nếu chất lượng hạ tầng giao thông tăng ở mức 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên đầu người tăng 24%; mức thu nhập đầu người cũng sẽ tăng 23%.
Đối chiếu thực tế tại Bình Dương sau hơn 20 năm tái lập (1997), từ tỉnh nghèo, không có vốn đầu tư phát triển hạ tầng, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo chính sách pháp luật hiện hành để kêu gọi đầu tư (BOT) phát triển Quốc lộ 13 (do Bộ Giao thông vận tải quản lý) thành đại lộ Bình Dương (do tỉnh quản lý) để thuận tiện trong việc nâng cấp, cấp phép hoạt động đúng với nhu cầu, kế hoạch phát triển của tỉnh.
Sau hơn 20 năm phát triển, đại lộ Bình Dương được các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư phong tặng danh hiệu “con đường công nghiệp hoá” của tỉnh vì có đầy đủ các trung tâm tài chính ngân hàng, trường đại học, bệnh viện quốc tế, siêu thị…
Đại lộ Bình Dương còn góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa của tỉnh. |
Do tỉnh quản lý nên tuyến đại lộ Bình Dương được quy hoạch như trục “xương sống” kết nối giao thông đối nội liên huyện thị với các khu sản xuất, khu công nghiệp. Tuyến đường còn làm nhiệm vụ giao thông đối ngoại kết nối tỉnh Bình Dương với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Có nhiều nguyên nhân để Bình Dương được cả nước biết đến như: Tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; không còn địa bàn vùng sâu vùng xa, không còn nhà tranh tre nứa lá lụp xụp… Trong đó có nguyên nhân quan trọng mà tỉnh kiên trì thực hiện suốt nhiều nhiệm kỳ đó là “giao thông mở đường phát triển kinh tế”.
Giao thông và đòn bẩy tăng trưởng
Năm 2023 được các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế nhận định là năm lich sử trong giải ngân đầu tư công quốc gia. Trong đó, hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường tính kết nối vùng, liên vùng, hình thành chuỗi cung ứng hàng hoá đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị gặp gỡ, mời gọi đầu tư diễn ra gần đây, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phát biểu: “Cả nhiệm kỳ này, tỉnh Bình Dương tập trung mạnh nguồn lực cho đầu tư công và các công trình hạ tầng giao thông mang tính trọng điểm”.
Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 743 một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. |
Nhóm các công trình giao thông trong điểm mà Bình Dương tập trung triển khai vừa mang tính đòn bẩy phát triển vừa là giải pháp khai thông cụ thể như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 với tổng vốn đầu tư 8.350 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương còn kết hợp triển khai Dự án xây dựng hầm chui ngã 5 Phước Kiến, tổng mức đầu tư 1.147 tỷ đồng nhằm giải quyết ùn tắc và khai thông kết nối giữa Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh qua ngõ cầu Phú Cường. Dự án cải tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến Mỹ Phước Tân Vạn, đường ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743 với tổng mức đầu tư 7.258 tỷ đồng; Dự án đầu tư đồng bộ hạ tầng đường ĐT 741 với mức đầu tư 442 tỷ đồng.
Phát huy mạnh mẽ nguồn lực đầu tư và lợi thế địa lý, tạo nguồn lực cho các huyện thị phía Bắc đang thu hút phát triển mạnh công nghiệp dịch vụ độ thị, tỉnh Bình Dương đã triển khai Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng giá trị 4.893 tỷ đồng và Dự án cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai với mức đầu tư 491 tỷ đồng.
Rút ngắn khoảng cách di chuyển, vận tải hàng hoá từ các khu công nghiệp ra cảng biển, cảng hàng không lớn tỉnh Bình Dương cùng lúc triển khai Dự án đường từ cầu vượt Sóng Thần đến Phạm Văn Đồng nối Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư khoảng 1.769 tỷ đồng; Dự án nút giao Sóng Thần nhằm giải quyết ùn tắc kế nối giữa các khu công nghiệp di chuyển từ đường tỉnh vào Quốc lộ 1A tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng; Dự án mở rộng đường An Bình nối Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh với mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.
Các dự án trên được ví như những “nhánh sông con” sẽ chảy vào “sông mẹ” lan toả ra cả nước và thế giới sẽ hoàn thành vào năm 2025. Đó là Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) tổng mức đầu tư 18.923 tỷ đồng; Dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) tổng mức đầu tư 15.886 tỷ đồng; Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (giai đoạn 1) tổng mức đầu tư 35.515 tỷ đồng; Dự án đường Hồ Chí Minh nhánh N2 (giai đoạn 1) tổng mức đầu tư 3.482 tỷ đồng.
Xác định mục tiêu “hạ tầng giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế”, tỉnh Bình Dương “bỏ ra” hàng chục nghìn tỷ đồng để đổi lấy giá trị tăng trưởng kinh tế từ 10-24% trên nhiều lĩnh vực, mà các nhà khoa học đã chỉ ra là bài học rất bổ ích trên con đường xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông của đất nước.
Duy Chí
Theo