(Xây dựng) - Ngày 12/4, tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo thành phố Tân Uyên. |
Tham dự Lễ công bố có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ trướng Trần Lưu Quang cùng đại diện các các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân Tân Uyên.
Ngày 13/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích gần 192km2, dân số khoảng 466.000 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi lời chúc mừng của Đảng và Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân Uyên. Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đây là nghị quyết rất quan trọng, tạo tiền đề và động lực để Tân Uyên xây dựng mô hình chính quyền đô thị tương ứng, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị công nghiệp năng động, hiện đại và văn minh với chức năng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân Uyên quan tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đô thị gắn với phát triển tiến tới xây dựng Tân Uyên là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đầu mối giao thông vùng.
Thứ hai, Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng chính quyền tỉnh Bình Dương và thành phố Tân Uyên cần có các giải pháp khẩn trương sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, cư trú, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cần xác định rõ diện tích đất trồng lúa, diện tích đất được chuyển đổi sang mục đích khác để phát triển kinh tế và đô thị, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất; kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập.
Thứ ba, địa phương có tỷ lệ người lao động nhập cư rất lớn, do đó, cần quan tâm bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và các hạ tầng xã hội khác (y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên...), giải quyết vấn đề “an cư lạc nghiệp” cho người lao động, bảo đảm sự phát triển đồng đều, cân bằng và bền vững. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; tập trung nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.
Các đại biểu nhấn nút khởi động đánh dấu giây phút Tân Uyên trở thành thành phố. |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng: Từ dấu mốc phát triển mới hôm nay, với truyền thống cách mạng vẻ vang, niềm tự hào về quê hương Tân Uyên, sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các cấp, các ngành; đồng thời, phát huy thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành đô thị xanh, thông minh, năng động, hiện đại, hội nhập, cùng với Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và các huyện của tỉnh xây dựng Bình Dương sớm trở thành thành phố hiện đại, văn minh, hài hòa, bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
Cũng tại buổi lễ, Tỉnh ủy Bình Dương đã công bố Quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Tân Uyên. |
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị: Tân Uyên đã về đích trước 2 năm so với Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ đề ra. Sau thành công này, lãnh đạo thành phố Tân Uyên lĩnh hội nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ và khẩn trương cụ thể hóa các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xứng đáng là một trong những địa phương trụ cột, ngày càng có nhiều đóng góp to lớn để xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh và hiện đại.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân Uyên, Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi khẳng định: Ngay từ 00h ngày hôm nay, 12/4/2023, toàn bộ hoạt động của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Tân Uyên đều đã được thay đổi từ thị xã Tân Uyên thành thành phố Tân Uyên. Đây là một minh chứng khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân Uyên ngay từ ngày công bố Nghị quyết, Tân Uyên bắt tay thực hiện ngay các nội dung của Nghị quyết 725/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.
Trong chặng đường mới, quyết tâm mới, Tân Uyên sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn đột phá, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố Tân Uyên đạt đô thị loại II trước năm 2025. Tân Uyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu. Hiện nay, Tân Uyên có 3 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là gần 5.300 triệu USD. Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển sôi động, giá trị ước đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2021. Trung tâm Thương mại Biconsi Uyên Hưng đã đi vào hoạt động, phục vụ mức sống ngày càng cao của nhân dân. Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng bước đầu đạt kết quả tích cực, làm đổi thay dáng hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tân Uyên hiện có 55 khu dân cư, trong đó có 25 khu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ 80 - 100%. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố khu vực nội thị chiếm 100%, đạt diện tích sàn bình quân là 26,55m2/người. Hệ thống các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại và các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên. Mật độ đường chính trong khu vực nội thị đạt 7,5km/km2. Chỉ tiêu cấp nước sạch sinh hoạt đạt 150 lít/người/ngày đêm. Mạng lưới viễn thông hoạt động tốt, thuê bao internet băng thông rộng đạt bình quân 21,9 máy/100 dân. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 98,72%. Chỉ tiêu đất cây xanh đô thị đạt 8m2/người. Khu vực phường Thái Hòa có trạm xử lý nước thải tổng công suất 25.000m3/ngày, diện tích 7,3ha, xử lý nước thải 1 phần khu vực Thái Hòa, 1 phần Tân Phước Khánh, 1 phần khu vực Dĩ An, 1 phần khu vực Thuận An với khoảng trên 6.000 hộ dân cùng 219 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Tân Uyên còn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân không chỉ là tập trung phát triển kinh tế mà lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. |
Thanh Phong Chí
Theo