Thứ hai 09/09/2024 15:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Bình Định: Con đường "huyết mạch” thúc đẩy phát triển kinh tế

21:38 | 13/03/2023

(Xây dựng) - Tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định vừa hoàn thành. Đây là con đường "huyết mạch", đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Hoài Ân với các huyện lân cận như Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn, tổng mức đầu tư trên 195,2 tỷ đồng.

Bình Định: Con đường
Tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn (kết nối xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ đi xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân).

Tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn (kết nối xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ đi xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) vốn có địa hình khúc khuỷu, quanh co, chật hẹp, chực chờ nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Nhiều năm qua, người dân và chính quyền các địa phương nằm trên tuyến đường này kiến nghị tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri bày tỏ mong muốn con đường được nâng cấp, xây dựng mới để mọi người đi lại thuận lợi và phát triển kinh tế cho địa phương.

Thấu hiểu niềm mong mỏi của người dân và xác định được tầm quan trọng của tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại vùng trọng điểm phía Đông huyện Hoài Ân với các huyện lân cận như Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn, UBND tỉnh Bình Định triển khai dự án Nâng cấp tuyến đường có chiều dài 17,56km, với tổng mức đầu tư trên 195,2 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương trong việc vận động nhân dân nhận bồi thường và di chuyển các cột điện, trụ viễn thông.

Bình Định: Con đường
Con đường kết nối giao thương lưu thông hàng hóa.

Ông Trương Văn Khẩn, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân cho biết: Đây là con đường giao thương "huyết mạch" của địa phương đi ngang qua xã với chiều dài 10,03km. UBND xã thành lập tổ công tác phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng, với số hộ bị ảnh hưởng 372 hộ, tổng số tiền bồi thường là 10,14 tỷ, diện tích thu hồi 8348,2m2.

“Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, thuyết phục người dân chấp thuận để nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Tuyến đường được nâng cấp đạt đường cấp VI đồng bằng với nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7,5m mang lại rất nhiều lợi thế cho địa phương. Công trình được đưa vào sử dụng không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt của xã nông thôn mới nâng cao mà còn tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông sản nổi tiếng của xã như: tiêu, keo, heo, bưởi đến các địa phương khác”, ông Trương Văn Khẩn nói.

Là một trong những nhà thầu thi công tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn, ông Trần Đình Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức chia sẻ: Công ty nhận mặt bằng sạch tới đâu, huy động lực lượng thực hiện thi công nền và mở rộng mặt đường bê tông xi măng tới đó. Với kinh nghiệm thi công nhiều công trình trong tỉnh, Công ty sớm hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch đề ra đúng yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định.

Bình Định: Con đường
Người dân đi lại thuận lợi hơn trước.

Dù mới đưa vào khai thác sử dụng không lâu nhưng tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc kết nối giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân. Ông Nguyễn Văn Dũng sinh sống thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân vui vẻ chia sẻ: Thu nhập chính của gia đình tôi là từ cây bưởi, chăn nuôi heo. Trước đây, đường đi khó khăn, các thương lái vào thu mua bưởi hoặc heo hay ép giá. Giờ đây, đường sá thuận lợi hơn rất nhiều, khoảng cách từ nhà đến Quốc lộ 1A rút ngắn hơn 300m, không còn quanh co đèo dốc nữa nên các thương lái hết ép giá thì người dân có điều kiện tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Định, đơn vị chủ đầu tư dự án tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn chia sẻ: Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2023. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh tổng mức đầu tư, thay đổi một số hạng mục nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân như: Tiến hành hạ 2 vị trí có độ dốc cao gây nguy hiểm trong quá trình lưu thông trên tuyến là dốc Đỗ Vinh và đèo Bằng Lăng; cải tạo 10 điểm đen, đường cong nguy hiểm để đảm bảo an toàn giao thông lưu thông trên tuyến được thuận lợi hơn và yêu cầu sớm hoàn thành tuyến đường cuối năm 2022.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội tăng cường quản lý khu vực bãi sông, ngoài đê

    Nhằm tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố theo nhiệm vụ của từng đơn vị.

  • Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình chậm tiến độ

    (Xây dựng) – Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình các công việc đang triển khai chậm hơn so với tiến độ đề ra.

  • Hà Nội: Đầu tư xây dựng 29 cầu vượt cho người đi bộ

    (Xây dựng) - Nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân cũng như đảm bảo an toàn giao thông, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND Thành phố đầu tư xây dựng 29 cầu vượt cho người đi bộ tại các vị trí đông dân cư, trường học trên địa bàn Thành phố.

  • Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ công trình tại thành phố Sóc Trăng

    (Xây dựng) – Thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng, Đoàn công tác gồm: Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lành đạo Sở, ban, ngành vừa có chuyến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các công trình trên địa bàn thành phố Sóc Trăng.

  • Cà Mau: Triển khai xây dựng đê biển và kè những đoạn xung yếu

    (Xây dựng) – Dự án xây dựng đê biển và kè những đoạn xung yếu có tổng kinh phí gần 32 triệu euro để xây đê biển và kè chắn sóng ở Cà Mau. Liên minh châu Âu sẽ viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu euro, Cơ quan Phát triển Pháp cho vay hơn 19 triệu euro, còn lại khoảng 9 triệu euro từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh Cà Mau.

  • Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

    (Xây dựng) – Với những đột phá về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây, diện mạo của tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được nhanh chóng triển khai, hoàn thiện về hạ tầng. Đó chính là động lực để tỉnh phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load