(Xây dựng) - Ngày 8/9 tại Hà Nội, Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống Báo Công Thương đã đồng thuận cao về phương án chọn ngày 2/10/1945 - ngày Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 8-BKT/VP về tổ chức bộ máy của Bộ Quốc dân Kinh tế, là Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống Báo Công Thương. |
Hội thảo do ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Công Thương chủ trì.
Dự Hội thảo có nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đại diện Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia lịch sử, các nhà báo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín cùng lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế Bộ Công Thương; nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Báo Công Thương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh nêu rõ, được sự nhất trí của lãnh đạo Bộ Công Thương, Báo Công Thương tổ chức Hội thảo tổ chức nhằm mục đích tôn vinh các giá trị truyền thống của đất nước, của Bộ Công Thương và của Báo Công Thương.
“Việc xác định các thời điểm liên quan đến ngày truyền thống, ngày thành lập của Báo Công Thương xuất phát từ thực tiễn lịch sử phát triển của Báo Công Thương. Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển của Bộ Công Thương, Báo Công Thương hiện nay cũng trải qua nhiều thời kỳ phát triển và hiện nay là sự hội tụ tập trung của nhiều cơ quan báo chí của Bộ Công Thương qua các thời kỳ”, ông Nguyễn Văn Minh nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương (bên trái), giới thiệu về lịch sử tờ báo tới các đại biểu dự Hội thảo. |
Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo và tập thể Báo Công Thương mong muốn thông qua Hội thảo được lắng nghe ý kiến các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để có thể sớm đi đến thống nhất, đồng thuận và để có căn cứ để lãnh đạo Báo trình lãnh đạo Bộ Công Thương ra quyết định về công nhận Ngày truyền thống và Ngày thành lập Báo Công Thương.
Trên cơ sở các văn bản, tài liệu được biết hiện có cho đến nay, lãnh đạo Báo Công Thương thống nhất lựa chọn phương án lấy ngày 2/10/1945 - ngày Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 8-BKT/VP về tổ chức bộ máy của Bộ Quốc dân Kinh tế trong đó tại điều 4 của Nghị định về các phòng Sự vụ có phòng ba là Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san, là Ngày thành lập đồng thời là Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tại Hội thảo. |
Phương án chọn ngày 2/10/1945 được xác định là vừa có ý nghĩa lịch sử, thể hiện chiều dài lịch sử, bề dày lịch sử của tờ báo, vừa có tài liệu, quyết định của cơ quan có thẩm quyền chứng minh, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc.
Đồng thời đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về công nhận ngày truyền thống được quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ; ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ phải cách thời điểm công nhận ít nhất là 10 năm; có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với Bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế là minh chứng cho thấy ngay từ khi ra đời, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặc biệt coi trọng công tác vận động tuyên truyền cũng như xuất bản báo chí, coi đây là công việc hàng đầu của Chính phủ.
Việc thành lập Bộ Quốc dân Kinh tế ngay trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói lên một khát khao tột bậc của Bác Hồ là nước độc lập, tự do nhưng nhân dân phải ấm no, hạnh phúc và phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Mốc thời gian 2/10/1945 còn cho thấy sứ mệnh thiêng liêng của cơ quan ngôn luận Bộ Công Thương: Muốn phát triển kinh tế trước hết phải tuyên truyền thật tốt đường lối kinh tế.
Đặc biệt, tháng 10/1945 còn có một ngày rất ý nghĩa là ngày 13/10/1945, Bác Hồ viết thư riêng gửi giới Công Thương Việt Nam, trong đó Người nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Sự kiện này cùng với việc ra đời Báo Công Thương chứng minh rõ nét Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất quan tâm tới ngành Công Thương và công tác thông tin, tuyên truyền của ngành Công Thương.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định, việc tổ chức Hội thảo là việc làm rất có ý nghĩa và hết sức cần thiết nhằm tôn vinh các truyền thống lịch sử của đất nước nói chung cũng như truyền thống của Bộ Công Thương và Báo Công Thương nói riêng.
