(Xây dựng) - Tài liệu hướng dẫn tập trung vào các nhóm giải pháp cấp thiết áp dụng cho nhà ở hiện hữu dùng làm nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ có lối đi, cầu thang chung, có phần sử dụng riêng, phần sử dụng chung và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh…
Để tránh xảy ra việc cháy, nổ, Tài liệu hướng dẫn yêu cầu cần rà soát về công suất tiêu thụ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh đối với các thiết bị điện có nguy cơ cháy nổ cao. (Ảnh minh họa) |
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã đồng ý để Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước ban hành Tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, việc ban hành Tài liệu hướng dẫn này nhằm chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy, khắc phục các tồn tại, hạn chế nói chung, đặc biệt tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với công trình ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, công trình ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Bình Phước.
Tài liệu hướng dẫn có tính chất tham khảo về một số giải pháp kỹ thuật chung, cấp thiết, điển hình để tăng cường ngay một số điều kiện an toàn cháy so với hiện trạng của nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) mà không có khả năng tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy cho công trình tại thời điểm đưa vào sử dụng (trước tháng 6/2024). Đối với các công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 63a Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi năm 2023 thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các nhóm giải pháp cấp thiết tăng cường nêu trong tài liệu này chỉ áp dụng cho nhà ở hiện hữu dùng làm nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ có lối đi, cầu thang chung, có phần sử dụng riêng, phần sử dụng chung và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Không áp dụng tài liệu này đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp các loại hình kinh doanh dịch vụ khác có tính chất nguy hiểm cháy cao (kinh doanh có sử dụng hoặc tồn trữ các khí cháy, chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu, hóa chất nguy hiểm cháy nổ, mút xốp, nhựa các loại và các chất cháy tương tự).
Cụ thể, về giải pháp phòng cháy thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn sử dụng điện, hạn chế và quản lý chặt các nguồn gây cháy. Trong đó, phải rà soát công suất của hệ thống điện trong công trình phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, tách riêng nguồn điện phục vụ cho khu vực công trình ở và khu vực sản xuất, kinh doanh, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh đối với các thiết bị điện có nguy cơ cháy nổ cao... Mỗi căn hộ hoặc gian phòng ở phải bố trí tối thiểu 01 áptômat (cầu dao tự động; tên gọi khác: CB, Át) làm thiết bị đóng cắt nguồn điện bảo đảm ngắt điện khi có sự cố cháy nổ. Không để các đồ dùng, vật dụng, chất dễ cháy gần các thiết bị này.
Đối với việc sạc xe điện, trong quá trình sạc phải có người thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; khuyến cáo không nên sạc điện qua đêm, trường hợp sạc điện sau 23 giờ đêm chỉ được thực hiện khi có biện pháp an toàn, không sạc quá 8 giờ liên tục…
Bên cạnh đó, quản lý chặt và thường xuyên kiểm tra các chất, vật liệu dễ cháy như: Các khí cháy, chất lỏng dễ cháy, các hóa chất dễ cháy nổ khác. Tất cả người trong công trình phải được huấn luyện kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, lánh nạn khi có cháy. Không kết hợp các loại hình kinh doanh dịch vụ khác có tính nguy hiểm cháy cao...
Ngoài ra, tài liệu cũng hướng dẫn cụ thể các giải pháp, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ và ngăn chặn cháy lan, khói lan xâm nhập vào các khu vực gây nguy hiểm…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai rộng rãi tài liệu hướng dẫn này trên phạm vi, địa bàn mình quản lý.
Công Danh
Theo