(Xây dựng) - Ngày 2/12, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư và khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi lễ. |
Từ năm 2014 tới nay, Bidiphar tập trung nguồn lực phối hợp với các Viện – Trường để nghiên cứu thành công và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành hơn 40 sản phẩm thuốc điều trị ung thư với 17 hoạt chất.
Tháng 8 năm 2018, Bidiphar khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP – EU với 2 dạng bào chế là tiêm và viên, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm thuốc tiêm và 70 triệu sản phẩm thuốc viên/năm tại lô A3.01 Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, Bình Định trên diện tích 15.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Nhà máy được đầu tư với những thiết bị hoàn toàn tự động, khép kín và ứng dụng những công nghệ hiện đại của sản xuất dược phẩm như: Công nghệ sản xuất thuốc vô trùng; công nghệ cô lập (isolator technology); công nghệ đông khô; công nghệ điều khiển và thu thập dữ liệu tự động (SCADA); công nghệ đóng gói tự động và kiểm soát truy vết (Track and trace).
Nghi thức khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư. |
Hiện nay, dòng thuốc điều trị ung thư của Bidiphar đang dẫn đầu thị trường về sản lượng và dần thay thế thuốc nhập ngoại. Hơn 5 triệu đơn vị sản phẩm đã được tin tưởng và sử dụng tại các bệnh viện từ tuyến Trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai cho đến các cơ sở y tế có khoa ung bướu trên toàn quốc. Với mức giá thấp hơn thuốc ngoại nhập, dự án góp phần tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư dạng thuốc tiêm đã và đang lưu hành trên thị trường, Nhà máy còn có thêm dây chuyền sản xuất thuốc viên ung thư. Dây chuyền này dự kiến sẽ tiếp tục được đưa vào sản xuất với hơn 10 sản phẩm đã được nghiên cứu thành công, đang hoàn thiện quá trình thẩm định, theo dõi độ ổn định để xin phép Bộ Y tế cho lưu hành.
Việc khánh thành Nhà máy mới thuốc điều trị ung thư với 2 dây chuyền thuốc tiêm, thuốc viên được đầu tư và áp dụng hệ thống quản lý theo GMP-EU sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng thuốc cũng như góp phần tích cực vào việc chủ động thuốc ung thư sản xuất trong nước với chi phí hợp lý.
Nghi thức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ. |
Bên cạnh sự kiện khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, Bidiphar đồng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU, tại Khu công nghiệp Nhơn Hội và nằm trong cụm Nhà máy dược phẩm công nghệ cao của Bidiphar với diện tích 25.000m2, tổng vốn đầu tư của dự án là 840 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2027 sẽ đi vào hoạt động.
Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất các sản phẩm thuốc tiêm với công suất 120 triệu sản phẩm/năm. Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ là một trong số các dự án đầu tư đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Bidiphar. Đây cũng là dòng sản phẩm mà Bidiphar có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất.
Cùng với việc đầu tư nhà máy, Bidiphar đang khẩn trương hoàn thiện các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chú trọng các thuốc mà Việt Nam hiện chưa sản xuất được, phải nhập ngoại nhằm nâng cao giá trị hàng sản xuất trong nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt.
Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư của Bidiphar tại Khu kinh tế Nhơn Hội. |
Đến dự và phát biểu tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ: Để sản xuất được dòng thuốc điều trị ung thư và đưa vào sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh, được các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, khoa ung bướu của các bệnh viện trong cả nước tin dùng, Bidiphar đã phải trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển lâu dài và sự đầu tư nguồn lực rất lớn và cũng có sự hỗ trợ không nhỏ từ Bộ Khoa học và Công nghệ và các Viện - Trường Đại học Y dược. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực này và mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp dược, nhiều dòng thuốc đặc trị công nghệ cao sẽ tiếp tục được nghiên cứu, triển khai.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: Dòng thuốc vô trùng là một trong các dòng sản phẩm cần sự kiểm soát cao nhất trong quá trình sản xuất. Với việc áp dụng công nghệ tự động hóa, kiểm soát online và tuân thủ các khuyến cáo của GMP-EU, cùng với chiến lược nhận chuyển giao công nghệ, tập trung nghiên cứu phát triển các thuốc đặc trị hiện đang phải nhập khẩu, tôi hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có thêm nhiều sản phẩm thuốc chất lượng cao sản xuất trong nước được sử dụng tại các cơ sở điều trị, góp phần đáp ứng mục tiêu chiến lược của Chính phủ “Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu điều trị vào năm 2030”.
Mỹ Bình
Theo