Thứ tư 15/01/2025 16:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Bình Định: An Lão định hướng giải pháp đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn

08:54 | 14/01/2024

(Xây dựng) – Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại cho huyện vùng cao An Lão sức sống mới, diện mạo mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. An Lão định hướng những giải pháp thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn.

Bình Định: An Lão định hướng giải pháp đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn
Xây dựng nông thôn mới mang lại cho huyện vùng cao An Lão sức sống mới, diện mạo mới.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, huyện An Lão có 9/9 xã triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 7/9 xã thuộc đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là An Hòa và An Tân, trong đó xã An Hòa đang thực hiện Đề án thành lập thị trấn và xã An Tân đang triển khai thực hiện nông thôn mới nâng cao.

7/9 xã còn lại đều thuộc xã đặc biệt khó khăn đang triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí của các xã đặc biệt khó khăn đạt bao gồm: Xã An Hưng đạt 11/19 tiêu chí; xã An Quang đạt 8/19 tiêu chí; xã An Trung đạt 9/19 tiêu chí, xã An Dũng đạt 8/19 tiêu chí; xã An Vinh đạt 9/19 tiêu chí; xã An Nghĩa đạt 7/19 tiêu chí; xã An Toàn đạt 6/19 tiêu chí.

Để nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn các tiêu chí, UBND huyện An Lão bố trí lồng ghép nguồn vốn của ba Chương trình mục tiêu quốc gia (phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới) số tiền là 306.591,338 triệu đồng.

Bình Định: An Lão định hướng giải pháp đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn
Bộ mặt đô thị nông thôn huyện An Lão ngày càng khởi sắc.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện An Lão phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, năm 2024 có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới là An Quang; năm 2025 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là An Trung, An Hưng, An Dũng và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là An Tân; các xã còn lại đạt trên 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Bình Định: An Lão định hướng giải pháp đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn
Xã An Tân đang xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đánh giá về kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm chia sẻ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, mang lại cho huyện vùng cao An Lão sức sống mới, diện mạo mới cho nông thôn, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được đảm bảo; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một phát triển; các thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở ngày càng hoàn thiện; nhận thức trong đội ngũ cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ nét; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới từng bước xác định rõ ràng; các chính sách hỗ trợ phát triển của Trung ương, tỉnh được triển khai sâu rộng qua các đề án, chương trình, dự án cụ thể gắn Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giá trị; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu có hiệu quả, thu nhập người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất tinh thần người dân từng bước cải thiện.

Xây dựng nông thôn mới cho các xã đặc biệt khó khăn

Nhằm định hướng cho An Lão phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị huyện An Lão cần đổi mới công tác điều hành, cách tiếp cận công việc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm thực sự, để thay đổi cuộc sống của người dân, thu hút được đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: An Lão cần phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, phát triển rừng gỗ lớn, cây ăn trái; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo lương thực và đầu tư phát triển chăn nuôi gà thả đồi, chăn nuôi gia súc để tạo sinh kế, thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho dân; quản lý tốt rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng, riêng biệt. Địa phương cần nhận diện rõ các hộ nghèo, có giải pháp giúp bà con thoát nghèo, trong đó chú trọng đầu tư phát triển ba Chương trình mục tiêu quốc gia và một số dự án.

Bình Định: An Lão định hướng giải pháp đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn
Nhà văn hóa thôn 1, xã An Toàn là xã đặc biệt khó khăn của huyện An Lão.

Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết: Để đưa 7/9 xã đặc biệt khó khăn đang triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện An Lão đề ra 5 giải pháp thực hiện: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, phát huy nguồn lực hiện có, lồng ghép các chương trình, dự án liên quan để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu các cơ chế, chính sách và lồng ghép cơ chế hỗ trợ của ba Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để tập trung cho các địa phương vùng đặc biệt khó khăn phát huy vai trò chủ động trong điều phố nguồn lực thực hiện, đảm bảo hiệu quả, đổi mới và mở rộng chính sách cho vay tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội; đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích thu hút, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng cơ sở các tiêu chí chưa đạt, hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất nguy hiểm, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung để ổn định đời sống, phát triển sản xuất đảm bảo an toàn cho người dân.

Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tăng cường các hoạt động thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhất là lĩnh vực chế biến tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ du lịch truyền thống và các đặc sản có lợi thế theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP để phát triển thị trường. Bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng – xanh - sạch – đẹp, triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phù hợp với đặc thù của vùng khó khăn để phát huy được các giá trị đặc trưng của vùng và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load