Thứ sáu 19/04/2024 16:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Cần chung tay tháo gỡ khó khăn với ngành Y tế Quảng Ninh

10:21 | 11/02/2020

(Xây dựng) - Trong lúc cả nước và thế giới đang “gồng mình” chống chọi với nguy cơ căn bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát thành đại dịch, mới biết ngành Y tế mới thực sự là đơn vị đương đầu với biết bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm. Trong đó, Quảng Ninh là một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc và là nơi có rất nhiều khách du lịch tới thăm quan nhưng đến giờ phút này Quảng Ninh vẫn “nói không” với dịch bệnh, đó là sự góp phần to lớn của ngành Y tế tỉnh này.

bao hiem xa hoi viet nam can chung tay thao go kho khan voi nganh y te quang ninh
Hãy để cho bác sĩ tập trung chăm sóc sức khỏe cộng đồng chứ không thể phân tâm vì tiền Bảo hiểm y tế đang trở thành “gánh nợ”!

Giải bài toán “gánh nợ” và trách nhiệm?

Tuy nhiên, ngành Y Quảng Ninh vẫn còn đó những nỗi lo cánh cánh bởi “gánh nợ” Bảo hiểm y tế trong nhiều năm qua chưa được thanh toán.

Điển hình hai “con nợ” đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, vật tư y tế và “chủ nợ” đối với Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh là Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy và Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên đang bị Bảo hiểm xã hội “câu lưu” tới mỗi đơn vị rất nhiều tỷ đồng từ năm 2016 đến nay. Với khoản tiền rất lớn mà hai đơn vị này đã thực chi cho bệnh nhân nhưng luôn bị Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh từ chối với lý do “nguyên nhân chủ quan” còn phía các “con nợ” thì liên tục tìm cách chứng minh là “nguyên nhân khách quan”?! Việc phân giải chưa biết hồi nào mới rõ nhưng thực tế thì hai “con nợ” này đang ngấp ngoải trong cơn bĩ cực… nhưng vẫn phải “gồng mình” chăm sóc sức khỏe tốt cho cộng đồng.

bao hiem xa hoi viet nam can chung tay thao go kho khan voi nganh y te quang ninh
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo ngành Y tế tỉnh tập trung mọi nỗ lực phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới.

Ngoài ra, nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn lại cũng trong trạng thái tiềm ẩn nhiều nguy khốn nhưng không dám lên tiếng vì sợ “ếch chết tại miệng” trước cơ quan Bảo hiểm xã hội đầy quyền lực này. Những đơn vị này hoặc “khôn ngậm miệng” hoặc tìm hướng “ thoát hiểm” khác? Có cán bộ trong ngành Y (giấu tên) than thở rằng: “Chưa bao giờ việc thanh toán Bảo hiểm y tế khó khăn như hiện nay. Kể từ năm 2016, họ (Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh - PV) gửi văn bản xuống các bệnh viện dường như là khoán tiền Bảo hiểm y tế nếu vượt mức này thì việc thanh toán coi như bằng không!”.

Không riêng gì ngành Y tế Quảng Ninh bị “đọa đày đau khổ” mà các tỉnh khác cũng không kém phần “gian khổ” bởi vậy, ngày 15/8/2017 Bộ Y tế ra Văn bản 4609 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm “điều chỉnh” Bảo hiểm xã hội Việt Nam đi đúng “đường ray” các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.

Trước một thực tế công tác thanh toán tiền Bảo hiểm y tế chứa đầy bất cập của các địa phương, Bộ Y tế buộc phải nhắc lại với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, như sau: “Quỹ Bảo hiểm y tế là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng Bảo hiểm y tế và từ các nguồn hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia Bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia rủi ro giữa những người tham gia Bảo hiểm y tế và không phân biệt vùng miền; Quỹ Bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý quỹ Bảo hiểm y tế, quyết định nguồn tài chính để đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế trong trường hợp mất cân đối thu chi quỹ Bảo hiểm y tế”.

bao hiem xa hoi viet nam can chung tay thao go kho khan voi nganh y te quang ninh
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh trong buổi họp báo nêu tinh thần quyết tâm làm chủ tình hình, trong khi nguy cơ căn bệnh do virus Corona đang bùng phát.

Với nội dung trên ai cũng hiểu rằng cơ quan Bảo hiểm xã hội cần phải quản lý quỹ Bảo hiểm y tế tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, đúng luật. Và đặc biệt Chính phủ đã lường trước khả năng rủi ro do mất cân đối quỹ và sẽ quyết định nguồn tài chính để bù. Đó là tính ưu việt của Nhà nước ta trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và chúng ta cũng hiểu rằng bất cứ cá nhân, tổ chức nào lạm dụng quyền để gây khó dễ cho ngành Y tế là đi ngược lại với lợi ích nhân dân, chủ chương của Nhà nước.

