Thứ ba 11/02/2025 08:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Bếp mẹ Tết về

14:00 | 21/01/2023

(Xây dựng) - Mẹ ơi! Hoa mai kìa mẹ, lại sắp tết rồi đó mẹ.

Tiếng con trẻ reo vui, háo hức, mà lòng mẹ trăm mối ngổn ngang. Những cơn mưa cuối mùa của phương Nam, sao buồn quá. Cảnh siêu thị trưng bày hàng tết tưng bừng, rực rỡ, không làm vơi đi nỗi buồn vắng khách. Ngoài kia, vòng quay bánh xe mệt mỏi, những chuyến xe trở về quê sớm hơn dự định, vì công ty không còn việc để làm, để duy trì cuộc mưu sinh của biết bao số phận làm thuê. Chợ vắng bóng người, người bán than vãn vì ế ẩm. Hoang mang trước một mùa Xuân, với những ảm đạm kinh tế.

Bếp mẹ Tết về

Tết ư! Đã có gì đâu mà nghĩ đến tết. Mắt mẹ rưng rưng trước những thơ ngây của con trẻ. Chúng ríu rít nói về ngày tết, những món ăn hàng năm mà mẹ vẫn chuẩn bị. Còn mẹ thì nghẹn lòng. Giá như đừng tết, giá như không gia đình và giá như đừng làm mẹ. Chưa bao giờ, giữa cuộc đời lại có nhiều điều giá như đến thế. Lúc này, càng cố gắng, nỗ lực, lại càng cảm thấy bất lực.

Và tôi thấy xót xa mẹ tôi. Những cái tết khó khăn thuở thơ ấu như thước phim quay chậm, trở về. Ngày ấy, tôi ngây ngô đón tết, chưa biết đến bao nỗi lo âu, trăn trở của mẹ trong những ngày này. Bếp vẫn đỏ lửa, mẹ vẫn miệt mài chuẩn bị tết, để các con không tủi thân. Những món ăn mẹ nấu ngày tết có vị lạ lắm, thấm lắm, vì nó được hoà với nước mắt của sự tủi cực, cơ cầu, bôn ba bươn trải gió trời, bụi đời, để tết đến xuân về, đủ đầy bánh chưng, thịt đông, dưa hành, nem, măng miến. Bàn thờ ông bà nghi ngút hương trầm, với bánh trái, ngũ quả. Đó là cả một năm đổ mồ hôi giọt ngắn, giọt dài, chắt chiu, lần hồi bước thấp bước cao của mẹ.

Mẹ chưa bao giờ lỡ tết, bếp mẹ chưa bao giờ thiếu đi một món ăn nào. Tất cả đều mang đậm hương vị của gia đình Việt. Trong các món đó, món canh măng lưỡi lợn chân giò khiến tôi khoái nhất và chờ đón nhất. Mẹ lúi húi ngâm mớ măng lưỡi lợn, đặt mua từ trước tết cả tháng, vào thau nước vo gạo nếp gói bánh chưng, măng dày màu vàng mật ong, miếng nào miếng nấy như bàn tay. Khi măng no nước, nở đủ độ mềm, bấm tay vào đoạn nào hơi xơ, mẹ gọt bỏ đi, rồi đem tất cả phần non cho vào nồi luộc cùng với nước muối, hai ba lần thật kỹ, mới đem thái miếng chéo theo thớ ngang. Thịt chân giò chặt khúc vừa ăn, ướp mắm, hành khô, bột canh, một ít ngũ vị hương. Mộc nhĩ ngâm cho nở, cắt hết phần chân nấm, rồi thái sợi, nấm hương cũng ngâm mềm, loại bỏ chân, cắt làm đôi. Sau đó, phi hành thật thơm, đem xương, măng, mộc nhĩ, nấm hương xào cho chín đều và thật ngấm gia vị, mẹ đổ nước sấp mặt măng và ninh nhỏ lửa, tới khi măng thịt chín mềm. Mẹ chuẩn bị miến dong chín, bỏ sẵn vào bát tô, mẹ múc món canh măng chân giò đang sôi sùng sục vào tô có miến và bỏ vào hành mùi thái sẵn. Món canh măng chưa bao giờ thiếu trong mâm cơm chiều 30 tết. Vị rất đặc biệt, là kết tinh tình yêu thương, là thành quả từ sự nhọc nhằn của mẹ. Hương thơm bát canh làm những đứa con như tôi không khỏi xuýt xoa. Trong tiết trời se lạnh, lất phất mưa xuân, bên cành đào phai e ấp nụ, là tiếng cười con đầy hạnh phúc, là sự ấm áp của gia đình.

