(Xây dựng) – Sáng 31/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến và triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương bấm nút công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. |
Theo báo cáo của ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, tính đến tháng 12/2021, các sở, ngành, địa phương đã triển khai 1.914 thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, cấp tỉnh 1.529 TTHC, cấp huyện 258 TTHC và cấp xã 127 TTHC. Có 1.169 TTHC đủ điều kiện thực hiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và có 551 TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm gần đây. 100% dịch vụ công trực tuyến có biểu mẫu điện tử (e-Form), tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 4 cả nước. Song song đó, dịch vụ chứng thực điện tử đã được triển khai tại cấp huyện, cấp xã và các phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp để người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bản sao thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, nhằm dần loại bỏ được tình trạng phải nộp bản sao chứng thực hoặc phải xuất trình bản chính để xác minh hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính.
Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực so với việc nộp hồ sơ giấy. Bởi dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, hạn chế việc đi lại, tiếp xúc, tập trung đông người, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Đặc biệt là tăng tính công khai, minh bạch của TTHC, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp.
Ngoài việc triển khai chữ ký số điện tử trên e-Form đã nộp thì việc thanh toán trực tuyến cũng được triển khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Dương qua 02 nền tảng thanh toán VNPT Pay và PayGov. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng có thể dùng ví điện tử MOMO, VNPT Pay, VNPay để thanh toán tại quầy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân phải đến nộp hồ sơ trực tiếp.
Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Với thời gian hoàn thành 60 ngày là nỗ lực rất lớn của các sở ngành cho việc triển khai 100% TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Việc làm này tạo tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh Bình Dương.
Tính đến tháng 10/2021, hơn 50% hồ sơ TTHC của tỉnh Bình Dương đã được triển khai, thực hiện trực tuyến, góp phần giảm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Với quyết tâm cải cách TTHC mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn và sẵn sàng thích ứng phù hợp với từng giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Từ đầu tháng 11/2021 các sở, ban, ngành và các địa phương đầu tư trang thiết bị, cấu hình kết nối kỹ thuật phần cứng, phần mềm hệ thống một cửa, triển khai chứng thực điện tử, thanh toán trực tuyến, thành lập đội hình tình nguyện viên hỗ trợ. Quan trọng nhất là việc tổ chức rà soát, tái cấu trúc TTHC để xác định 1.169 thủ tục hành chính đủ điều kiện của tỉnh được triển khai trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trải nghiệm sản phẩm, tiện ích phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. |
Để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, ông Hà đề nghị: Các cấp, các ngành của Bình Dương cần quán triệt và nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến; Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thay đổi cách tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ để thực hiện cung cấp dữ liệu cho các hệ thống của tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn trong việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến; Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát TTHC, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân được biết và sử dụng thuận lợi hơn…
Cao Cường
Theo