Thứ bảy 02/11/2024 23:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Kỷ niệm 28 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/02/1995-16/02/2023)

BHXH Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội

17:37 | 15/02/2023

(Xây dựng) - Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển (16/02/1995-16/02/2023), với sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức (CCVC) và người lao động qua nhiều thế hệ, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất tự hào, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có cuộc trao đổi, chia sẻ về chặng đường 28 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với nhiều khó khăn nhưng rất vinh dự, tự hào của BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

PV: Tổng Giám đốc cho biết những dấu mốc của việc thành lập ngành BHXH Việt Nam?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Sự ra đời của ngành BHXH Việt Nam là một xu thế tất yếu. Từ năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã có quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động (SDLĐ) và người lao động (NLĐ), được Nhà nước bảo hộ. Tiếp đó, Chính phủ đã có Nghị định ban hành Điều lệ BHXH quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN). Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sự ra đời của BHXH Việt Nam là dấu mốc cải cách quan trọng nhằm thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện chính sách BHXH theo hướng tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

PV: Qua 28 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tự hào, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách có vai trò trụ cột trong hệ thống ASXH. Tổng Giám đốc cho biết cụ thể một số thành tựu nổi bật mà ngành đã đạt được trong 28 năm qua?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Phát triển BHXH, BHYT theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Với ý nghĩa đó BHXH Việt Nam trong 28 năm qua đã góp phần đưa các chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, cụ thể:

Thứ nhất, chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. BHXH Việt Nam đã thường xuyên và chủ động tổng hợp vướng mắc trong tổ chức, thực hiện các chính sách để tác động và kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại... qua đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho NLĐ và người dân tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.

BHXH Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Thẻ CCCD - Sinh trắc vân tay.

Thứ hai, công tác truyền thông chính sách, pháp luật được coi trọng, đổi mới cả về nội dung, hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện chính sách BHXH.

Thứ ba, phát triển người tham gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành. Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng với sự tăng trưởng ấn tượng: Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần); Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần; Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Thứ tư, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, toàn Ngành đã giải quyết cho khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết cho gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN; đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,3 triệu người; từ năm 2003 đến 2022, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 2.368 triệu lượt người.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân, 3 năm qua (từ năm 2020 đến năm 2022), ngành BHXH Việt Nam đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng (trong đó, có 99,3% người nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Thứ năm, công tác quản lý tài chính, đầu tư quỹ. Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Quy mô các quỹ bảo hiểm tăng qua từng năm, khẳng định tính bền vững, đảm bảo cân đối trong dài hạn, nhờ đó NLĐ và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT.

Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) của ngành được đặc biệt quan tâm. Theo đó, các TTHC đã được rà soát, cắt giảm tối đa; đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến nhằm tạo thuận lợi nhất cho người tham gia.

BHXH Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Vận động người dân tham gia.

PV: Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, CĐS của Ngành đã mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, được các cấp các ngành và cộng đồng xã hội đánh giá cao. Tổng Giám đốc đánh giá thế nào về những thay đổi mang tính “đột phá” này của ngành?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Với phương châm "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành BHXH Việt Nam đặc biệt coi trọng và đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ…tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN.

Kết quả, đã cắt giảm từ 263 TTHC (năm 2009) xuống chỉ còn 25 TTHC, với 100% TTHC được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam. Người dân, DN có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc mọi nơi; thực hiện chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, Ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các DVC về BHXH, BHYT; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để đi KCB... Hệ thống CSDL của Ngành liên tục được làm giàu, cập nhật với thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở KCB; có khoảng 620 nghìn đơn vị đăng ký và sử dụng DVC trực tuyến.

BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống đã xác thực trên 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư.

Trong 04 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành và đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trong 3 năm qua, nhờ cải cách TTHC và hệ thống CNTT hiện đại, cơ quan BHXH các cấp đã kịp thời cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; đồng thời, góp phần triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

PV: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam cần tập trung những giải pháp gì trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Để tiếp tục thực hiện thành công các kế hoạch dài hạn và bền vững hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, thời gian tới toàn ngành sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp sau: Đó là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức, thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình và NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đảm bảo diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục phát triển một cách bền vững; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; các hành vi gian lận, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

BHXH Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Ứng dụng VssID.

Tiếp tục tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các quy trình nghiệp vụ để thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho DN, người dân.

Tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống CSDL chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là CSDL quốc gia về bảo hiểm nhằm đem lại những thuận lợi và lợi ích cao nhất cho nhân dân, đơn vị, DN.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ CCVC có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, DN.

Nắm chắc, theo sát tình hình thực tế, nhất là các vấn đề phát sinh gây khó khăn, ảnh hưởng tới ASXH của người dân, hoạt động của DN; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xử lý kịp thời các vướng mắc; hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người NLĐ, DN theo quy định.

Tôi tin tưởng rằng, với những thành quả tăng trưởng bền vững xuyên suốt 28 năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; với sự phối hợp chủ động, tích cực của các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền các địa phương; cùng sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí một lòng của toàn thể CCVC, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, ghi dấu mốc phát triển ấn tượng cho giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển vào năm 2025 tới đây.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

LK (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load