Theo tính toán của ngành luyện thép, nếu luyện 1 tấn phôi thép thì sẽ thải ra khoảng 150 - 200kg xỉ thép, như vậy khối lượng xỉ thép phát sinh hàng năm có thể hơn 1 triệu tấn/năm. Đây là nguồn chất thải công nghiệp khổng lồ, nếu giải quyết nó bằng cách chôn lấp sẽ gây tốn kém hơn 10 triệu USD mỗi năm. Điều này vừa gây tốn quỹ đất, lãng phí nguồn tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề xỉ thép, Cty TNHH Vật Liệu Xanh đã đầu tư Nhà máy sản xuất VLXD từ xỉ lò điện hồ quang tại KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành tỉnh BR - VT với giải pháp công nghệ tinh giản, gọn nhẹ nhưng đạt hiệu quả cao về môi trường và kinh tế. Quy trình sản xuất của nhà máy như sau: xỉ thép được thu gom từ các nhà máy luyện thép được đưa vào thiết bị nghiền, sàng và tuyển từ; Thành phẩm được đưa ra bãi chứa để ủ theo phương pháp tự nhiên trong một thời gian thích hợp từ 1 - 6 tháng (tùy theo mục đích sử dụng) để ổn định cấu trúc, đảm bảo sản phẩm đạt được tính chất cơ lý như đá tự nhiên. Xỉ thép sau khi qua tái chế được xem là “đá nhân tạo - Ecoslag” với chất lượng tin cậy có thể thay thế đá tự nhiên và được sử dụng linh hoạt như: làm nền móng kho bãi, nhà xưởng, gia cố mặt bằng; đường giao thông; bảo vệ các công trình thủy lợi… Một trong những đặc điểm vượt trội của xỉ thép so với đá là khả năng hút nước 2,5%, cao gấp 3 lần đá (0,75%); có cấu trúc tổ ong và độ rỗng cao hơn đá.
Ông Lương Thanh Chương - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Vật Liệu Xanh cho biết, sau khi xử lý qua quá trình nung luyện trong lò điện hồ quang ở nhiệt độ 1.6000C, xỉ thép có thành phần khoáng tương tự như thành phần khoáng của xi măng, đây là điều mà vật liệu tự nhiên không có. Với ưu điểm này, sử dụng xỉ thép sẽ tiêu tốn rất ít xi măng, năng lượng… tạo ra chất lượng công trình tốt hơn vật liệu tự nhiên bởi xỉ thép có độ cứng, độ ma sát và khả năng chống phân mảnh, chịu đựng được trong điều kiện thời tiết xấu tốt hơn đá. Cấu trúc tổ ong và hình tròn nếu sử dụng làm cốt liệu làm đường, bê tông asphalt thì sẽ cho kết cấu tốt hơn so với cốt liệu đá. Trong xỉ thép còn có nhiều khoáng vi lượng, gốc vôi có thể cải tạo đất, phục hồi môi trường.
Ngoài ra xỉ thép còn có thể làm vật liệu lọc xử lý nước thải, xử lý kim loại nặng độc hại, các chất ô nhiễm trong môi trường nước thải công nghiệp và nước ngầm rất tốt. Qua quá trình nung luyện trong lò điện hồ quang, xỉ thép có cấu trúc và tính chất rất đặc biệt. Khả năng hấp phụ kim loại nặng độc hại của xỉ thép rất cao, hấp phụ các hợp chất màu dye (nước thải dệt nhuộm), Phosphat. Với độ pH cao, xỉ thép được ứng dụng để xử lý nước thải nhiễm axit, cải tạo các nguồn nước nhiễm phèn. Tuy nhiên, ứng dụng lớn nhất của xỉ thép trong xử lý nước thải là sử dụng để xử lý Photpho có trong nước thải. Kết quả nghiên cứu ban đầu của Cty Vật liệu Xanh đã mở ra triển vọng về vật liệu rẻ, thông minh dùng trong xử lý, loại bỏ kim loại nặng có trong nước thải và nước ngầm. Xỉ thép được xem là chất thải, nhưng sau khi tái chế thành vật liệu lọc xử lý nước thải có giá rẻ hơn nhiều so với các loại vật liệu lọc khác trên thị trường như than hoạt tính, Zeonit, hạt nhựa Polymer.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR - VT đã có một số công trình sử dụng xỉ thép làm VLXD như Nhà máy thép Pomina 3, KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành; Nhà máy nhôm định hình, KCN Mỹ Xuân B1 - Conac; KCN Mỹ Xuân A2, Nhà máy thép đặc biệt Posco SS-VINA… Đánh giá chung của khách hàng là sử dụng xỉ thép có giá thành rẻ chỉ bằng 50-70% so với đá. Trong tương lai xỉ thép còn được chế biến thành cát nhân tạo thay thế nguồn cát đang ngày càng cạn kiệt ở Việt Nam. Ông Chương cho biết về triển vọng trong tương lai: Hiện nay Cty đang tiến hành nghiên cứu lắp đặt dây chuyền chế biến cát nhân tạo từ xỉ thép. Chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và cho kết quả rất khả quan. Cát nhân tạo từ xỉ thép có thể làm cốt liệu bê tông chịu đựng trong môi trường nước biển, bền sunphat hoặc làm cốt liệu bê tông asphalt (ứng dụng tốt nhất của xỉ thép).
Trong văn bản số 31/BXD-VLXD ngày 07/6/2011 của Bộ Xây dựng có nêu: Xỉ thép sau khi tái chế có thành phần hóa, khoáng gần giống như thành phần hóa và khoáng của xi măng mác thấp, khi nghiền mịn và hoạt hóa với nước nó có khả năng đóng rắn và cường độ. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất VLXD như: làm phụ gia xi măng, vật liệu không nung, làm đường giao thông. |
Cao Cường
Theo baoxaydung.com.vn