(Xây dựng) – Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại Lễ khánh thành nhà máy đốt rác phát điện tại tỉnh Bình Dương sáng 12/1. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Công ty Cổ phần – Tổng Công ty nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) trong công tác đầu tư, phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Lễ khánh thành nhà máy đốt rác phát điện ở tỉnh Bình Dương sáng 12/1. |
Thách thức trong xử lý chất thải đô thị
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, bảo vệ môi trường là vấn đề ngày càng được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam và trên toàn thế giới, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn trong lĩnh vực xử lý chất thải. Tính đến hết năm 2023, dân số trung bình của Việt Nam khoảng 100,3 triệu người; toàn quốc có 902 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%. Mỗi ngày, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Hình thức xử lý là chủ yếu là chôn lấp với khoảng 70% lượng rác thải được thu gom, gây lãng phí tài nguyên, đất đai cũng như có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
“Với quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với việc bảo vệ và cải thiện môi trường, Chính phủ đã, đang và sẽ tập trung ưu tiên đầu tư mạnh hơn lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, cũng như lĩnh vực xử lý chất thải rắn nói riêng.
Tại Bình Dương - một địa phương đầy năng động, chúng ta lại cùng nhau chia sẻ niềm vui khánh thành Nhà máy đốt rác phát điện 5MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày do lãnh đạo, kỹ sư, người lao động Biwase tự chủ nghiên cứu thiết kế, thi công dưới sự hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư của JICA, ADB, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam…
Đây là dự án lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương. Đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Là cơ sở để tỉnh tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp và trở thành trung tâm phát triển kinh tế khu vực phía Nam với các tiêu chí phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường - xã hội và cảnh quan đô thị”, Thứ trưởng Văn nhấn mạnh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành nhà máy đốt rác phát điện tại Bình Dương sáng 12/1. |
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt luôn là vấn đề khó đối với nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao như tỉnh Bình Dương. Việc khánh thành Nhà máy đốt rác phát điện 5MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày của Biwase đã thể hiện sự thành công của Công ty trong việc giải quyết, xử lý một cách triệt để và toàn diện chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể, khi đưa hệ thống dây chuyền sản xuất phân hữu cơ vào hoạt động góp phần nâng tổng công suất phân loại và chế biến rác thành phân lên 2.520 tấn/ngày (đạt 110% so với tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trong năm 2023 của Bình Dương). Đồng thời đã chuyển hóa rác thành năng lượng, điều này góp phần bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn của tỉnh Bình Dương, phù hợp với xu hướng “rác là tài nguyên” và kinh tế tuần hoàn hiện nay”.
Bình Dương hướng tới “zero” phát thải
Để bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để dự án xử lý rác của Biwase hoạt động ổn định, bền vững, hướng đến thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn; góp phần vào công cuộc xây dựng tỉnh Bình Dương ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; tạo nền tảng hướng đến mục tiêu 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra.
“Bên cạnh đó, chính quyền Bình Dương cũng quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực, phạm vi thu gom, vận chuyển cũng như tập trung nghiên cứu phát triển, làm chủ các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hiện đại, góp phần xử lý triệt để chất thải rắn của Bình Dương nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức quản lý vận hành dự án hoạt động hiệu quả, phát huy thế mạnh và truyền thống của đơn vị, quan tâm đầu tư phát triển con người, nâng cao đời sống công nhân lao động đế góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Để đảm bảo phát triển một Bình Dương xanh, ông Mai Hùng Dũng đề nghị Công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại để tiến tới 100% rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển hóa thành các sản phẩm hữu ích và tiến tới zero phát thải.
Nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng thăm quan nhà máy đốt rác phát điện tại Bình Dương. |
Cam kết vận hành khu xử lý rác hiệu quả, ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Công ty Biwase khẳng định: “Công ty luôn giữ cho khu xử lý rác không phát tán mùi, luôn có màu xanh, sạch, sinh thái để mọi người ở gần khu xử lý rác cảm thấy an tâm.
Đối với các xe chở rác, công ty tự nguyện tăng thêm chi phí rửa xe, khử trùng cho các xe chở rác trước khi rời khỏi nhà máy. Qua đó, góp phần tăng tính thân thiện, gần gũi giữa những người làm rác và người xung quanh - một việc làm ở Bình Dương tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về hoạt động môi trường để mọi người không còn cảm giác ám ảnh về rác. Bởi thường ngày, các xe chở rác thường có mùi hôi khi di chuyển trên đường, nhất là khi dừng đèn đỏ, gây khó chịu cho người đi đường”.
Cao Cường
Theo