Nhiều chuyên gia khẳng định, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, giữa bộn bề công việc của một chính thể mới trong việc ổn định tình hình, giải quyết các vấn đề cấp bách nhất giữa bối cảnh vô cùng phức tạp lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn hết sức coi trọng vai trò của công tác thông tin tuyên truyền, coi tuyên truyền cần đi trước một bước để tạo ra sự ổn định cho phát triển của một nước Việt Nam mới.
Đặc biệt các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà báo thống nhất cao với đề xuất của Ban Biên tập Báo Công Thương lấy ngày 2/10/1945 - ngày Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 8-BKT/VP là Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Tại Hội thảo, nhà báo, nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn trao cho Báo Công Thương bản phô tô trang bìa ấn phẩm Việt Nam Kinh tế nguyệt san được xuất bản vào tháng 5/1946. Đây là tài liệu rất quý hiếm về ấn phẩm được biết xuất bản sớm nhất kể từ sau khi có Nghị định số 8-BKT/VP của Bộ Quốc dân Kinh tế, đồng thời góp thêm tư liệu quan trọng nhằm xác định ngày truyền thống và ngày thành lập Báo Công Thương.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh trân trọng cảm ơn các đại biểu tham gia và đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đặc biệt trong việc cung cấp thêm các tài liệu như các sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài liệu về ấn phẩm Việt Nam kinh tế nguyệt san, giúp thêm cơ sở để Ban biên tập Báo Công Thương hoàn thiện văn bản trình lãnh đạo Bộ Công Thương công nhận ngày truyền thống cũng như ngày thành lập Báo Công Thương.
“Hội thảo đã đạt mục tiêu đề ra với việc đưa ra các ý kiến với sự phân tích xác đáng làm sáng tỏ những căn cứ pháp lý, lý luận, lịch sử và thực tiễn để đi đến đồng thuận cao phương án đề xuất của Ban biên tập lấy ngày 2/10/1945 là Ngày truyền thống của Báo Công Thương, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm thời điểm Ngày thành lập, ngày xuất bản số đầu tiên của Việt Nam Kinh tế tập san, tiền thân Báo Công Thương”, ông Nguyễn Văn Minh nói.
Ý kiến chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương “Nhà văn Pháp Alexandre Dumas từng nói: “Lịch sử là cái đinh để tôi treo bức họa của mình”, còn đối với Báo Công Thương xác định lịch sử là hành trang, là điểm tựa để vươn lên hoàn thành trách nhiệm của mình. Trân trọng biết ơn những người đi trước để có ngày hôm nay. Việc tổ chức Hội thảo hôm nay là từ sự trân trọng, tôn vinh, cũng như xuất phát từ lịch sử của ngành. Kể từ năm 2008 sáp nhập các Báo Công nghiệp - Báo Thương mại thành Báo Công Thương, nhưng Báo chưa xác định được ngày truyền thống. Vì thế, với mong muốn, nhu cầu cũng như Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã có sự chỉ đạo về việc xác định ngày truyền thống của Báo, Đảng ủy Báo Công Thương quyết định nghiên cứu, tìm hiểu để tìm được ngày truyền thống. Chỉ một thời gian ngắn, Báo đã tìm được nhiều tư liệu quý là Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế và Nghị định số 75-BKT/ND ngày 8/3/1949 do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh ký quy định nhiệm vụ của Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ Kinh tế. Ban Lãnh đạo Báo mong muốn thông qua hội thảo tiếp tục thảo luận làm sáng tỏ những căn cứ pháp lý, lý luận, lịch sử và thực tiễn để xác định Ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương. Thông qua hội thảo tiếp tục tìm kiếm, bổ sung được nhiều tư liệu, tài liệu cũng như các ý kiến phân tích, đánh giá xác đáng để đi tới sự đồng thuận, ủng hộ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Lãnh đạo Báo qua các thời kỳ, tìm được mốc thời gian thuyết phục nhất đề nghị Lãnh đạo Bộ Công Thương công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương”. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn - Chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân: “Tôi đánh giá cao việc xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương, điều này là vô cùng cần thiết. Theo Luật Báo chí 2016 có quy định, trên trang nhất, bìa báo một đối với báo in, trang chủ, các trang đối với báo điện tử phải có các nội dung sau đây: Tên sản phẩm báo chí; Tên cơ quan báo chí, tên cơ quan chủ quản báo chí (ghi dưới tên báo chí); tên miền đối với báo điện tử; Số thứ tự của kỳ phát hành báo chí đối với báo in; Ngày, tháng, năm phát hành. Ngoài ra, nhiều tờ báo còn ghi năm xuất bản đầu tiên, hoặc tính thời gian từ năm xuất bản đầu tiên. Ví dụ, đến ngày hôm nay 8/9/2023, Báo Nhân dân ghi: Năm thứ 73, (tính từ năm 1951); Báo Quân đội Nhân dân ghi: Năm thứ 74, (tính từ năm 1950); Báo Lao động ghi: Xuất bản từ năm 1929; Báo Kiểm toán ghi: Năm thứ 12… Việc Báo Công Thương xác định được ngày truyền thống, ngày thành lập để ghi bổ sung trên trang nhất của Báo như các tờ báo khác là rất cần thiết và bổ ích. Trong Chính phủ lâm thời được tuyên cáo ra đời vào ngày 28/8/1945, có ông Nguyễn Mạnh Hà khi đó không phải là đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế. Ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà đã ký một văn bản quan trọng là Nghị định số 08 - BKT/VP về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó có Phòng Sự - Vụ, và trong Phòng Sự - Vụ thì có phòng ba là Phòng Kinh tế tập san với nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san. Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là Chủ tịch Chính phủ đã ký một hệ thống các Sắc lệnh nhằm góp phần giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, trực tiếp và cấp bách mà lịch sử đang đặt ra khi đó, đồng thời đặt nền móng cho pháp luật Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực và cho công cuộc kháng chiến, xây dựng và phát triển đất nước sau này. Trong đó có Sắc lệnh 61 ngày 6/5/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về tổ chức Bộ Quốc dân Kinh tế. Sắc lệnh này ghi rõ Bộ Quốc dân Kinh tế gồm một số bộ phận, trong đó có Phòng Sự - Vụ (mà Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san, nằm trong Phòng Sự - Vụ) như Nghị định 08 - BKT/VP đã nêu trên. Thực tế lịch sử những ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, với nhiều nhiệm vụ cấp bách: Chống giặc đói, giặc dốt, việc xây dựng đời sống mới cũng như việc chống giặc ngoại xâm đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động (mà báo chí giữ vị trí quan trọng), phải được đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta cũng như các Bộ, ngành, đoàn thể đã rất chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, trong đó có vai trò của báo chí cách mạng. Và báo chí cách mạng thời kỳ này (trong đó có báo chí kinh tế) đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Truyền thống quý báu đó đã và đang tiếp tục được Báo Công Thương cùng báo chí của ngành Công Thương kế tục, phát huy. Xin đề nghị lãnh đạo Báo Công Thương cần có báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các cơ quan có trách nhiệm xác định ngày 2/10/1945 là ngày truyền thống của Báo Công Thương”. Ông Bùi Đức Khiêm – Nguyên Tổng Biên tập Báo Công Thương: “Báo Công Thương đã qua nhiều lần sáp nhập, từ thời kỳ của Báo Thương mại và Báo Công nghiệp. Nên việc đi tìm tư liệu về Báo và tổ chức hội thảo rất ý nghĩa, đáng hoan nghênh. Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế và Nghị định số 75-BKT/ND ngày 8/3/1949 do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh ký quy định nhiệm vụ của Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ Kinh tế nên xem là cơ sở để xác định ngày truyền thống của Báo. Tuy nhiên, cần lưu ý, Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 là quyết định về cơ cấu tổ chức của Bộ thời kỳ đó, vì thế chúng ta phải xác định rõ là sau bao lâu thì có tờ Việt Nam kinh tế tập san? Vì thế, Báo cần tìm hiểu thêm về ấn phẩm này để lấy làm căn cứ thuyết phục trong việc xác định ngày truyền thống của Báo. Dù xác định năm 1945, 1946, 1947 thì Báo Công Thương đã có bề dày về năm tháng, lịch sự phát triển. Trải qua các thời kỳ, Báo đã có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, điều này đã được Nhà nước công nhận qua việc trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì… Đặc biệt, từ sự khai mở của nền kinh tế đất nước, lãnh đạo Bộ Công Thương qua các thời kỳ cũng đã luôn đánh giá và coi trọng công tác tuyên truyền, báo chí. Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, Báo đã có sự phát triển như vậy”. Ông Hồ Quang Lợi – Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Xác định ngày truyền thống, ngày thành lập là hết sức quan trọng đối với mỗi cơ quan, tổ chức. Vì thế, tôi rất chia sẻ với băn khoăn, mong mỏi của các thế hệ Báo Công Thương. Như chúng ta thấy, Báo Công Thương lịch sử phát triển vẻ vang, đã xuất bản nhiều ấn phẩm đặc biệt. Do đó, việc tổ chức hội thảo để lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử cũng như các thế hệ lãnh đạo Báo là cần thiết, qua đó để thu nhận các ý kiến, đánh giá và đi tới xác định một cách thoả đáng, phù hợp, tin cậy, chắc chắn nhất ngày thành lập cũng như ngày truyền thống của Báo. Hiện, Báo có 5 mốc thời gian, cụ thể là năm 1945 liên quan đến sự kiện 2/10 ngày thành lập phòng Kinh tế tập san để ra mắt tờ Việt Nam Kinh tế tập san; năm 1948 xuất bản số hai nguyệt san Mặt trận kinh tế; năm 1949 có Chỉ thị thành lập phòng Kinh tế; năm 2008 sáp nhập Báo Công nghiệp – Báo Thương mại. Với các dấu mốc này, chúng ta rất khó để chọn phương án tuyệt đối. Tuy vậy, ngày 2/10/1945 là lựa chọn phù hợp để làm ngày truyền thống bởi đây là dấu mốc quan trọng trong việc thành lập Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san, được coi là cơ quan tiền thân của Báo Công Thương ngày nay”.
Ông Dương Trung Quốc - Nhà nghiên cứu sử học, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của một tờ báo cần có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan, Bộ, ngành để đi đến thống nhất một cách phù hợp, chính xác. Trong những giai đoạn trước, đất nước cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhiều biến cố, do đó tôi đánh giá rất cao Báo Công Thương trong việc quyết tâm đi tìm ngày truyền thống. Theo ý kiến cá nhân, tôi đánh giá rất cao ngày 2/10/1945, đây là thời điểm đánh dấu thời gian khi chúng ta xây dựng một chế độ mới và trong bối cảnh đó chúng ta ko tiếp thu những gì của một chế độ cũ. Năm 1945, đất nước ta còn gặp rất nhiều những khó khăn. Và kinh tế là một phạm trù rất rộng, không chỉ có khái niệm kinh tế mà còn cả xã hội, phát triển nông nghiệp nông thôn là một vấn đề rất lớn. Bộ Quốc dân kinh tế là Bộ có lịch sử lâu đời của nền kinh tế quốc dân. Sự kiện ông Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 8-BKT/VP thành lập Phòng Kinh tế tập san khẳng định muốn phát triển kinh tế thì tuyên truyền kinh tế phải đi trước với nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm Việt Nam Kinh tế tập san. Do đó, tôi