Thứ tư 13/11/2024 13:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Bất động sản công nghiệp: Những yếu tố nào hấp dẫn nhà đầu tư?

10:59 | 20/11/2020

(Xây dựng) - Để giải đáp vấn đề liên quan đến xu hướng phát triển khu công nghiệp ven biển là tất yếu, cũng như băn khoăn về yếu tố hấp dẫn chủ đầu tư và các nhóm ngành sẽ được quan tâm… bên lề hội thảo do CBRE tổ chức ngày 19/11, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Dịch vụ tư vấn và quản lý kinh doanh khu công nghiệp và văn phòng cho thuê, Công ty TNHH CBRE Việt Nam.

bat dong san cong nghiep nhung yeu to nao hap dan nha dau tu
Theo đánh giá của CBRE, bất động sản công nghiệp ven biển là xu hướng phát triển tất yếu (Ảnh minh họa).

PV: Thưa ông, ông đánh giá như nào về tiềm năng của khu công nghiệp ven biển, các điều kiện cũng như yêu cầu đặt ra với Việt Nam và các chủ đầu tư khi muốn thu hút dòng vốn vào đầu tư?

Ông Lê Trọng Hiếu: Theo CBRE quan sát sự phát triển bất động sản công nghiệp hiện nay, phát triển khu công nghiệp ven biển là xu hướng tất yếu. Chúng ta đã có nhiều bài học từ sử dụng các tỉnh thành ven biển và các khu kinh tế hoặc khu công nghiệp ở Trung Quốc và Thái Lan được áp dụng vào Việt Nam.

Khu công nghiệp và các tỉnh thành ven biển mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Lợi ích thứ nhất, quỹ đất dùng để xây dựng hạ tầng và chi phí để mua đất tại các khu kinh tế cũng như công nghiệp ven biển rất cạnh tranh so với nhiều tỉnh thành khác trong nước cũng như trong khu vực.

Lý do các tỉnh thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận đã phát triển thời gian rất dài từ 20 - 30 năm nay nên quỹ đất khu công nghiệp đã phát triển bão hòa, mật độ lấp đầy lên tới khoảng 90%, chi phí dùng để thuê đất rất cao. Do đó, khi các nhà đầu tư nhìn vào vị trí này bài toán đầu tư không còn phù hợp. Từ đó, mục tiêu của các nhà đầu tư chuyển hướng tới các tỉnh thành cấp 2 đặc biệt các tỉnh thành phố ven biển quỹ đất hiện tại đang nhiều, chi phí thu hồi để phát triển rất cạnh tranh, đây là lợi thế rất lớn.

Lợi thế thứ hai, đó là chính quyền địa phương và Trung ương hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất cũng như doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Điều đó thể hiện bằng việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các khu kinh tế và khu công nghiệp. Những chính sách này, giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư.

Có thể kể đến như chính quyền Hải Phòng và chính quyền Quảng Ninh, là hai địa phương tiêu biểu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến đây hài lòng về việc giải quyết thủ tục việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, đền bù giải tỏa. Và đương nhiên các chi phí của doanh nghiệp thấp xuống rất nhiều.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các tỉnh thành ven biển, khu kinh tế ven biển có nhiều ưu thế về lĩnh vực này như cảng và sân bay. Nhà đầu tư có những yếu tố dự phòng nên quyết định đầu tư. Nhiều tuyến đường cao tốc được kết nối từ Trung Quốc – Hạ Long – Hà Nội, giúp doanh nghiệp có thể nhập khẩu máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, qua Hải Phòng – Quảng Ninh lắp ráp đi bằng đường biển và hàng không. Do vậy, xu hướng phát triển khu công nghiệp ven biển là tất yếu.

PV: Theo nhận định của CBRE thì sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng lên khu công nghiệp hay là những đối tượng thuê?

