(Xây dựng) - Nằm trên trục đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được coi là một trong những công trình kiến trúc đồ sộ với diện tích trưng bày không nhỏ. Cùng với bề ngoài kiến trúc rộng lớn, Bảo tàng Dân tộc học còn lưu trữ rất nhiều kỷ vật của 54 anh em dân tộc Việt Nam, trở thành nơi quy tụ nét đẹp dân tộc Việt.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – một trong những địa điểm thu hút du khách nước ngoài ở Hà Nội. (Ảnh: Hải Linh)
Từ thuở “khai sinh” đất nước
Với mong muốn tập trung đầy đủ nét văn hóa của cả 54 anh em dân tộc trải dài trên mảnh đất hình chữ S, ngay từ những năm 1980, Nhà nước đã khẩn trương triển khai xây dựng một Bảo tàng Dân tộc học đặt ngay tại Thủ đô Hà Nội. Sau một thời gian cấp phép và xây dựng, ngày 12/11/1997, đúng vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp họp tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đã cắt băng khai trương Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (dân tộc Tày) làm việc tại Công ty Xây dựng nhà ở và công trình công cộng) là người đảm nhiệm thiết kế công trình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Phần nội thất thuộc phụ trách thiết kế của nữ kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp). Sự kết hợp giữa kiến trúc Việt – Pháp đã mang lại cho Bảo tàng vẻ đẹp vừa cổ điển, phảng phất “hơi thở” của nhịp văn hóa dân tộc Việt thời xưa cũ, lại vừa mang nét hiện đại của thiết kế phương Tây.
Ban đầu, Bảo tàng Dân tộc học gồm 2 khu vực chính: Khu vực thứ nhất là khu trong nhà bao gồm hiện vật trưng bày, văn phòng và cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường… Các khối nhà liên hoàn với nhau, có tổng diện tích 2.480m2; Khu thứ 2 là khu trưng bày ngoài trời, rộng khoảng 2ha và hoàn tất trưng bày trong năm 2006.
Đến một công trình đậm nét văn hóa
Bước vào Bảo tàng, người tham quan sẽ cảm nhận được không gian mang đậm những nét văn hóa của người dân tộc Việt Nam với 3 khu tham quan chính. Khu nhà trong (tòa nhà Trống Đồng) trưng bày hiện vật cũng như tái hiện khung cảnh sinh hoạt. Khu trưng bày ngoài trời với các loại hình kiến trúc nhà ở của người dân tộc thiểu số. Khu thứ ba (mới được xây dựng từ giữa năm 2007) là khu giới thiệu văn hóa của các nước Đông Nam Á. Từ khu trưng bày ảnh đến khu trưng bày hiện vật, tất cả đều thể hiện rõ đặc trưng quần thể sinh hoạt của từng dân tộc.
Khu vực nhà trong (tòa nhà Trống Đồng) có 2 tầng là một không gian rộng lớn trưng bày, giới thiệu về 54 anh em dân tộc từ dân tộc Tày, dân tộc Mường, cho đến dân tộc Pu Péo, dân tộc Chứt… Qua từng hiện vật, hình ảnh và cả video minh họa, người tham quan dễ dàng nhận ra được nét văn hóa của dân tộc ở nhiều vùng cư trú khác nhau.
Không gian tái hiện lại lễ “Lẩu then”– một hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian của dân tộc Tày (Ảnh: Hải Linh)
Lễ “Cấp sắc” của người Dao Đỏ (vùng cao Yên Bái) được tái hiện đầy đủ trong không gian Bảo tàng Dân tộc học (Ảnh: Hải Linh)
Du khách tới Bảo tàng, đặc biệt là du khách nước ngoài sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm nhìn hiện vật tái hiện khung cảnh sinh hoạt của người dân tộc Việt Nam như cảnh buôn bán vải dệt ở chợ vùng cao Đồng Văn (Hà Giang), cảnh kéo xe trâu của người Chăm hay đặc trưng nhà người Thái trắng và người Thái đen…
Khu trưng bày ngoài trời với 10 công trình nhà ở của các dân tộc khác nhau mà mỗi công trình lại có nét kiến trúc độc đáo như nhà rông của người Bana, nhà sàn dài của người Êđê, nhà trình tường của người Hà Nhì… Trong mỗi công trình, từng hiện vật được sắp xếp gần giống với cách sinh hoạt của người dân tộc thiểu số làm cho du khách có cảm giác như được được sống trong chính khung cảnh của nhà dân tộc.
Nhà sàn dài của người Êđê có kiến trúc vô cùng độc đáo. (Ảnh: Hải Linh)
Bài trí bố cục ở phần nửa trên của nhà sàn dài của người Êđê (Ảnh: Hải Linh)
Khu nhà văn hóa Đông Nam Á rộng gần 1ha cũng vô cùng đậm nét với những nét văn hóa của dân tộc tại nước ngoài khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, gần cổng ra của Bảo tàng còn có cửa hàng lưu niệm với những mặt hàng như tấm postcard (thư ảnh), ấn phẩm, băng đĩa, tượng đá nhỏ... giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực sự là một địa điểm lý tưởng cho những ai quan tâm tới những nền văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung và của từng dân tộc Việt Nam nói riêng. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ Hai và Tết Nguyên Đán) với giá vé bình thường vào cửa là 40.000 vnđ/người/ lượt (giá vé sẽ được giảm đối với các đối tượng đặc biệt).
Hải Linh
Theo