(Xây dựng) – Sáng 1/9 (nhằm ngày 29/7 âm lịch), tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung nhân kỷ niệm 232 năm Ngày mất của ông (1792 - 2024).
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng dâng hương tưởng nhớ đến Hoàng đế Quang Trung. |
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ được tổ chức hàng năm nhằm ôn lại truyền thống quật khởi hào hùng của phong trào nông dân Tây Sơn cũng như tinh thần bách chiến, bách thắng của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi đất nước. Đây cũng là dịp người dân tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - vị anh hùng áo vải cờ đào từng đánh bại 29 vạn quân Thanh.
Các lãnh đạo dâng hương, dâng hoa tưởng niệm trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung. |
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung năm nay được tổ chức quy mô hơn so với mọi năm. Theo đó, mỗi địa phương huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tây Sơn đều tổ chức một mâm lễ gồm những đặc sản, đặc trưng của địa phương để về dâng cúng vua. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) tổ chức hội thi trang trí mâm lễ dâng cúng vua.
Nghi thức Lễ giỗ vua Quang Trung. |
Dịp này, rất nhiều du khách gần xa đã thành kính về di tích đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt để dâng hương tưởng nhớ đến công lao của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng như thưởng ngoạn, thưởng lãm các di tích trên địa bàn tỉnh.
Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ thứ 18 gắn liền với sự nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Tiêu biểu là Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị lãnh đạo kiệt xuất, trí dũng song toàn, người đã đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ một tướng lĩnh tài ba bách chiến, bách thắng, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã trở thành vị anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự, đánh đổ các thế lực phong kiến cát cứ; xóa bỏ ranh giới Sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm; quét sạch 5 vạn quân Xiêm với chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút vang dội. Đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử năm Kỷ Dậu 1789, đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Giếng nước là di tích còn được lưu giữ trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung. Người dân tương truyền rằng uống nước giếng xưa trong khuôn viên Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt sẽ được bình an, bệnh tật được giải trừ. |
Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ không những là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà chính trị lỗi lạc với nhiều chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, thu phục nhân tâm, bang giao hữu nghị với các nước láng giềng trong công cuộc xây dựng đất nước. Vị anh hùng "áo vải cờ đào" từng đánh Nam, dẹp Bắc đã băng hà vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý 1792, để lại biết bao hoài bão, ước mơ còn dang dở. Cuộc đời của Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ có 39 mùa xuân nhưng ông đã cống hiến tất cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng, nghị lực của mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc. Với chính nghĩa sáng ngời, tài năng và đức độ cao cả, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã tô điểm cho lịch sử dâng tộc một trang vàng chói lọi. Phong trào nông dân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ là khúc ca hùng tráng của dân tộc ta.
Thu Loan
Theo