Thứ hai 09/12/2024 20:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu

22:08 | 06/12/2023

(Xây dựng) - Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các tầng lớp nhân dân tỉnh Lai Châu luôn xác định công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc sẽ là chìa khóa chính để phát triển du lịch của địa phương, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu
Đồng bào các dân tộc ở Lai Châu vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo như trang phục, nghề thủ công truyền thống.

Bản sắc văn hóa truyền thống đồ sộ

Ngoài giá trị to lớn về cảnh quan thiên nhiên đã được biết đến rộng rãi, mảnh đất Lai Châu còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của 20 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó có 84,6% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Si La, Phù Lá, Lào, Lự, Lô Lô, La Hủ, Mường, Mảng, Mông, Kinh, Khơ Mú, Kháng, Hà Nhì, Hoa, Giáy, Dao và Cống. Mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng để góp phần tạo nên bức tranh đầy màu sắc ở vùng biên viễn của Tổ quốc. Những nét văn hoá của từng dân tộc được thể hiện rõ qua trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở, lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh, văn hóa văn nghệ, tiếng nói, chữ viết…

Đối với nhiều du khách, ấn tượng đầu tiên của họ khi đến Lai Châu chính là các bộ trang phục truyền thống rực rỡ đầy màu sắc được dệt lên bởi những đôi bàn tay khéo léo của những cô gái dân tộc vùng cao. Ví dụ, người Mông có chiếc váy xòe với vô số nếp gấp, người Hà Nhì có trang phục sặc sỡ nhiều màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, trước ngực áo thường gắn hàng cúc bạc đi kèm với đồ trang sứ được may như một chiếc yếm. Trang phục của người Dao có đầy đủ khăn, yếm, áo, quần và thắt lưng. Phụ nữ người Mảng nổi bật với tấm vải choàng phủ ngoài thân. Phụ nữ người Lự thường mặc áo màu chàm, xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Trong khi đó, trang phục của người Cống gây ấn tượng với dây thắt lưng màu xanh tượng trưng cho thiên nhiên và chiếc khăn piêu thổ cẩm.

Về kiến trúc nhà ở, đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Lự, Kháng, Cống… sống trong nhà sàn, trong khi người Dao, Mông, Hà Nhì chọn ở trong nhà trình tường. Mỗi loại nhà lại có những đặc trưng riêng của từng dân tộc. Ví dụ, nhà trình tường của người Mông được xây dựng với 3 gian 2 chái, trong khi nhà trình tường của người Hà Nhì được thiết kế theo hình vuông, bốn mái hình chóp. người Thái trắng sẽ xây nhà sàn có lan can rất dài trước nhà, còn người Thái đen lại xây nhà sàn có mái hình mu rùa có biểu tượng “khau cút” ở 2 đầu đốc.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu
Các dân tộc tại Lai Châu vẫn còn bảo tồn được kiến trúc nhà ở truyền thống của từng dân tộc.

Văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu còn được thể hiện rõ qua hệ thống các lễ hội độc đáo như lễ Tủ Cải của dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu, hội Kin Pang then, hội nàng Han của người Thái trắng, lễ hội Xên Mường, Tết mùa mưa của người Hà Nhì, lễ hội Bun Vốc Nặm (lễ hội té nước) của người Lào… Tới đây, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội, âm nhạc vùng cao cùng nhiều trò chơi truyền thống đặc sắc như đua ngựa, ném còn, ném pao, đẩy gậy, đánh quay, kéo co, tù lu, tó má lẹ…

Dĩ nhiên, sẽ thật thiếu sót khi nhắc đến các giá trị văn hóa truyền thống ở Lai Châu mà bỏ qua các phiên chợ vùng cao. Đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc, du khách sẽ có cơ hội tham dự các phiên chợ đêm ở vùng cao như chợ San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên)... Ở đây, ngoài việc tìm hiểu đời sống và trang phục truyền thống của các dân tộc, du khách sẽ còn được thưởng thức nhiều món ngon, vật lạ đặc sản của vùng rừng núi Tây Bắc như lợn cắp nách, thịt lợn gác bếp, thịt trâu sấy, cá bống vùi do, mật ong rừng, bánh chưng đen, miến dong Bình Lư, rượu ngô Sùng Phài…

Bên cạnh đó, mảnh đất Lai Châu còn có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo khác như nghệ thuật múa Xòe, hát Then của dân tộc Thái; nghề dệt thổ cẩm, tục nhuộm răng đen của dân tộc Lự… Có thể nói, Lai Châu đang sở hữu tài nguyên văn hóa cực kỳ giá trị và có nhiều cơ hội để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu
Lai Châu có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo thu hút khách du lịch.

Nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách và mang lại thu nhập cho người dân Lai Châu. Nhưng nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của địa phương.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để tạo ra những cơ chế, chính sách và lộ trình cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa và nâng cao đời sống cho người dân.

