Chủ nhật 12/01/2025 06:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bình Định: Hơn 900 tỷ đồng phát triển cây xanh đô thị đến năm 2030

10:39 | 07/08/2024

(Xây dựng) – Tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện phát triển cây xanh đô thị, trong đó tập trung phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị của từng địa phương để đạt được các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị, cây xanh sử dụng công cộng đô thị theo nghị quyết các cấp đề ra. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này đến năm 2030 là 902,8 tỷ đồng.

Bình Định: Hơn 900 tỷ đồng phát triển cây xanh đô thị đến năm 2030
Thành phố Quy Nhơn đã đạt được tỷ lệ cây xanh theo quy định.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định mới đây ban hành kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục đích nhằm hình thành một số công viên chuyên đề, công viên cây xanh cảnh quan tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn như thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn để tạo điểm nhấn cho đô thị, là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho cộng đồng dân cư, mang bản sắc văn hóa của từng đô thị.

Đây cũng là cơ sở để UBND các huyện, thị xã, thành phố làm căn cứ để đầu tư, phát triển cây xanh trên địa bàn. Thực hiện đầu tư các dự án phát triển cây xanh đô thị theo kế hoạch, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cây xanh đô thị, cây xanh sử dụng công cộng đô thị. Đồng thời là cơ sở để kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư, phát triển cây xanh trên địa bàn.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến hết năm 2025, hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển đa dạng về loại hình, có quy mô đảm bảo đạt chỉ tiêu cây xanh đô thị theo quy định. Đến năm 2030, hệ thống cây xanh đô thị được phát triển đạt chỉ tiêu theo quy định, trong đó tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển phải mang bản sắc, đặc trưng riêng, gắn với mục tiêu tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn trở thành Trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị.

Theo đó, trong giai đoạn 2024-2025, diện tích đất cây xanh đô thị cần đầu tư, phát triển tăng thêm đến năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh là 202,78ha (trong đó, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị là 169,43ha; diện tích đất cây xanh hạn chế và chuyên dụng đô thị là 33,35ha). Trong giai đoạn 2026-2030, diện tích đất cây xanh đô thị cần đầu tư, phát triển trên địa bàn là 312,08ha.

Đến năm 2030, thành phố Quy Nhơn (đô thị loại I) tiếp tục thực hiện duy trì và phát triển tỷ lệ diện tích đất cây xanh đô thị là 14,1 m2/người; đô thị loại III, loại IV và loại V đạt từ 8-10 m2/người. Về tỷ lệ diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị, đô thị loại I phải đạt trên hoặc bằng 7 m2/người; đô thị loại III và loại IV phải đạt trên hoặc bằng 5 m2/người; đô thị loại V phải đạt trên hoặc bằng 4 m2/người.

Hiện, thành phố Quy Nhơn đã đạt được tỷ lệ cây xanh theo quy định là 14,1 m2/người. Kế hoạch đề ra trong thời gian tới thành phố sẽ xây dựng hình thành các công viên chuyên đề, công viên cảnh quan để tạo điểm nhấn đô thị và kết hợp thu hút du lịch. Còn đối với các đô thị khác sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đạt từ 8-10 m2/người.

Để thực hiện kế hoạch này, theo UBND tỉnh cần đầu tư, phát triển cây xanh đô thị, cây xanh sử dụng công cộng đô thị kết hợp lồng ghép, thực hiện Chương trình trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định, thực hiện đảm bảo hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Cùng với đó, bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển các vườn ươm, công viên, vườn hoa, quảng trường, công viên chuyên đề, công viên trung tâm đa chức năng, đặc biệt là các công viên cảnh quan trong vùng lõi ở các đô thị lớn nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân đô thị và du khách.

Mỗi cơ quan, đơn vị hằng năm cần đăng ký trồng tối thiểu khoảng 100m2 cây xanh đường phố; Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng trong đô thị; cây xanh đường phố.

Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai trồng và bảo vệ cây xanh đô thị, huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tài trợ…

Bình Định: Hơn 900 tỷ đồng phát triển cây xanh đô thị đến năm 2030
Các công viên, quảng trường sẽ được phủ xanh nhằm tạo điểm nhấn cho đô thị. (Ảnh: Đình Hùng)

Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 900 tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2024 – 2025, tổng kinh phí dự kiến đầu tư, phát triển hệ thống cây xanh đô thị và cây xanh sử dụng công cộng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh khoảng 315,9 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 263,69 tỷ đồng; vốn khác là 52,21 tỷ đồng).

Giai đoạn 2026-2030, tổng kinh phí dự kiến đầu tư, phát triển hệ thống cây xanh đô thị và cây xanh sử dụng công cộng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh khoảng 586,9 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 367,48 tỷ đồng; vốn khác là 219,42 tỷ đồng).

UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương xây dựng, điều chỉnh các chính sách liên quan đến lĩnh vực cây xanh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng. Cùng với đó, chủ trì, phối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành quy hoạch tối thiểu 03 vườn ươm cho khu vực Quy Nhơn và vùng phụ cận, khu vực phía Bắc tỉnh và khu vực phía Tây tỉnh làm cơ sở kêu gọi đầu tư, phát triển vườn ươm cung cấp cây giống cho toàn vùng.

UBND tỉnh giao Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh thực hiện kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch trong khu kinh tế tỉnh và khu công nghiệp; đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị trong khu kinh tế tỉnh và khu công nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển cây xanh đô thị và cây xanh sử dụng công cộng đảm bảo đạt chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị và cây xanh sử dụng công cộng đô thị theo quy định.

Đồng thời yêu cầu các Sở, ngành khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load