Thứ hai 06/05/2024 00:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới

16:08 | 01/11/2023

(Xây dựng) - Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoài Ân trên hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới, xã Ân Nghĩa được UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới
Xã Ân Nghĩa nỗ lực về đích nông thôn mới.

Nỗ lực về đích nông thôn mới

Xã Ân Nghĩa nằm cách xa trung tâm huyện Hoài Ân 14km về phía Tây Nam, với tổng diện tích tự nhiên là 9.774,05ha. Xã Ân Nghĩa phía Đông giáp xã Ân Tường Tây, phía Tây giáp xã Bok Tới, phía Nam giáp huyện Phù Cát, phía Bắc giáp xã Ân Hữu, có đường tỉnh lộ ĐT.630 đi từ Ngã 3 Kim Sơn đến thị trấn Tăng Bạt Hổ. Giao thông nông thôn phần lớn được thảm nhựa và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xã Ân Nghĩa có 7 thôn, dân số 9.715 người (dân tộc H’rê có 2 hộ), phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2015-2022 là 12,17%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, nông - lâm nghiệp là 55,4%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng là 15,7%; thương mại - dịch vụ là 28,9%.

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới
Đường nông thôn khang trang sạch đẹp.

Bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn tuy đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Do đặc điểm là xã thuần nông, cây lúa là cây chủ lực và khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên thu nhập của người dân còn thấp so với yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển sản xuất tuy có chuyển biến, nhưng chưa tháo gỡ những khó khăn về liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới
Bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc.

Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ân Nghĩa xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới ngày được nâng cao, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Sau bao năm nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn xã Ân Nghĩa chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, điện đường được thắp sáng trên các ngõ đường quê, tường rào cổng ngõ trên các tuyến đường được xây dựng khang trang, cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sản xuất và an sinh xã hội. Phát triển sản xuất được quan tâm hỗ trợ, thu nhập người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo được giảm bền vững. Quốc phòng an ninh trên địa bàn xã luôn được đảm bảo, tình hình trật tự an toàn xã hội các năm đều được ổn định, giữ vững.

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới
Cây xanh, hoa khoe sắc tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho vùng quê Ân Nghĩa.

Xã Ân Nghĩa hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới vào tháng 6/2023. Để đạt mục tiêu trên, những năm qua, xã đã tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt là quy hoạch và môi trường. Trong đó, việc xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đây là tiêu chí quan trọng và khó thực hiện, phải duy trì triển khai thường xuyên.

Trước đây, tình trạng vứt rác bừa bãi, nhất là vỏ lon, chai nhựa, bao bì ny lông còn diễn ra khá phổ biến tại các khu dân cư. Một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng những mô hình thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.

Trong đó, điển hình là mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu - bao bì ny-lông” do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ân Nghĩa triển khai thực hiện từ năm 2022. Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng 8 “Ngôi nhà xanh” tại 7 nhà văn hóa thôn và chợ Kim Sơn, giao cho Chi hội Phụ nữ các thôn quản lý, vận động các hội viên, hộ gia đình thực hiện.

Chị Đoàn Thị Xuân (SN 1985, ở thôn Kim Sơn) cho biết: “Sau khi được Chi hội Phụ nữ thôn tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của mô hình “Ngôi nhà xanh”, bản thân tôi đã nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn, không vứt rác thải nhựa nữa, mà mang rác gom về “Ngôi nhà xanh” của thôn để bỏ. Không những góp phần bảo vệ môi trường, mà còn có thể gây quỹ giúp cho các chị em phụ nữ khó khăn khác”.

Nhân dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ niềm vui với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Nguyễn Văn Liên cho biết: Được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 là niềm vinh dự của xã Ân Nghĩa sau nhiều năm nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới. Bài học kinh nghiệm mà chúng tôi nhận thấy là cần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải xác định nhân dân là chủ thể chính, Đảng đóng vai trò chỉ đạo, Nhà nước đóng vai trò tổ chức thực hiện, đối tượng trực tiếp hưởng lợi là người dân. Bởi, chỉ khi nào nhân dân hiểu được các chủ trương chính sách của Đảng, được tham gia bàn bạc kế hoạch các giải pháp tổ chức thực hiện của địa phương như đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, từ đó nhân dân xác định được rằng, họ chính là chủ thể của chương trình còn nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới
Xã Ân Nghĩa xây dựng thôn Kim Sơn là khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Liên chia sẻ thêm: Việc huy động nguồn kinh phí, sức người, vật chất đóng góp của nhân dân cần phải được công khai rõ ràng. Việc miễn giảm huy động đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật cần để cho nhân dân được bàn bạc và tự quyết định nhằm đảm bảo tính công bằng trong cộng đồng dân cư, kịp thời khen thưởng các cá nhân có thành tích tốt trong triển khai thực hiện chương trình, từ đó tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, góp phần quyết định đến việc thành công của chương trình.

Ông Nguyễn Văn Liên thông tin: Thời gian tới, xã Ân Nghĩa tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 có 1 khu dân cư kiểu mẫu và 1 vườn mẫu, đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2026 – 2030. Tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhất là đối với các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của xã, góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Bình Định: Hoài Ân thêm một xã nghèo về đích nông thôn mới
Những ngôi nhà ngói đỏ tạo vẻ đẹp riêng biệt cho Ân Nghĩa.

Chia sẻ thêm với phóng viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong bày tỏ: Ân Nghĩa vượt khó nỗ lực về đích nông thôn mới và yêu cầu xã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí các tiêu chí nông thôn mới để hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. UBND huyện Hoài Ân đang xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục duy trì 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023, huyện tập trung nguồn lực đưa xã Ân Hữu về đích nông thôn mới năm 2023; xã Ân Hảo Tây về đích nông thôn mới và Ân Thạnh về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Tuệ Minh - Ảnh Tuấn Nghĩa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load