Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cùng với 5 trục phát triển, Hà Nội kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc là Thành phố Bắc sông Hồng, Thành phố phía Tây.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khu tái định cư xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (bố trí tái định cư cho các hộ dân trên địa bàn quận Hà Đông). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Năm 2023, Hà Nội cùng cả nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Với tinh thần đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, Hà Nội đã cán đích đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch, dẫn đầu cả nước.
Nhân dịp Năm mới 2024, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về những điểm nhấn năm 2023 và định hướng lớn trong năm 2024 của Thủ đô.
- Thưa Bí Thư Thành ủy, ông ấn tượng và hài lòng với điều gì nhất trong năm qua?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Nhìn lại năm qua, điều đáng tự hào là Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, hợp tác, sẻ chia. Chúng ta dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của thành phố. Tôi đi kiểm tra dự án đường Vành đai 4, gặp ai cũng phấn khởi, bà con tự giác nhận tiền đền bù hỗ trợ, bàn giao sớm mặt bằng. Nhiều gia đình, nhiều dòng họ chủ động di dời phần mộ người thân ngay cả khi chưa nhận tiền hỗ trợ để tạo điều kiện cho thành phố triển khai dự án...
Vị trí, vai trò Thủ đô của Hà Nội tiếp tục được củng cố, nâng cao. Các lĩnh vực từ khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, đến khối chính quyền đều cố gắng đổi mới, hầu hết đều gương mẫu đi đầu cả nước trên các lĩnh vực. Đơn cử như, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, Hà Nội đã tập trung thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, khơi dậy tiềm năng, biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế, tạo bước đột phá về du lịch, dịch vụ.
Nhờ đó, trong bối cảnh công nghiệp, xây dựng sụt giảm, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng cao nhờ dịch vụ “gánh” đỡ với tỷ trọng tăng lên trên 65%, đóng góp tới 4,69% trong mức tăng GRDP.
Du khách quốc tế trên xe xích lô đi tham quan phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh, đạt tổng số 24 triệu lượt khách (4 triệu khách quốc tế), tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch); đem lại tổng thu trên 87.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% năm 2023 tuy chưa đạt mục tiêu của thành phố, vẫn cao hơn tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%. Thu nhập của người dân vì thế tiếp tục cải thiện, lên mức bình quân 150 triệu đồng/người/năm.
Hai năm nay, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa, nguồn thu này phản ánh nội lực của nền kinh tế. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng - đạt 332.089 tỷ đồng; trong đó thu nội địa lần đầu tiên đạt mức 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước.
Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng, đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 380.000 tỷ đồng.
- Ông có thể cho biết Hà Nội đã làm gì để cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy luôn đặt ra nhiệm vụ là phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc gắn với đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...
Chúng tôi xác định công tác cán bộ là khâu đột phá; thực hiện quyết liệt các nghị quyết của Trung ương nhằm đổi mới mọi mặt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trọng tâm là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, thực hiện đánh giá cán bộ hằng tháng, bằng phần mềm gắn với chức danh công tác, vị trí việc làm, kế hoạch công tác và quan trọng nhất là lấy hiệu quả công việc, sản phẩm, sự hài lòng của người dân làm thước đo. Đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động sắp xếp đúng người đúng việc, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, không để cán bộ yếu kém giữ chức vụ, vị trí công tác quan trọng.
- Thành phố đã làm gì để thiết lập kỷ cương, cũng như lan tỏa tinh thần hành động và đổi mới đến từng cán bộ, đảng viên, thưa ông?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Bước chuyển biến lớn trong nhiệm vụ này là Hà Nội đã nâng cao được kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong thực thi công vụ. Cùng với tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển," Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” gắn với phụ lục nhận diện 25 biểu hiện của cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Trong kiểm điểm cuối năm vừa qua, chúng tôi đã đưa vào thực hiện đánh giá đối với từng cán bộ, đảng viên. Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã đánh giá cao Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Chỉ thị 24.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24 nhằm tạo chuyển biến về thực chất trong tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị; gắn với đẩy mạnh Chuyển đổi Số; tăng cường phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính để xây dựng chính quyền phục vụ, thực sự vì dân.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những hiệu quả khi “cán bộ vào cuộc, chính quyền hành động”?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Hà Nội có địa hình rộng lớn, nhiều xã, phường, với dân số gần 10 triệu người. Trong quá trình phát triển, thành phố luôn phải đối mặt với nhiều việc khó, việc mới phát sinh, ảnh hưởng và liên quan rất lớn đến quyền lợi, đời sống dân sinh. Chẳng hạn, những tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 đã triển khai hàng chục năm qua nhưng vẫn còn dang dở do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bài học đắt giá và kinh nghiệm rút ra của thành phố là muốn làm tốt cái gì phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận và sự tham gia, ủng hộ của người dân. Không có sự ủng hộ của nhân dân, làm việc gì cũng hỏng. Có sự ủng hộ của người dân, việc khó đến mấy cũng có thể vượt qua. Cho nên, khi thực hiện, phải tôn trọng nhân dân, phải bàn bạc dân chủ, công khai và minh bạch.
Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là dự án lớn bậc nhất, có nhiều đặc thù, thuộc diện điển hình của điển hình là ví dụ. Chúng tôi quán triệt rõ tinh thần như trên, do đó, vừa qua, bà con đều rất phấn khởi ủng hộ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra Dự án đường Vành đai 4 tại huyện Đan Phượng. (Nguồn: TTXVN) |
Tại nhiều nơi như ở xã Song Phương, Hoài Đức, bà con cho biết từ trước đến nay có 3-4 dự án lớn đi qua, nhưng chưa dự án nào được triển khai bài bản như Vành đai 4. Nhờ đó, từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 56 về triển khai dự án, đến nay mới 16 tháng, Hà Nội cùng với Hưng Yên, Bắc Ninh đã khởi công dự án; giải phóng mặt bằng hơn 93%, riêng Hà Nội đạt hơn 96%. Tiến độ rất khả quan, dự kiến có thể hoàn thành toàn bộ đường song hành trong năm 2025.
Đây là bài học lớn, thành phố sẽ đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng thực hiện trong nhiều dự án tiếp theo.
- Năm 2023, cùng với hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, Hà Nội đã tiến một bước quan trọng trong việc triển khai các chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, rõ nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai quy hoạch lớn. Mục tiêu trong năm 2024, thành phố đặt ra đối với nhiệm vụ này là gì, thưa ông?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Đúng như vậy, thành phố đã triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 3 nội dung lớn.
Đó là phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển. Cả ba nhiệm vụ đến nay đều đã cho kết quả tốt.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến với sự đồng thuận rất cao tại Kỳ họp thứ Sáu. Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo quan trọng đã được hoàn thành.
Năm 2024, chúng tôi đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội thông qua ba nội dung quan trọng này vào Kỳ họp thứ Bảy diễn ra tháng 5/2024. Đây là những việc rất lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan thành phố chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nội dung cần thiết để khi các nội dung này được thông qua, nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) là có thể triển khai, đưa vào đời sống, phát huy hiệu quả được ngay.
- Tương lai phát triển đô thị phụ thuộc vào quy hoạch. Trong hai quy hoạch lớn mà Hà Nội đang hoàn thiện, Thành ủy có định hướng gì?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Cùng với 5 trục phát triển, Hà Nội kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc là Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh-Sóc Sơn-Đông Anh), Thành phố phía Tây (Hòa Lạc-Xuân Mai).
Đối với Thành phố Bắc sông Hồng, thuận lợi là huyện Đông Anh đã hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Hiện nay, nhiều dự án lớn ở khu vực này đang được triển khai. Đây sẽ là thành phố có chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng Hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân-Nội Bài; tính chất, mô hình của một đô thị thông minh.
Với Thành phố phía Tây, vừa qua, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bàn giao cho Hà Nội quản lý khai thác Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Điều này tạo điều kiện để thành phố thực hiện kế hoạch này.
Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc được quy hoạch thành 8 phân khu chức năng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Với quy mô lớn và khả năng trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc sẽ là hạt nhân của Thành phố phía Tây. Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chúng ta có thêm cơ chế để đưa các trường Đại học, Học viện về đây, Thành phố phía Tây sẽ sớm hình thành...
Tập trung xây dựng hai thành phố này, Hà Nội sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, vực dậy các vùng khó khăn xung quanh, thực hiện được chủ trương phát triển đồng đều và quan trọng là kéo giãn mật độ dân số vùng lõi Thủ đô...
- Ông có thể cho biết mục tiêu và những quan điểm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong năm 2024?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Năm 2024 là năm rất quan trọng để Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Với quy hoạch tầm nhìn xa, thành phố đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số chương trình lớn như: Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu có 24 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%... Năm 2024, thành phố được giao 408.547 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước, là địa phương được giao dự toán cao nhất trong cả nước.
Để đạt được nhiệm vụ trên, thành phố xác định trọng tâm là tiếp tục tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...
Chúng tôi tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với tăng cường thực hiện Chỉ thị 24; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với Chuyển đổi Số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số quan trọng phản ánh năng lực quản trị, cải cách hành chính khác như PAPI, PARIndex, SIPAS…
Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thủ đô sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực lập thành tích, hoàn thành xuất sắc mọi mục tiêu, kế hoạch đề ra thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn Bí thư Thành ủy!.
Theo Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)