Thứ ba 05/11/2024 01:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bế mạc kỳ họp bất thường thứ hai Quốc hội khóa XV

19:53 | 09/01/2023

(Xây dựng) - Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, chiều 09/01/2023, Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV chính thức bế mạc.

Bế mạc kỳ họp bất thường thứ hai Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ tài liệu, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350 lượt đại biểu phát biểu qua 03 phiên thảo luận Tổ, 02 phiên thảo luận Đoàn và 07 phiên họp toàn thể.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu.

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 03 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 02 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Bế mạc kỳ họp bất thường thứ hai Quốc hội khóa XV
Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV chính thức bế mạc sau 4 ngày làm việc khẩn trương.

Đánh giá hoạt động trong năm 2022, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các địa phương.

Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Quốc hội họp 02 kỳ thường lệ, 01 kỳ bất thường, thông qua 12 luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo” – Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch nhận định: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ucraina còn diễn biến phức tạp…

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý IV/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của quý III/2022. Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm.

Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đặc biệt, cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống, căn cơ, hiệu quả.

Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển nhanh và bền vững. Đó chính là mục tiêu phát triển của chúng ta.

Để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua; Gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Sau cùng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão tươi vui, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới ngay từ cơ sở và mỗi gia đình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Các đại biểu cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025

    (Xây dựng) – Kết luận Phiên thảo luận ngày 4/11 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện sâu sắc, thể hiện quyết tâm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và của đông đảo cử tri quan tâm.

  • Quốc hội: Đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án quan trọng quốc gia

    Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, song vẫn còn hạn chế cần điều chỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

  • Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và nguồn nhân lực

    Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

  • Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

    (Xây dựng) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, liên quan đến bão số 3, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

  • Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí

    Theo đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

  • Mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ Việt Nam và ba nước Trung Đông

    Chuyến thăm UAE, Saudi Arabia và Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước Trung Đông.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load