Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng báo chí đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực đồng thời tuyên truyền cộng đồng cùng chung tay gìn giữ di sản.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Báo chí truyền thông có vai trò và đóng góp quan trọng trong việc phản ánh các hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương.
Đó là lời khẳng định của bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trong tham luận tại Hội nghị triển khai công tác báo chí, tuyên truyền năm 2022 tổ chức ngày 20/1 tại Hà Nội.
Theo bà Hiền, báo chí đã bám sát các vấn đề nổi cộm như công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ (Hoa Lư, Ninh Bình) với 2.000 bậc thang đá xây dựng trái phép, vi phạm vùng lõi di sản Tràng An; di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm phạm do quy hoạch; vụ xâm phạm khu vực bảo vệ II di tích Chùa Vàng (Gia Lâm, Hà Nội)...
Bà Hiền cũng nhấn mạnh sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo, đài qua các tin tức, bài viết đi sâu điều tra, nêu rõ sai phạm liên quan đến các di tích lịch sử, văn hóa thời gian qua, đã góp phần quan trọng phản ánh thực tế còn có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong các khâu quản lý và tổ chức hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương.
"Báo chí đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực đồng thời tuyên truyền cộng đồng cùng chung tay gìn giữ di sản. Nhờ sự phát hiện kịp thời của báo chí truyền thông và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, những vi phạm trong quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xử lý nhanh và hiệu quả," bà Hiền nói.
Gần đây, báo chí phản ánh việc khuôn viên chùa Vàng bị đập tường, chặt cây và xây thụt lùi vào phía trong. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hiền cho rằng truyền thông cũng cần được định hướng và nâng cao nhận thức về di sản văn hoá, cộng đồng chủ thể di sản văn hoá mà họ sẽ tiếp cận, tránh nhìn nhận chủ quan một chiều, tránh áp đặt văn hoá và đảm bảo tôn trọng các tập tục của cộng đồng khi tiếp cận và thông tin về di sản.
Cụ thể, bà dẫn ví dụ việc báo chí gọi “Lễ hội chém lợn” thay vì “Lễ hội làng Ném Thượng” đã khiến dư luận hiểu sai về bản chất của di sản. Đôi lúc, báo chí quay phim chụp ảnh và đăng tải rộng rãi, thậm chí livestream những nghi thức không cho phép người ngoài cộng đồng tiếp cận (nghi thức "linh tinh tình phộc" trong lễ hội Trò Trám) đã tạo nên những cách hiểu sai lệch về di sản cũng như vi phạm những nguyên tắc đạo đức trong bảo vệ di sản mà UNESCO đã đặt ra.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Hiền cho rằng cần cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng và kịp thời đối với báo chí trong truyền thông quảng bá giới thiệu về di sản cũng như phối hợp trao đổi thông tin, nhất là các vấn đề nóng về xâm hại di tích, ảnh hưởng môi trường cảnh quan...
“Có thể nói, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, với sự phát triển của báo chí đa phương tiện, biết tận dụng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí và quản lý văn hóa sẽ mang lại hiệu quả cao về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trước những thách thức của quá trình hội nhập hiện nay,” bà Hiền cho hay.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+) |
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định trong năm 2022, các cơ quan báo chí của bộ, lãnh đạo các cục/tổng cục và người phát ngôn sẽ phát huy vai trò tuyên truyền, “không có chuyện lảng tránh, chậm trễ trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí.”
Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn phóng viên báo chí viết tin, bài, phóng sự truyền hình và đi tác nghiệp tại địa phương nhằm tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Đặc biệt, lãnh đạo bộ sẽ xây dựng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để thay thế quy chế cũ ban hành từ năm 2017./.
Theo Minh Thu (Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/bao-chi-gop-phan-phanh-phui-nhieu-vu-xam-pham-di-san-van-hoa/769404.vnp