Bếp mẹ Tết về

Bát canh măng ấy theo chúng tôi đi xây dựng gia đình như một vòng quay của kiếp người. Chúng tôi lại cũng lo toan gia đình nhỏ bé của mình, với những bát canh măng chân giò ngày tết cho nhà chồng, cho các con chúng tôi. Chúng tôi cười nói vui vẻ bên mâm cơm 30 tết, ở xa, chỉ điện thoại chúc mẹ năm mới mạnh khoẻ. Không ai nghĩ rằng bát canh măng 30 tết của mẹ lại đổ vào nồi cất đi, lại hoà nước mắt tủi thân của mẹ cho đến tận sáng mùng 2 Tết các con về mới đem ra ăn. Các con vẫn vô tư cười nói, khen canh măng của mẹ, của nội, của ngoại ngon tuyệt vời; mang hương vị đặc biệt của sự đoàn viên.

Và hôm nay, đứa con đã 20 năm làm mẹ như tôi, bỗng nhiên thấy mằn mặn đầu môi vì chợt nghe tết đến, nghĩ đến khó khăn đang hiện hữu, chợt nhớ đến món canh măng chân giò ngày tết của mẹ tôi và của tôi. Giọt nước mắt không kịp tuôn rơi đã vội nuốt vào trong, bởi nụ cười và sự thơ ngây của con trẻ… Tết đã về!

Mai Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Đông (Hà Nội): Rộn ràng lễ hội Đa Sỹ Xuân Ất Tỵ 2025

    (Xây dựng) – Hội xuân truyền thống làng Đa Sỹ được tổ chức ngày 9-12/01 (tức 12-15 tháng Giêng), lễ tế tổ chức ngày 12/01 (tức ngày 15 tháng Giêng) tại xã Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội). Lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với công đức của Danh y Hoàng Đôn Hòa, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

  • Hành hương về chùa Hồng Ân, "tìm em" trong chiều Hội Lim

    (Xây dựng) - Ngày 9/2 (tức 12 tháng giêng), hàng nghìn du khách nô nức trẩy hội Lim, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của miền quê Quan họ. Giữa dòng người tấp nập, không ít du khách đã tìm về chùa Hồng Ân, ngôi chùa cổ kính linh thiêng nép mình bên núi Lim, để dâng hương cầu phúc và cảm nhận vẻ đẹp thanh tịnh của chốn thiền môn.

  • Độc đáo lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã

    (Xây dựng) - Trong 2 ngày 8 - 9/2 (tức ngày 11 - 12 tháng Giêng), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội Trò Trám (hay còn gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc”) Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là một trong những lễ hội độc đáo nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân cư nông nghiệp. Hàng nghìn người dân và du khách đã tụ hội về miếu Trò để tham dự lễ hội độc đáo này.

  • Thái Nguyên: Khai hội truyền thống đền thờ Lý Nam Đế Xuân Ất Tỵ 2025

    (Xây dựng) – Ngày 9/2 (tức 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), thành phố Phổ Yên, (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức Lễ hội truyền thống đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục) Xuân Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 1481 năm ngày Đức Hoàng đế Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân.

  • Thái Nguyên: Khai mạc Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương”

    (Xây dựng) – Ngày 8/2, tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, UBND thành phố Thái Nguyên đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống “Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương” thành phố Thái Nguyên năm 2025.

  • Thủy Nguyên (Hải Phòng): Lễ khai bút Xuân Ất Tỵ và Hội thi viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ

    (Xây dựng) - Ngày 8/2, UBND thành phố Thủy Nguyên tổ chức Lễ khai bút đầu Xuân và Hội thi viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ lần thứ 3, tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc, phường Quảng Thanh, thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load