Báo chí đã nói nhiều về mức độ ô nhiễm trầm trọng của con sông Kim Ngưu (Hà Nội). Con sông ấy có cái tên đẹp là “Trâu vàng”. Giờ đây “Trâu vàng” đang bị lở mồm, long móng, chết dần chết mòn vì kiệt sức, vì một ngày phải nhận hàng tấn rác các loại vứt xuống, vì ngày đêm phải cõng hàng nghìn mét khối nước thải bẩn từ các nhà máy, bệnh viện, cửa hàng sản xuất, kinh doanh; từ những ngõ phố hai bên bờ sông đổ ra. Nhìn con sông ngậm ngùi trong dòng nước đen đặc, bốc mùi, có người đặt cho nó cái tên mới là: “sông thối”.
Sông Kim Ngưu đang chết dần bởi rác thải và nước thải.
Mười năm trước Hà Nội đã đầu tư gần 35 tỷ đồng để chỉnh trang nạo vét bùn rác, kè đá bờ sông, lát gạch trang trí, trồng cây xanh, dựng hai hàng cột điện cao áp bên hai bờ… Lúc ấy cư dân các phường ở hai bờ sông thuộc hai quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai thật sự vui mừng, tưởng từ đây được sống trong cảnh quan môi trường sạch đẹp. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”! Do ý thức của nhiều người dân không tự giác giữ gìn công trình phúc lợi công cộng, do cơ quan chức năng và chính quyền sở tại buông lỏng quản lý để tình trạng “cha chung không ai khóc”, dẫn đến hậu quả hàng nghìn mét xích sắt móc và hai hàng cột lan can bên sông bị kẻ xấu vặt sạch đem bán sắt vụn, nhiều mảng vỉa hè dành cho người đi bộ bị bong tróc, nhiều cây bê tông bó vỉa hè bị gãy vỡ do suốt chiều dài gần 1km từ cầu Lạc Trung đến cầu Mai Động đã biến thành bãi trông giữ các loại ôtô. Xe tự do cho đuôi gác trên vỉa hè, thò đầu ra lòng đường, mà đường thì không rộng, vừa làm ảnh hưởng đến trật tự người xe đi lại, vừa trở hành những tấm bình phong cho người ta phóng uế, đổ rác kể cả rác hữu cơ, rác thải rắn, chạt vữa xây dựng… Bây giờ sông Kim Ngưu, nếu nói hơi quá lời, thì nó như một thùng rác khổng lồ, như một nhà vệ sinh hở toang hoác cho người qua đường, cho các anh “cửu vạn”, xe ôm ở đầu cầu Lạc Trung và cầu Mai Động, cho các bà bán hàng rong, bất cứ lúc nào cũng có thể thoải mái và vô tư xả hết “nỗi buồn” xuống bờ sông.
Bao nhiều tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân bỏ ra chỉnh trang, nâng cấp sông Kim Ngưu, nay lại để nhếch nhác, ô nhiễm như thế này ư?!
Góp một vài ý tưởng
Hà Nội có nhiều công trình lớn cần làm để hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuy vậy người dân tha thiết mong các cơ quan quản lý công trình công cộng và chính quyền các cấp quận, phường hãy chú ý tới khu vực sông Kim Ngưu, nơi đang là một điểm “nóng” khá bức xúc về giao thông và môi trường. Để góp phần làm cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp, xin mạn phép bày tỏ một vài ý tưởng và nêu lên một số việc cần làm!
Một là nếu tiếp tục để hở sông Kim Ngưu, trước hết hãy giải tỏa ngay bãi giữ ôtô bên bờ sông phía Đông, sắp xếp điểm trông giữ xe nơi khác, mà ở đó mật độ dân cư, xe cộ, phố xá, chợ búa, trường học không tập trung dày đặc như nơi đang trông giữ xe hiện nay ở P.Vĩnh Tuy.
Bờ sông Kim Ngưu thành bãi đỗ xe, luôn tràn xuống lòng đường. Ảnh La Duy
Cần ngay những biện pháp xử lý ô nhiễm nước sông, ngăn cấm những cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện… thải nước ra sông chưa qua xử lý. Con sông Kim Ngưu chỉ dài khoảng 4km, lòng sông cạn hẹp, nếu có thể xây dựng một trạm bơm nhỏ, bơm nước sông Hồng vào sông Kim Ngưu tạo ra sức đẩy nhanh chất bẩn về cống thoát nước Yên Sở, nhất là vào thời gian trời có mưa, nắng nóng kéo dài. Như vậy nước sông sẽ được pha loãng và tăng lượng ô-xy hòa tan, giúp cho dòng sông tự làm sạch, nước sông bớt nặng mùi.