Ngày 17/02/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã nhấn mạnh quan điểm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, mỗi dân tộc phấn đấu bảo tồn ít nhất 1 di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, ưu tiên lễ hội, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng 3 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu
Các cấp ủy đảng và chính quyền Lai Châu đã xác định giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu quan trọng là bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO vinh danh 1 di sản là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phấn đấu xây dựng mới và nâng tầm thêm 1 bản du lịch cộng đồng thành làng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của quốc gia. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp 1 chợ phiên truyền thống trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, trao đổi sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Bắc; xây dựng 1 - 2 sản phẩm du lịch văn hóa thường niên của tỉnh; xây dựng 1 - 2 sản phẩm du lịch sinh thái lòng hồ gắn với trải nghiệm văn hóa tốt đẹp các dân tộc.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu. Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành du lịch tỉnh Lai Châu sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ. Thứ nhất là các huyện, thành phố bố trí ngân sách địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cư trú thành cộng đồng, gắn với giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhiệm vụ thứ hai là bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu có liên quan đến di sản; xây dựng bộ sưu tập hiện vật và phim tư liệu vùng văn hóa, các dân tộc cư trú thành cộng đồng phục vụ công tác trưng bày chuyên đề; hỗ trợ nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, người nắm giữ và thực hành di sản sưu tầm, truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Nhiệm vụ thứ ba là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhiệm vụ thứ tư là xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, nông sản gắn với các điểm tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh trên cung đường Quốc lộ 4D Sa Pa - Lai Châu nhằm thu hút khách từ Sa Pa sang, đồng thời thành lập Trung tâm thông tin du lịch tại Sa Pa. Nhiệm vụ thứ năm là phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch và xây dựng bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Chìa khóa để phát triển du lịch Lai Châu
Lai Châu đang phấn đấu xây dựng các bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Đề án có nêu ra 6 giải pháp trọng tâm, trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đề án đặc biệt nhấn mạnh giải pháp sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Và để làm được điều này, ngành du lịch tỉnh Lai Châu sẽ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Trên cơ sở đó, ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Quy định đã nêu rõ những quy định cụ thể về các hoạt động: Khôi phục lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, chợ phiên truyền thống; truyền dạy văn hóa truyền thống, truyền dạy và sản xuất vật mẫu nghề; tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển các điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế tiêu biểu; đa dạng hóa sản phấm du lịch và dịch vụ du lịch.

Như vậy, các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Lai Châu luôn xác định các giá trị văn hóa đặc sắc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế, việc bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc sẽ là điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Lai Châu.

Hoàng My - Hoài Không

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Khám phá kiến trúc đặc biệt của tháp cổ Chiềng Sơ

    (Xây dựng) – Tháp cổ Chiềng Sơ là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được xây dựng bởi tình đoàn kết hai dân tộc Việt - Lào. Tháp hiện tọa lạc tại bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên. Ngày 14/04/2011, tháp Chiềng Sơ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1255/QĐ-BVHTTDL.

    08:46 | 01/12/2024
  • Gia Lai xây dựng cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe hướng đến bảo tồn văn hóa dân tộc

    (Xây dựng) - Tỉnh Gia Lai đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm phát triển của khu vực Bắc Tây Nguyên, với tầm nhìn trở thành "Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe". Đây là một chiến lược dài hạn kết hợp giữa phát triển kinh tế xanh, bảo tồn thiên nhiên và duy trì bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương.

    21:56 | 30/11/2024
  • Trụ sở Bộ Ngoại giao, ngôi nhà trăm mái duy nhất tại Việt Nam

    Ngôi nhà trăm mái do kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế trước đây là nơi làm việc của Sở Tài chính Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý sử dụng làm trụ sở Bộ Ngoại giao.

    09:26 | 30/11/2024
  • Ninh Bình: Triển khai kế hoạch xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch 213/KH-UBND ngày 25/11/2024 về nghiên cứu khả thi xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025 – 2030.

    21:22 | 29/11/2024
  • Bảo tồn những tiềm năng vốn có và các giá trị bản địa khu vực Làng đá cổ

    (Xây dựng) – Tại Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 năm nay, sinh viên Phan Thị Thu Trúc, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc giành được giải Nhất. Dưới sự hướng dẫn của TS.KTS Phạm Thị Ái Thủy, Trúc đã mang đến một thiết kế kiến trúc rất đặc biệt tại khu vực Làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky tại tỉnh Cao Bằng.

    15:07 | 29/11/2024
  • Phê duyệt Quy hoạch trung tâm bán đảo Quảng An, Hà Nội sẽ có nhà hát tầm cỡ thế giới cạnh hồ Tây

    (Xây dựng) - Theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 vừa được UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt ngày 26/11, Nhà hát Opera Hà Nội do kiến trúc sư số 1 thế giới Renzo Piano thiết kế, được xem là một dự án trọng điểm góp phần nâng tầm vị thế thủ đô.

    14:25 | 29/11/2024
  • Hà Nội: Xếp hạng 7 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

    (Xây dựng) – Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành Quyết định số 6162/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

    09:44 | 29/11/2024
  • Về Long An hòa mình trong “Khát vọng sông Vàm”

    (Xây dựng) - Tối 28/11, Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 chủ đề “Khát vọng sông Vàm” sẽ chính thức khai mạc. Tuần lễ bao gồm chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị…

    22:18 | 28/11/2024
  • Tu Mơ Rông (Kon Tum): Bảo tồn và phát huy văn hóa độc đáo của người Xơ Đăng qua Hội thi Cồng chiêng, Xoang Xơ Đăng

    (Xây dựng) - Ngày 28/11, tại Quảng trường Trung tâm huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức khai mạc Hội thi Cồng chiêng, Xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng lần thứ II. Sự kiện kéo dài 2 ngày, từ ngày 28-29/11, là một trong năm hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, Xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, đồng thời kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tu Mơ Rông.

    22:11 | 28/11/2024
  • Bến Vũng Rô – Biểu tượng của ý chí và khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam

    (Xây dựng) - Vũng Rô - một địa danh lịch sử, gắn liền với con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng với “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc Việt Nam, là hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước của dân tộc ta.

    21:59 | 28/11/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load