Thứ sáu 06/12/2024 05:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV

07:56 | 05/01/2023

(Xây dựng) – Sáng 05/01, tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ khai mạc.

Khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách, gồm: Thứ nhất, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ hai về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Thứ ba, về tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc biệt thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Thứ tư, về vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước. Thứ năm, về công tác nhân sự.

Khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Đối với vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước. Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khóa XV về giám sát tối cao công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 đã yêu cầu phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022.

Trên cơ sở Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XIII) về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và trên cơ sở việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển… Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề. Một là xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển. Hai là dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển. Ba là định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ. Năm là giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Căn cứ Tờ trình, hồ sơ trình của Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch đề nghi Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết: Dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 02 kỳ họp trước. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án sang Kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài ngành y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, đến thời điểm này, dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu tập trung tiếp tục thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về: Hội đồng Y khoa quốc gia; Thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; Phương thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục…

Về tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc biệt thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Chủ tịch cho biết: Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những quyền hạn đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đến nay, Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021, 2022 và đã chính thức hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2022.

Chủ tịch đề nghị các vị đại biểu tập trung phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về bối cảnh ban hành, kết quả thực hiện Nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời, cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì khai mạc kỳ họp bất thường thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Về vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết: Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; Việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; Việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đây là các nội dung cần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, nhưng do các cơ quan chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, nên cần được xem xét, quyết định tại Kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023.

Chủ tịch đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, góp ý kiến cụ thể về từng vấn đề; hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính chính xác, hợp lý, khả thi, rõ trách nhiệm gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết với chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load