Ông Lê Trọng Hiếu: CBRE cho rằng, sự quan tâm đến từ hai phía bao gồm cả chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Khẳng định Quảng Ninh là một vùng đất mới trước khi có thể thu hút được nhà đầu tư vào đầu tư thì phải có các khu công nghiệp trước. Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cung cấp ra thị trường bất động sản công nghiệp chuyên kinh doanh về kho vận, nhà kho cho thuê. Khi đã có nguồn cung chất lượng sẵn sàng với chi phí hợp lý sẽ tạo điều kiện thu hút thêm từ các doanh nghiệp.

PV: Vậy theo ông, cơ hội nào cho các chủ đầu tư Việt Nam?

Ông Lê Trọng Hiếu: Thật ra, cơ hội đầu tư cho các chủ đầu tư Việt Nam có rất nhiều. Có nhiều chủ đầu tư trong nước cũng đã hiển hiện ở Quảng Ninh và Hải Phòng, có thể trong thời gian ngắn sắp tới sẽ công bố các khu công nghiệp mà họ sẽ đầu tư vào khu vực này. Nếu như nước ngoài có những doanh nghiệp lớn thì Việt Nam cũng có các doanh nghiệp phát triển từ nhiều năm. Riêng Quảng Ninh và Hải Phòng các doanh nghiệp này sẽ sớm công bố các dự án đầu tư mở rộng.

PV: Thu hút đầu tư tại các tỉnh ven biển thì lĩnh vực nào được chú trọng, định hướng thu hút FDI của Việt Nam đang có những sự thay đổi, đặc biệt về vấn đề môi trường, thưa ông?

Ông Lê Trọng Hiếu: Về nhóm ngành, các tỉnh thành ven biển có lợi thế về mặt kho vận, chắc chắn là nhóm ngành kho vận thuê lại đất và xây dựng kho vận cho thuê sẽ đi hàng đầu. Vì họ cần những địa điểm này để cung ứng kho vận cho khách hàng. Về lĩnh vực sản xuất thì những ngành nghề sử dụng các lợi thế tự nhiên sẽ ưu tiên đầu tư tập trung tại đây. Xu hướng CBRE nhận thấy sẽ có những nhóm ngành liên quan đến điện tử, công nghiệp chế tạo ôtô, khu vực phía Bắc này xung quanh Hải Phòng và Vĩnh Phúc là cứ điểm phát triển ngành xe hơi của Việt Nam. Tại Hải Phòng đã có Vinfast rất lớn, những doanh nghiệp cung ứng hoặc là đối tác của các ngành công nghiệp xe hơi này thì họ cũng có lựa chọn các khu lân cận, bên cạnh đó tận dụng ưu thế về mặt cảng biển có thể bán thành phẩm hoặc lắp ráp nguyên chiếc để xuất khẩu. Những ngành công nghiệp xe hơi, điện tử, kho vận tiếp tục phát triển.

PV: Các địa phương khi thu hút đầu tư vào khu vực ven biển họ đang dùng chính sách nào và nhà đầu tư thì quan tâm đến chính sách nào? Nhiều chuyên gia cho rằng nên hạn chế về thuế để thu hút đầu tư, điều này có nên không thưa ông?

Ông Lê Trọng Hiếu: Nếu chúng ta thiên quá nhiều ưu đãi về thuế thì chỉ thu hút được doanh nghiệp trong ngắn hạn, vì khi ưu đãi không còn các đơn vị này sẽ tìm địa điểm khác có ưu đãi về thuế để đầu tư. Nên chúng tôi nhận thấy tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, thiên về yếu tố bền vững hơn. Ví dụ như: đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không mang đến ngay về lợi thế nhưng về lâu dài rất mang lợi thế rất nhiều. Do vậy, Quảng Ninh có chiến dịch 500 ngày nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, khi có hệ thống cao tốc kết nối như vậy thì các chi phí về mặt kho vận được giảm nhiều, khuyến khích cả chuỗi cung ứng được hình thành từ khu vực này và hỗ trợ cho nhau.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load