(Xây dựng) – Đồ án “Bảo tàng chứng tích chiến trang Đông Nam Bộ” của sinh viên Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu sâu vào việc xây dựng một công trình kiến trúc bảo tàng có tính lưu giữ và tái hiện, bảo tồn và phát huy lịch sử.
Sinh viên Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. |
Những vết sẹo chân thực về chiến tranh
Đồ án “Bảo tàng chứng tích chiến tranh Đông Nam Bộ” đặt giữa bối cảnh rừng Chàng Riệc, nay thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Đây là khu vực mang giá trị về lịch sử chiến đấu quan trọng đối với Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng; có giá trị giáo dục cao về truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Đồng thời, hiện trạng khu đất là đất di tích văn hóa, có tiềm năng là điểm kết cho tuyến du lịch lịch sử chiến tranh Đông Nam Bộ, xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh – Củ Chi – Bắc Tây Ninh; có giá trị tự nhiên, mang hàm ý về sự hồi sinh, giá trị chữa lành của thời gian đối với vết thương chiến tranh.
Phối cảnh công trình Bảo tàng chứng tích chiến tranh Đông Nam Bộ. |
Mục tiêu thiết kế bảo tàng hướng đến thông điệp “Hiểu về chiến tranh để trân trọng hòa bình. Hiểu về quá khứ để trân trọng tương lai” nhằm tạo ra nơi lưu giữ và tái hiện lại ký ức chiến tranh, giúp người tham quan có cái nhìn chân thực và thấu hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc, tưởng niệm và chữa lành những nỗi đau chiến tranh gây ra. Từ đó, du khách có những khoảng lặng nghĩ về cuộc sống hòa bình ở hiện tại; tôn trọng và ứng xử bảo vệ bối cảnh rừng Chàng Riệc, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của di tích Trung ương cục miền Nam Tây Ninh.
Việc định hình không gian bán âm kết hợp giải phóng mặt bằng tạo nên các khoảng không gian đóng mở, các khe sáng tạo nên những trải nghiệm không gian giữa ánh sáng và bóng tối. |
“Ở những giai đoạn đầu nghiên cứu, trước sự bạt ngàn của rừng Chàng Riệc, tôi đã rất muốn tìm một dáng hình có thể “ẩn lánh” vào chính sự mênh mông đó. Đây cũng là ý tưởng chính và xuyên suốt của đồ án.
Không gian âm và bán âm là hình thái kiến trúc kháng chiến bản địa đặc trưng ở Đông Nam Bộ. Vì vậy, địa đạo, hầm trú ẩn, giao thông hào… đều là cảm hứng cho em tìm ý tưởng kiến tạo không gian cho đồ án bảo tàng này.
Tổng thể công trình như một căn hầm trú ẩn mình giữa rừng Chàng Riệc bạt ngàn, nơi vẫn hằn in vết những hố bom như những vết sẹo bỏng do bom đạn từ những trận “Tìm và Diệt” để lại”, sinh viên Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cho biết.
Công trình tương tác đa hướng với bối cảnh tự nhiên. |
Một hành lang âm dài kết nối quảng trường chính và sảnh công cộng bán âm dẫn tới lối vào cụm di tích tạo nên “trục di sản” cũng là trục chính của tổng thể đồ án. Việc định hình không gian bán âm kết hợp giải phóng mặt bằng giúp công trình tương tác đa hướng với bối cảnh rừng một cách khiêm tốn và nhẹ nhàng hạn chế tác động của con người đối với tự nhiên. Đồng thời tạo nên các khoảng không gian đóng mở, các khe sáng tạo nên những trải nghiệm không gian giữa ánh sáng và bóng tối. Phần không gian âm 2 tầng dưới mặt đất gửi gắm tư duy hạn chế tác động của con người đối với tự nhiên. Thủ pháp bố cục mặt bằng với cấu trúc vòng vây nhiều lớp lang tương ứng với nhiều tầng cảm xúc trên mặt cắt, mở ra vô số góc nhìn theo trải nghiệm riêng của mỗi người.