Mặt khác, vấn đề thanh quyết toán Bảo hiểm y tế đang được áp dụng pháp luật có vẻ mơ hồ đó là dựa vào nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan do hai bên thoả thuận. Đây là vấn đề cực kỳ vô lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực. Bởi cơ sở Khám chữa bệnh từ khi nhận bệnh nhân đến khi thanh toán ra viện đều có nhân viên Bảo hiểm xã hội đồng giám sát và xác nhận. Việc hàng chục tỷ đồng đã đủ hồ sơ thanh quyết toán nếu bên chi tiền nghi vấn có thể xác minh hoặc yêu cầu khởi tố hình sự bởi dấu hiệu hành vi trục lợi.

Cực chẳng đã, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Văn bản 9535 đề nghị Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí vượt quỹ, vượt dự toán khám chữa bệnh. Theo đó, nội dung Văn bản có đoạn: “Đến thời điểm hiện tại, có một số đơn vị chưa được thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế từ năm 2016 đến nay vì chưa thống nhất với kết quả thẩm định của cơ quan Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh (ví dụ: Bệnh viện Bãi Cháy chưa được chấp nhận thanh toán trên 10 tỷ đồng từ năm 2016. Phòng khám thuộc Ban Bảo vệ Sức khỏe Cán bộ tỉnh chưa được thanh toán trên 1,4 tỷ đồng từ năm 2017. Đặc biệt, năm 2018 các cơ sở khám, chữa bệnh của toàn tỉnh bị cơ quan Bảo hiểm xã hội từ chối thanh toán trên 50,6 tỷ đồng)... Sở Y tế Quảng Ninh đã chủ động có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh để cùng giải quyết các vướng mắc nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Bảo hiểm xã hội tỉnh”.

Cuối cùng, Văn bản 9535 của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất 02 yêu cầu: một là xem xét lại phương pháp thẩm định, xác định nguyên nhân gây vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán được cơ quan Bảo hiểm xã hội sử dụng; Hai là, sớm thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh toàn bộ chi phí chưa có đủ cơ sở xác định thuộc nguyên nhân chủ quan từ năm 2016 đến nay.

Cho đến hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa nhận được văn bản phúc đáp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong khi các cơ sở Khám chữa bệnh có số nợ lớn chưa được thanh toán đang như ngồi trên đống lửa?!

Hậu quả khôn lường…

Được biết, một công dân Hoa Kỳ đóng tiền bảo hiểm y tế trung bình mỗi năm là 1.100 USD (tương đương 24.970.000 VNĐ); Trong khi tại Việt Nam mức đóng tiền bảo hiểm y tế theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP bằng 4,5% tiền lương, tức là khoảng 750.600 đồng (thấp hơn 33,26 lần so với Hoa Kỳ); Trong khi trung bình giá thuốc chữa bệnh tại Hoa Kỳ rẻ gấp 2,5 lần so với giá thuốc tại Việt Nam (ví dụ: 1 viên Aspirin tại Hoa Kỳ giá 0,272 VNĐ, tại Việt Nam 0,684 VNĐ ).

Sự so sánh trên cho thấy, vấn đề điều trị để khỏi bệnh tại Việt Nam đang trở thành thách thức lớn đối với ngành Y tế, khi từ năm 2017 Chính phủ đã cắt tiền ngân sách chi phí thường xuyên cho các cơ sở Khám chữa bệnh.

Như vậy, mục tiêu chữa trị khỏi bệnh của ngành Y tế có thể mâu thuẫn so với hạn mức chi trả tiền bảo hiểm y tế được giới hạn không vượt quá hạn trần hoặc vượt quá hạn trần trong giới hạn cho phép? Và hiện nay tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo siêu vi khuẩn kháng thuốc đang trở nên cực kỳ nguy hiểm. Có người nói, nếu không tìm cách ngăn chặn nó sẽ trở thành “đại dịch” trong tương lai, hay coi nó như là “sứ giả thần chết”. Và như vậy, việc khám chữa bệnh không triệt để do các cơ sở y tế sợ “vỡ” quỹ bảo hiểm y tế, sẽ bị lỗ do khó hoặc không được thanh toán liệu có phải là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc như cảnh báo trên?

Những ai thực sự quan tâm đến sức khỏe đều nhận ra rằng, đã đến lúc “cuộc chơi quyền lực – kẻ xin – người cho” giữa ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế cần phải chấm dứt bằng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn đầy đủ, hợp lý hơn nữa. Và Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên chung tay tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với ngành Y trên cả nước nói chung và ít nhất là ngành Y Quảng Ninh như hiện nay.

Văn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load