Chủ nhật 05/01/2025 10:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

“Băm nát” quy hoạch Thành phố Hà Nội: Cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân

15:03 | 24/06/2022

(Xây dựng) – Những ngày gần đây, vấn đề điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội đang được dư luận hết sức quan tâm khi hàng loạt sai phạm liên quan trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ tại Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy kết trách nhiệm “chung chung” thuộc về UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội là chưa rõ và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến người đang đảm nhiệm những vị trí liên quan trong công tác quản lý quy hoạch của thành phố hiện nay. Mặc dù, họ không phải chịu trách nhiệm đến các sai phạm như đã nêu trong Kết luận Thanh tra.

bam nat quy hoach thanh pho ha noi can lam ro trach nhiem cua tung ca nhan
Chung cư, cao ốc dày đặc ở tuyến đường Lê Văn Lương làm "méo mó" quy hoạch, gây ra nhiều hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Thủ đô.

Liên quan đến những sai phạm “băm nát” quy hoạch trục đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Trung Hòa - Nhân Chính được chỉ rõ tại Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng, bên hành lang Quốc hội sáng 15/6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi rút kinh nghiệm và giao các phòng rà soát lại vấn đề này”(?).

Nhiều ý kiến cho rằng, một thành phố lớn như Hà Nội - Thủ đô đất nước đã bị “băm nát” nhiều năm, gây bao nhiêu hậu quả khó khắc phục như: ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, quá tải về hạ tầng. Nhưng sự trả lời của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ là “rút kinh nghiệm” và “rà soát lại vấn đề” là không thể hiện rõ trách nhiệm của mình.

Theo chúng tôi, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đương nhiệm, trong thời gian một vài năm không thể chịu trách nhiệm tất cả những vi phạm như trong Kết luận Thanh tra nêu. Những vi phạm này đã xảy ra từ những năm 2000, tới nay đã hơn 20 năm, trải qua 04 khóa HĐND, nhiều đời Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Lẽ ra, trong Kết luận Thanh tra phải làm rõ được trách nhiệm của từng thời kỳ, gắn với từng cá nhân đã ký các văn bản điều chỉnh quy hoạch để xảy ra các sai phạm nêu trên. Nói như vậy, để thấy rằng, ông Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đương nhiệm cũng chẳng thể nào trả lời thêm được.

Cũng trong vấn đề quy hoạch Hà Nội bị “băm nát” và gây ra hậu quả như trên thì nhiều ý kiến cho rằng: Chất lượng lập quy hoạch kém, quản lý quy hoạch kém, cấp giấy phép xây dựng tùy tiện… Chúng tôi cho rằng, những ý kiến nêu trên cơ bản đúng nhưng chưa đúng về bản chất sự việc, nếu hiểu đúng bản chất sự việc thì cần xử lý trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân, trong từng thời kỳ đã gây nên những sai phạm nêu trên. Tránh tình trạng nêu chung chung như vậy thì chúng ta sẽ không hạn chế được những sai phạm tiếp theo và cũng không rạch ròi trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Về quy hoạch Thành phố Hà Nội, giai đoạn trước khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mở rộng địa bàn Thủ đô Hà Nội. Lúc đó, hầu hết các phường, quận đều có quy hoạch chi tiết 1/2000. Trong giai đoạn này, nếu cứ thực hiện quy hoạch như được phê duyệt thì cũng rất tốt bởi vì thành phố đã giành ra hàng trăm hecta đất ở khu vực Mỹ Đình để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Chính phủ và cấp Bộ. Đồng thời cũng tập trung xây dựng các cơ quan ban ngành thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng giành ra hàng trăm hecta đất để xây dựng công viên cây xanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Theo đó, đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội. Ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Tuy nhiên cũng trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2011 và đến nay hầu như tất cả các khu vực nêu trên đều bỗng dưng biến mất do người đứng đầu UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu, đã biến các khu vực nêu trên thành khu nhà ở cao tầng. Vậy, đây không phải là vấn đề làm quy hoạch yếu kém mà chính là vấn đề điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội qua các thời kỳ.

Một điều rất rõ, với đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hà Nội từng thời kỳ để được phê duyệt đã tốn kém rất nhiều thời gian thậm chí có thể vài năm, tiền của sức lực không chỉ ở đội ngũ tư vấn lập quy hoạch mà còn có nhiều ý kiến của hầu hết các Bộ, ngành tham gia.

Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng gồm nhiều chuyên gia chuyên ngành họp nhiều lần. UBND Thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành cũng tham gia nhiều lần. Chính quyền các quận, huyện, xã, nhân dân cũng tham gia ý kiến trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Vậy mà, thực tế khi điều chỉnh quy hoạch chỉ cần Chủ tịch UBND Thành phố, hoặc Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc xin ý kiến của Sở Xây dựng và một số Sở liên quan để trình lên Chủ tịch UBND Thành phố. Thế là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện.

Trong khi đó, Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Quy hoạch năm 2009 quy định về điều chỉnh quy hoạch: Thì việc điều chỉnh quy hoạch hầu như là lập quy hoạch mới. Có nghĩa là, thẩm quyền ai phê duyệt thì người đó phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tương tự như việc lập quy hoạch mới. Như vậy, việc điều chỉnh như Kết luận Thanh tra nêu đối với những cá nhân có trách nhiệm ký quyết định điều chỉnh liệu có đúng thẩm quyền? Bởi việc phê duyệt Quy hoạch chung của Thành phố Hà Nội là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Không những thế, nghiên cứu một số văn bản mà UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh các dự án, công trình chúng tôi thấy, ở đây đã sinh ra những thủ tục hành chính trái pháp luật. Ví dụ, sau khi Chủ đầu tư xin phép điều chỉnh về mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng… lẽ ra vấn đề này phải xin ý kiến Thủ tướng trước khi điều chỉnh nhưng hầu như tất cả chỉ có một văn bản của Văn phòng UBND Thành phố ký Thông báo ý kiến của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách với nội dung: Đồng ý chủ trương điều chỉnh, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư và ký xác nhận tổng mặt bằng. Theo quy định pháp luật, về quy hoạch xây dựng thì không có loại văn bản này và cũng không có quy định cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định tổng mặt bằng mà chỉ quy định cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh và phê duyệt tổng mặt bằng.

Cách làm tùy tiện này đã được các cơ quan truyền thông cảnh báo nhiều lần, nhiều năm nhưng hầu như UBND Thành phố Hà Nội vẫn xem mình như một “vương quốc” và vẫn tiếp tục làm trái pháp luật và chính cách làm này đã “băm nát” quy hoạch đô thị Hà Nội như hiện nay.

Như vậy, trách nhiệm của ai và của cơ quan nào đã rõ. Chúng tôi cho rằng, việc “băm nát” quy hoạch của Thành phố Hà Nội không chỉ ở những dự án mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận mà còn xảy ra ở hầu hết trên địa bàn toàn thành phố. Dư luận xã hội cho rằng, những sai phạm nêu trên đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng mà không thể khắc phục, nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân thành phố, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của thành phố những năm tiếp theo. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật là cần tiếp tục làm rõ các vi phạm của từng tổ chức, cá nhân.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load