(Xây dựng) - Vừa qua, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) tổ chức buổi tọa đàm “Vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, 5 năm sau khi thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”.
Tọa đàm “Vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, 5 năm sau khi thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Từ năm 2021, tất cả những doanh nghiệp phát thải lượng lớn carbon ở Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính và sau đó cần có lộ trình để thực hiện giảm phát thải để chung tay thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải”.
Thời gian tới, việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ được tiến hành rộng khắp ở các Bộ, ngành, và địa phương trên cả nước. Ngoài ra, ông cho biết, Việt Nam sẽ cập nhật lại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Từ năm 2021 trở đi, trách nhiệm pháp lý của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được phản ánh trong chiến lược này.
PGS.TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam đã chia sẻ về những thách thức và đưa ra giải pháp đối với với nền nông nghiệp Việt Nam trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như quá trình thâm canh nông nghiệp hiện tại đang dẫn đến việc giảm đa dạng về cảnh quan nông nghiệp, suy thoái đất đai và suy giảm đa dạng sinh học, tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Mục tiêu tăng năng suất và lợi nhuận nông nghiệp đang ngày càng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Quản lý bền vững độ phì của đất và sức khỏe của đất, cải thiện khai thác nguồn nước bền vững để duy trì năng suất là một thách thức.
Khi nói về giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, ông đề cập đến giải pháp phát triển nền nông nghiệp sinh thái. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái như nông nghiệp bảo tồn, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi, canh tác hữu cơ là những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp dài hạn, hạn chế chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư, giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp.
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc điều hành Green ID cho biết: Năng lượng tái tạo phát triển đến ngưỡng không còn đường lui. Việc đảm bảo sinh kế, việc làm của người dân, của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện là thách thức lớn. Khi nói về chính sách phát triển năng lượng tái tạo, bà cho rằng chính sách hiện nay chưa đồng bộ, chưa đóng vai trò dẫn dắt và tạo động lực đầu tư vì ngắn hạn, thiếu ổn định.
Để hỗ trợ năng lượng tái tạo, bà khuyến nghị các giải pháp như: Không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới; mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo; đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn đảm bảo chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới và có chất lượng cho các cộng đồng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch.
Nhật Minh
Theo