(Xây dựng) – Mô hình Làng thông minh được tỉnh Bình Dương lựa chọn thí điểm tại xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên. Sau 3 năm thí điểm, xã Bạch Đằng đã triển khai được 29/39 chỉ tiêu đặt ra…
Sau 3 năm thí điểm mô hình Làng thông minh, xã Bạch Đằng đã triển khai được 29/39 chỉ tiêu đặt ra. |
Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có Làng thông minh đầu tiên, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên (nay là thành phố Tân Uyên), giai đoạn 2020-2025.
Đề án Làng thông minh được thành phố Tân Uyên xây dựng và lựa chọn triển khai tại xã Bạch Đằng. Từ năm 2022, đến nay, mô hình bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Theo đó, mục tiêu Làng thông minh không chỉ là áp dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, mà ở đó chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được chú trọng cải thiện, tạo sự cân bằng xã hội và phồn thịnh lâu dài.
Theo lãnh đạo xã Bạch Đằng, giai đoạn 2020 - 2023, tổng kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới kiểu mẫu gắn với Làng thông minh là 34 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 3,4 tỷ đồng. Từ năm 2022, Bạch Đằng trải qua nhiều sự thay đổi tích cực từ đời sống người dân đến cơ sở hạ tầng, mang lại diện mạo mới rõ rệt của xã nông thôn mới. Cụ thể, nếu như năm 2019 bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/người, đến năm 2023 đã đạt hơn 88 triệu đồng/người/năm.
Bạch Đằng 2 – cây cầu tăng cường kết nối giao thông và đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị. |
Hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, giao thông giữa xã với các đô thị lân cận được kết nối. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có khoảng 80% tuyến đường trong xã được trang bị hệ thống đèn led. Xã cũng đã lắp đặt 52 mắt camera tại 38 điểm và wifi công cộng tại 04 địa điểm, tăng cường an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trong việc kết nối mạng.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường luôn được xã Bạch Đằng chú trọng. Cùng với thành phố Tân Uyên, xã Bạch Đằng đã phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn với sự tham gia của 53% hộ gia đình. Ngoài ra, xã cũng đã thành lập CLB IMO (chế phẩm vi sinh bản địa) với 20 thành viên để ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hữu cơ và làm phân bón vi sinh, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm ô nhiễm môi trường; 78% hộ gia đình trong xã đã tham gia mô hình "Xanh, sạch, đẹp, sáng" với các tiêu chí về môi trường và cảnh quan nông thôn. Hiện tại, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 94%, giúp duy trì vệ sinh môi trường tại địa phương. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 100%, trong đó 98% hộ sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung.
Không chỉ thế, xã Bạch Đằng là một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng đã tích cực tham gia dự án ứng dụng công nghệ BlockChain và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mTrace, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, hơn 50.000 tem truy xuất nguồn gốc đã được trao tặng cho các hộ dân trồng bưởi. Ngoài ra, dự án lúa hữu cơ tại xã đã thu hút 21 hộ nông dân tham gia, với diện tích gần 22 ha. Cây bưởi Bạch Đằng không chỉ nổi tiếng với chứng nhận VietGAP mà còn có một sản phẩm đạt OCOP 3 sao, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 96%. Các hoạt động quảng bá du lịch sinh thái tại xã Bạch Đằng đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Cũng theo lãnh đạo xã Bạch Đằng, giai đoạn 2025-2030 xã Bạch Đằng sẽ đạt 100% các chỉ tiêu về chính quyền số, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số và tiếp tục nâng cao kỹ năng số cho cán bộ và người dân. Đưa Bạch Đằng trở thành nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, phấn đấu trở thành một biểu tượng xanh cho tỉnh công nghiệp Bình Dương.
Công Danh
Theo