(Xây dựng) - Ngày 16/02, Đoàn công tác do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát, kiểm tra công tác phòng, chống sạt lở, sụt lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đi với Đoàn.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thị sát khu vực sạt lở. |
Theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 15/02, trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt của huyện đã xảy ra sụt lún, sạt lở đất 39 tuyến, 111 vị trí, với tổng chiều dài hơn 4.000m, ước tính thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đất do tình hình thời tiết năm 2023 diễn biến bất thường, vào thời điểm những tháng cuối năm còn xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở một số nơi, huyện phải cho xổ cống để xả nước ở mức hạn chế nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, nhưng mực nước hạ xuống rất nhanh. Bên cạnh đó, do nắng hạn nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh, cộng với việc bơm tác nước phục vụ sản xuất đã làm cho các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn, trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện rất lớn nên làm mất phản áp gây sụt lún.
Tối 31/1/2024 (21 tháng Chạp) tuyến lộ Kênh số 2, ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc bị sụt lún hoàn toàn, gây chia cắt giao thông. Đến tối 3/2/2024 (tức 24 tháng Chạp), tuyến lộ thuộc Kinh Cơi 4 - Quảng Hảo ở ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi bị sụt lún một đoạn dài. Đây là 1 trong 3 vị trí sụt lún đất trên tuyến lộ này đến thời điểm hiện nay. Trước tình hình trên, huyện Trần Văn Thời đã tăng cường triển khai công tác khắc phục sạt lở, sụt lún. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; rào chắn, giăng dây ở các tuyến đường sạt lở; tăng cường theo dõi diễn biến tình trạng sụt lún, sạt lở đất…
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã được khuyến cáo; triển khai cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún; thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún tuyến đê biển Tây do hạn hán, thiếu nước. Bên cạnh đó, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.
Khánh Bình
Theo