Để xây dựng kịch bản trưng bày, tác giả cũng đã tìm hiểu và áp dụng những phương pháp chữa trị sang chấn tâm lý để chuỗi không gian trải nghiệm tập trung khai thác cảm xúc đa chiều, tái hiện ký ức chiến tranh, thay vì xoáy sâu vào khai thác tuyến tính các giai đoạn lịch sử như thông thường. Nhờ vậy, du khách ở hiện tại có thể đối mặt và nhận thức rõ ràng hơn về chiến tranh tàn khốc trong quá khứ.
Một căn hầm trú ẩn mình giữa rừng Chàng Riệc bạt ngàn
Đề tài chiến tranh và thiết kế kiến trúc bảo tàng về chiến tranh là đề tài khó, cần nhiều thời gian và công sức thực hiện. Với Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, thực hiện thành công đồ án là một quá trình dài với nhiều sự phấn đấu của bản thân.
“Cũng như các bạn sinh viên kiến trúc khác, tôi cũng có những nỗi lo lắng về tiến độ, đôi khi là bị bí ý tưởng. Nhưng khó khăn nhất đối với tôi có lẽ là quãng thời gian phải tìm hiểu, xem nhiều tư liệu về chiến tranh để xây dựng chất cảm cho bản thân. Có nhiều hình ảnh rất ám ảnh, nhưng tôi biết đó là những gì mình phải vượt qua vì bản thân giống như là người trải nghiệm đầu tiên trong công trình của mình”, sinh viên Nguyễn Thị Thúy Quỳnh chia sẻ.
Gian di chứng chiến tranh. |
Theo đánh giá của Hội đồng chuyên ngành, Đồ án “Bảo tàng Chiến tranh Đông Nam Bộ” được thực hiện một cách công phu với khối lượng lớn, thể hiện đẹp, ấn tượng và chuyên nghiệp. Sinh viên Nguyễn Thị Thúy Quỳnh có nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh, khai thác tối đa các yếu tố bản địa tự nhiên và phi tự nhiên sẵn có, nhất là các di chứng chiến tranh ở khu vực Đông Nam Bộ như các địa đạo, hầm...
Bảo tàng được thiết kế như một căn hầm trú ẩn giữa rừng xanh. Việc định hình không gian nửa chìm nửa nổi, kết hợp giải phóng mặt bằng giúp công trình tương tác đa hướng với bối cảnh rừng một cách khiêm tốn và nhẹ nhàng, hạn chế tác động của con người đối với tự nhiên.
Theo đánh giá của Hội đồng chuyên ngành, Đồ án “Bảo tàng Chiến tranh Đông Nam Bộ” được thực hiện một cách công phu với khối lượng lớn, thể hiện đẹp, ấn tượng và chuyên nghiệp. |
Hình thức kiến trúc công trình tuy đơn giản nhưng hiện đại, nhẹ nhàng và ấn tượng, vừa thanh thoát, giàu thẩm mỹ vừa thể hiện sự tôn trọng bối cảnh tự nhiên của rừng, có sự tiếp biến nhuần nhuyễn không gian từ ngoài vào trong công trình. Các không gian triển lãm được thiết kế ấn tượng và phù hợp với kịch bản trưng bày. Lưu tuyến giao thông tham quan chặt chẽ, mạch lạc, thuận tiện kết hợp với việc phân chia chức năng rõ ràng, logic, phù hợp với kịch bản trưng bày và đảm bảo sự vận hành của tổng thể chung.
Các không gian chính, đặc biệt liên quan đến các nội dung trưng bày về ký ức chiến tranh có nhiều đề xuất sáng tạo được thiết kế ấn tượng dẫn dắt và hấp dẫn người xem. Các khoảng không gian đóng mở, các khe sáng tạo nên những trải nghiệm không gian thú vị giữa ánh sáng và bóng tối.
Yến Mai
Theo