tán thành lấy ngày 2/10 là ngày truyền thống của Báo. Đồng thời, tháng 10 cũng gắn với sự kiện này 13/10/1945 có bức thư Bác Hồ gửi giới Công Thương”. Ông Kiều Mai Sơn – Nhà báo, nhà nghiên cứu: “Qua quá trình tìm hiểu về lịch sử ngành Công Thương và quá trình sưu tầm lâu dài về lịch sử ngành Công Thương trên báo chí có sự ra đời của tờ Nông cổ mín đàm xuất bản 3 số 1 tuần giống như Báo Công Thương hiện nay, từ năm 1901 đến năm 1921 sau đó năm 1929 có tờ nhật Báo Nông thôn thương và năm 1946 có tờ Việt Nam kinh tế tập (nguyệt) san. Tôi tán thành Báo Công Thương lấy ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế là ngày truyền thống Báo Công Thương. Tuy nhiên, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thêm về thời gian ra đời của ấn phẩm Việt Nam kinh tế tập san. Hiện, tờ Việt Nam kinh tế tập san rất khó tìm và gần như không thể tìm để xác định được mốc thời gian xuất bản cụ thể sau vào sau thời điểm Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 ban hành. Trong khi đó, chúng tôi có tìm thấy tờ Việt Nam kinh tế nguyệt san xuất bản vào tháng 5/1946”. Ông Phạm Quang Tiến – Phó trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: “Trung tâm Lưu trữ quốc gia III hiện có 20m tài liệu về Bộ Quốc dân Kinh tế. Đó là các văn bản gốc liên quan đến việc thành lập Bộ Quốc dân Kinh tế vào năm 1945, nay là Bộ Công Thương. Đặc biệt, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III đang lưu trữ 2 nghị định quan trọng của ngành Công Thương, đó là Nghị định số 08-BKT/VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế và Nghị định số 75-BKT/ND ngày 8/3/1949 do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh ký quy định nhiệm vụ của Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ Kinh tế. Các tài liệu này là cơ sở quan trọng để Báo xác định ngày truyền thống cũng như ngày thành lập. Thời gian qua, nhiều đơn vị “mất giấy khai sinh”, do vậy Báo cần tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều thông tin, tài liệu để xác định chuẩn xác ngày truyền thống, ngày thành lập”. Ông Hà Đăng – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên trợ lý Tổng Bí thư: “Tôi vinh dự được dự Hội thảo hôm nay của Báo Công Thương; với các ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi chính là sự cổ vũ tiếp sức trong việc tìm kiếm lịch sử Báo, góp phần làm hoàn chỉnh thêm bộ tư liệu Báo Công Thương. Đặc biệt, các ý kiến về lịch sử ngành Công Thương cũng như Báo Công Thương đã làm cho nhận thức về công tác của ngành Công Thương ngày càng hoàn chỉnh. Các tài liệu, thông tin về lịch sử của Báo được làm hết sức công phu và các ý kiến, thông tin tại hội thảo sẽ làm cho tài liệu về lịch sử, truyền thống của Báo ngày càng phong phú. Dựa trên các ý kiến đóng góp, việc chọn được ngày truyền thống đúng đắn sẽ góp phần thúc đẩy ngành Công Thương ngày càng phát triển”. Bà Nguyễn Thị Dung – Cán bộ Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến là vô cùng cần thiết để xác định ngày truyền thống Báo Công Thương. Ý kiến cá nhân tôi đồng ý và thống nhất lấy ngày 2/10 là ngày thành lập và ngày truyền thống của Báo. Sau khi có quyết định cuối cùng, Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thông báo các bước tiếp theo về quy trình thủ tục để cơ quan có thẩm quyền có văn bản gửi sang Báo hoàn thành thủ tục”. Ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương: “Nhất trí lấy ngày 2/10 là ngày truyền thống Báo Công Thương; còn ngày thành lập Báo Công Thương chúng ta cần phải nghiên cứu dựa trên cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, thống nhất và phù hợp”. |
Ninh Nhi
Theo