Điều quan trọng nhất là phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ dòng sông và môi trường trong sạch. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với chính quyền sở tại, tổ chức lực lượng kiểm tra, tuần tra thường xuyên; có cơ chế mạnh xử phạt hành chính, phạt tiền với những ai xả rác hoặc tùy tiện làm mất vệ sinh nơi công cộng. Đi đôi với công tác quản lý cần có những thùng rác lớn, có hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp, đặt dọc bờ sông giúp mọi người thực hiện nếp sống văn minh của người Hà Nội. Nếu cảnh sát giao thông phạt người vi phạm Luật Giao thông, vậy cảnh sát môi trường và cảnh sát trật tự tại chỗ chẳng lẽ lại bỏ qua những người làm môi trường ô nhiễm?.
Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các cơ quan quản lý ở địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân một mặt bảo vệ môi trường, mặt khác góp công, góp của làm lại và làm mới một số cầu nhỏ có dáng vẻ đẹp tiện cho nhân dân hai bờ qua lại làm ăn, sinh hoạt.
Một việc nữa không thể chần chừ là sớm giải tỏa nút giao thông đầu cầu Kim Ngưu tới đường Trần Khát Chân. Nhiều năm rồi theo quy hoạch phải giải tỏa nút giao thông này để hai bờ sông Kim Ngưu lưu thoát, nhưng nay chờ mai đợi làm cho nút giao thông này càng thêm ách tắc. Ai có thể chịu nổi cảnh dòng người, dòng xe ùn tắc từ cuối phố Lò Đúc xuống quá cầu Lạc Trung, mỗi lần ách tắc là người dân qua lại nơi đây phải chịu hít thở khói bụi, hơi xăng dầu, cộng với mùi hôi nồng nặc từ mặt sông bốc lên.
Hai là, có thể đầu tư làm kín sông Kim Ngưu, nhưng vẫn có một phần hở.
Đã có nhiều ý kiến bàn thảo chung quanh chuyện để hở hay làm kín sông, nhưng làm thế nào, bao giờ làm, có đưa vấn đề này lên công luận để người dân tham gia ý kiến hay không?
Theo tôi, mãi mãi sông Kim Ngưu dù để hở hay làm kín, thì nó vẫn phải làm một chức năng chủ yếu là tiêu thoát nước từ nội thành ra ngoại thành. Nếu để hở thì cần làm những việc như phần trên của bài viết này đã đề cập. Nếu làm kín không có nghĩa là lấp kín một dòng sông đã có tên trong sử sách, mà chỉ là cho nó chảy ngầm qua một đoạn dài khoảng 2,5km trong nội đô. Tuy làm kín nhưng vẫn để một phần hở ở giữa dòng sông có tấm đan che chắn, thông thoáng, có lan can hai bên; kích cỡ phần hở chiều ngang rộng khoảng 3m, chiều dài chạy theo phần nắp đậy bằng những tấm bê tông ghép kín để có diện tích rộng hai bên mặt sông. Làm như thế con sông vẫn có thể nhận được khí trời và nước mưa. Tất cả các cửa cống từ các đường ngõ đổ ra sông đều có hố ga, lưới chắn, dễ mở nắp để vớt rác thải, không cho rác theo cửa sông ra dòng sông. Nếu làm kín theo kiểu cầu trên mặt sông (có cửa đậy, mở khi cần nạo vét) thì giá trị đầu tư cho công trình này hẳn không lớn hơn một nhánh đường dẫn của cầu Thanh Trì hay cầu Vĩnh Tuy, nhưng thành phố lại có thêm một diện tích mặt bằng trên cầu hàng chục nghìn mét vuông. Đương nhiên phải có quy hoạch và thiết kế tổng thể cho dự án theo ý tưởng này. Chẳng hạn, quy hoạch các khu gửi xe máy, ôtô ở đâu cho hợp lý; ở đâu xây dựng những vườn hoa nhỏ, trồng cây cảnh trên cầu làm nơi vui chơi, giải trí cho nhân dân nói chung và người già, trẻ em nói riêng? Ở đâu là khu dịch vụ thương mại, như khu chợ đêm, chợ dành cho những người bán hàng rong, khu ăn uống… Mặt sông được làm kín hai bên sẽ tránh được tình trạng xả rác, phóng uế bừa bãi xuống sông, sẽ là nơi cho người đi bộ tập thể dục, không phải mang khẩu trang và cũng hạn chế được những tệ nạn xã hội thường xảy ra dưới những gốc cây tối đèn. Vùng dân cư quanh sông Kim Ngưu đã quá đông đúc, chật chội, nếu có mặt bằng trên sông sẽ góp phần giải tỏa được vỉa hè, lòng đường sẽ giúp nhân dân hai bờ đi lại thuận tiện, có chỗ vui chơi, cùng nhau giữ gìn trật tự an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Hai giải pháp nêu trên có được thực hiện hay không, thực hiện bằng cách nào, đến mức nào còn tùy thuộc vào sự trao đổi, cân nhắc của các nhà chuyên môn cùng với những quyết định có tính khả thi của các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý địa bàn.
Phạm Thanh
Theo baoxaydung.com.vn