Thứ tư 15/01/2025 21:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Thực trạng sử dụng tài nguyên khoáng sản dành cho sản xuất VLXD và tính cấp thiết cần phải có một quan điểm bảo vệ môi trường trước thực trạng nguồn n

08:30 | 14/11/2020

(Xây dựng) - Nước ta được đánh giá có nhiều lợi thế về tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên trữ lượng hầu hết đều nằm trong danh mục hữu hạn. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, do đó, nguồn nguyên - nhiên liệu để sản xuất vật liệu ngày càng khan hiếm. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài để vừa bảo vệ môi trường vừa khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

bai toan nao cho viec su dung tai nguyen khoang san de san xuat vat lieu xay dung ben vung
Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa).

Khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác, có thể kể đến như: Than, sắt, titan, đá vôi xi măng, đá xây dựng… Tuy vậy, khi đánh giá về tiềm năng, các nhà khoa học đều cho rằng nước ta có nhiều loại tài nguyên khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết không nhiều đều nằm trong danh mục hữu hạn, một phần còn lại rất nhỏ có thể tái tạo.

Trong khi đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản lại chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch thường xảy ra. Có thể nói, việc khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản chưa bao giờ được tiến hành rộng rãi ở các địa phương như hiện nay. Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động này làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích.

Các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu còn gây tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển, tác hại đến sức khỏe sự an toàn tính mạng của con người và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, phương thức chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã và đang tác động xấu đến nhiều vùng trong cả nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống trong xã hội hiện tại và tương lai.

Nhà nước đã giao cho các tập đoàn kinh tế quyền là chủ mỏ trên toàn quốc. Tuy nhiên, lâu nay ở từng địa phương vẫn tồn tại cơ chế tự phát, tức là muốn thì địa phương vẫn có thể giao cho một số doanh nghiệp “sân sau” khai thác ké doanh nghiệp Nhà nước. Từ vấn đề ranh giới mỏ Nhà nước – tư nhân, căng thẳng lại càng lên cao khi hiện tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản xuất hiện. Khoáng “tặc”, “thổ phỉ” kéo theo các hậu quả nghiêm trọng như tàn phá môi trường, làm thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Hiện nay, đa số các khu mỏ đang khai thác hầu hết nằm ở vùng núi và trung du. Bên cạnh đó, do vốn đầu tư của các doanh nghiệp khai thác còn hạn chế, hơn nữa lại khai thác bằng phương pháp thủ công, cơ giới công nghệ lạc hậu và chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nên mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoạt mặt đất ô nhiễm nước, đất canh tác…

Mặc dù, phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã có nhiều cố gắng nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Nhưng trên thực tế, do trình độ khai thác của các đơn vị còn lạc hậu, chủ yếu áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên; thiết bị sử dụng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp thường là máy khoan, máy xúc, ôtô… nên đã gây ra những tác động lớn. Rõ nét nhất là môi trường trong và sau khai thác khoáng sản bị biến dạng địa mạo và cảnh quan, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở…

Riêng đối với hoạt động khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng, tình trạng khai thác trái phép, khai thác vượt quá công suất cho phép vẫn diễn ra gây xói lở bờ sông, ảnh hưởng môi trường và đời sống của người dân...

Điển hình, một số khai trường của Công ty Apatit Việt Nam ở Lào Cai đã khai thác nhiều năm, nhưng đến thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện việc cắm mốc và bàn giao mốc giới tại một số khu vực khai thác, vi phạm Luật Khoáng sản năm 2010.

Công ty vẫn khai thác quặng Apatit tại một số khai trường khi giấy phép khai thác đã hết hạn khai thác. Đặc biệt hơn, tỉnh Lào Cai cho phép Công ty TNHH Xây dựng, thương mại Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng nhưng thực tế khai thác Apatit trái phép.

Trên thực tế, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản dưới hình thức nào cũng có thể gây tổn thương và trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Dư luận vốn nhiều chiều, các nhà kinh tế nhìn một góc độ, các nhà khoa đứng ở khía cạnh khác, trong khi các nhà quản lý lại tham luận một kiểu. Nói như một lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thì để học được khai thác, chế biến và làm sao để đừng “đánh rơi” khoáng sản quả là không hề đơn giản. Quy mô công nghiệp có thể nâng cao về năng lực công nghệ, thiết bị, quản lý, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu lợi nhuận, kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản hay chưa mới là vấn đề thật sự... đau đầu.

Giải pháp nào để bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản?

Để giảm bớt những bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với đó, cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn từ tài nguyên khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có tài nguyên khoáng sản.

Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI để giảm bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản.

Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, muốn khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững, cần phải xác định rõ mức khai thác sản lượng bền vững (mức khai thác vừa đủ để các nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh được) và không được phép khai thác quá sản lượng bền vững này. Kế đó, phải quản lý tốt các nguồn tài nguyên không phục hồi, sử dụng những kỹ thuật tiên tiến để giảm hao phí tài nguyên, chống nạn phế thải bừa bãi, thay đổi cách hoạt động và tiêu dùng của con người để giảm bớt sự tiêu dùng các nguồn tài nguyên này, có phương pháp tái sinh thích hợp để quay vòng sử dụng các nguồn tài nguyên không phục hồi một cách hiệu quả nhất.

Vấn đề quan trọng không kém, đó là phải tôn trọng khả năng chịu tải của hệ sinh thái: sự tác động của con người đối với trái đất tùy thuộc vào số lượng người, mức độ sử dụng, lãng phí các nguồn tài nguyên và năng lượng. Giới hạn chịu đựng của trái đất hay của một hệ sinh thái gọi là mức chịu đựng tối đa. Mọi hoạt động của con người phải tôn trọng giới hạn đó.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load