Thứ năm 25/04/2024 20:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ban Mê Thuột - “trái tim” cao nguyên

10:33 | 28/07/2022

(Xây dựng) - Chiều buông đỏ thẫm phía chân trời một ngày đầu tháng Bảy. Dòng người hối hả ngược xuôi trên phố. Giờ tan tầm, hàng cây sũng nước, mưa đến vội vàng và đi cũng thật nhanh.

ban me thuot trai tim cao nguyen

Tiếng còi xe vang lên khắp nơi, nhắc tôi nhớ về ngày trước, thuở mười tám, đôi mươi, đã từng coi phố là chốn đi về. Hơn mười năm trôi qua, tôi từ một cô bé lớn lên trên cánh đồng thơm mùi rơm rạ, lần đầu tiên gặp, đã nhìn thành phố bằng ánh nhìn ngơ ngác; nay là một cô giáo mà tuổi nghề cũng chính bằng khoảng thời gian tôi xa nơi này, trở lại ngoảnh nhìn chỉ còn kí ức rưng rưng, giấu mình trong long lanh của một chiều mưa bất chợt.

Thành phố ấy chính là Buôn Ma Thuột, trái tim cao nguyên, nơi mà ngày trước chúng tôi hay gọi là Ban Mê, hay đơn giản hơn chỉ gọi gọn bằng một từ: Phố. Ngã sáu đông đúc hay những ngõ nhỏ im ắng, bình yên; những toà nhà chọc trời hay ngôi nhà giản dị nép mình khiêm nhường, đều thường nấp dưới tán cây lớn, toả bóng cả một khoảng trời, khiến phố trong mắt tôi, dù ồn ào náo nhiệt, nhưng rất đỗi hiền hoà. Trong chiều mưa bay, phố lại càng khiến tôi thấy dễ chịu và thân thuộc. Phố được tắm mưa cũng thích, bao muộn phiền, bụi bặm, gánh nặng, chợt được rửa trôi, trả lại sự bình yên, trong trẻo.

Tôi rẽ vào đường Phan Đình Giót, nơi mà hồi học đại học, lâu lâu tôi lại rủ bạn đi ba bốn cây số, chỉ để ngồi nơi chiếc bàn nhựa nhỏ kê tạm bên lề đường, trên ấy là tô bún đỏ bình dân đang bốc khói nghi ngút, chỉ chút nữa thôi sẽ lấp đầy cái bụng đang réo lên vì đói, của con bé sinh viên sư phạm văn lãng đãng. Bây giờ, mấy quán bún đỏ đã lùi về một góc nhỏ ở đường Lê Hồng Phong. Trước mắt tôi là một con đường mới, với bức tường chạy dài kín hoạ, sống động. Hai hàng cây đã thành cổ thụ, đan tán vào nhau, hứng mưa rơi, che mát toàn bộ con đường. Tôi nghĩ đến những ngày nắng, nắng rơi chỗ này, rớt chỗ kia, cắt bóng râm thành vũng nhỏ như mắt lưới, đậu trên vai người qua, đẹp biết bao. Mới hay, dẫu là mưa nắng, là buồn vui, là thời tóc còn xanh, hay sau này mái đầu đã lâm râm điểm bạc, thì nơi nào ta yêu, nơi đó đều trở thành nhà, là vùng trời bình yên và thuần khiết, cho ta trú tạm vào ngày bão giông. Với tôi, phố là như thế. Tôi cách phố hơn một trăm cây số, nhưng vẫn thấy thật gần, chỉ cần tôi muốn, tôi sẽ đi gặp, phố sẽ ôm tôi vào lòng, xoa dịu bằng kí ức về nỗi nhớ niềm thương giữ mãi cho riêng mình, chưa dám ngỏ giữa một sân trường tím biếc cánh phượng rơi, bằng cánh hoa dầu xoay xoay khi cơn gió ào qua, bằng màu vàng chói mắt của mùa hoa hoàng yến nhiều kỉ niệm, bằng màn mưa bay trong một buổi chuyển mùa...

Bạn tôi bảo phố đã thay đổi nhiều. Chỉ còn quán cà phê Văn ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng là vẫn gần như cũ. Quán thường mở nhạc Trịnh. Thời sinh viên tôi thỉnh thoảng tới đó ngồi nhâm nhi cà phê và nghe nhạc. Người ta thường thích Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, còn tôi ngày ấy nghe chỉ thấy rờn rợn, nhất là vào những đêm chỉ có một mình, bên ngoài trời mưa rả rích. Khi nghe ở quán Văn cùng bạn, cảm giác rờn rợn vơi bớt hơn rất nhiều. Lần tới tôi sẽ quay lại quán, đắm mình trong giai điệu đã từng rất quen thuộc của ngày xưa.

Tôi ngồi nhìn qua ô cửa sổ phòng thi. Dưới khoảng sân đầy rêu, lá bàng rụng dày. Mưa đến, tất cả nhoè nhoẹt nước nhưng ngày mai nắng sẽ lại lên, hong khô tất cả. Đời người đi qua bao lần mưa nắng sẽ trưởng thành, có những lúc vì mưa nắng mà trở nên cằn cỗi, cũng có thể nhờ mưa nắng mà trở lại tươi xanh. Thành phố tôi yêu cũng đang sống đời của nó, vô tư đón nhận mưa nắng thuộc về mình, để rồi trở thành niềm thương, nỗi nhớ cho muôn người trên vạn nẻo đường ngoài kia.

Trong mắt tôi, khoảnh khắc ấy, chỉ còn lại hình ảnh của "những chiều thành phố mưa bay".

Nguyễn Hiên

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load