Tại thời điểm đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu đô thị Hải Dương, NACIMEX là một doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế rất mạnh ở Hải Phòng. TP này có nhiều tiềm năng “thiên thời địa lợi”, nhu cầu nhà ở của nhân dân rất cao, vì sao ông lại chọn Hải Dương để đầu tư?
- Trước khi quyết định đầu tư ra tỉnh ngoài thì Nam Cường đã đầu tư ở Hải Phòng rồi. Nói đến Khách sạn Tray, Khách sạn Thúy Quỳnh cùng với một tổ hợp xà lan vận tải đường thủy, đoàn ô tô siêu trường siêu trọng đường bộ mang thương hiệu Nam Cường người dân TP Cảng ai chẳng biết đó là tài sản của Nam Cường.
Còn về đầu tư tại Hải Dương, Nam Cường dường như không gặp một trở ngại nào. Đầu tiên là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chiền (nay đang giữ chức vụ Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước), sau là Bí thư Nguyễn Thị Kim Ngân (nay là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH) rồi đến Bí thư Bùi Thanh Quyến đều rất hoan nghênh ủng hộ chủ trương ý tưởng của nhà đầu tư. Tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương qua các thế hệ Bí thư đều rất năng động. Tất cả đều bàn bạc tập thể và ban hành nghị quyết quyết định tập thể. Lãnh đạo các Sở chỉ còn việc triển khai thực hiện nghị quyết. Nếu có vướng mắc, các cơ quan quản lý họp với nhà đầu tư xử lý ngay. Hai dự án xây dựng đô thị phía Đông và Tây TP Hải Dương, Nam Cường không gặp một trở ngại nào. Thành công theo tôi nghĩ, “công đầu” thuộc về sự lãnh đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Chính phủ; sự đồng thuận trong nhận thức của nhân dân những xã phường vùng dự án…
Nhiều DN đến học hỏi kinh nghiệm xây dựng 2 khu đô thị Đông, Tây TP Hải Dương đều rất ngạc nhiên về sự hiện đại và đồng bộ hạ tầng tại đây. Là một nhà đầu tư, gốc làm thương mại, vì sao tại thời điểm đó Ban lãnh đạo Nam Cường đã có tư duy của những nhà làm quy hoạch kiến trúc đầy kinh nghiệm như vậy?
- Vì làm thương mại cho nên chúng tôi có nhiều dịp ra nước ngoài tìm hiểu thị trường. Đô thị của các nước như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Pháp… luôn hiển hiện trong ý nghĩ của tôi. Ngày ấy, có những chuyến công tác tôi đã lưu lại Malaysia nhiều ngày để quan sát cách làm đô thị của họ. Ở đây, khi tạo lập một đô thị mới, bất cứ một công trình nào, con đường, căn nhà, hàng cây, cột điện… chủ đầu tư bắt buộc đơn vị thi công tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch và thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đô thị Hải Dương khi chúng tôi làm quy hoạch chưa có quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa hoàn thiện. Lúc đó tôi ra đầu bài nhiệm vụ quy hoạch cho các kiến trúc sư người Pháp một cách đơn giản: làm sao cơ sở hạ tầng 2 khu đô thị này phải hiện đại ngang tầm đô thị mới các nước trong khu vực, sau 30 năm không lạc hậu; TP không dây, không ngập úng trong mùa mưa; chú trọng dành nhiều quỹ đất phục vụ lợi ích dân cư như công viên, trường học, chợ, bệnh viện; kiến trúc đô thị phải bền vững, mang dấu ấn của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa; phải khớp nối đồng bộ với TP Hải Dương cũ và những TP tương lai, giảm tải cho Thủ đô Hà Nội.
Việc xây dựng hạ tầng 2 khu đô thị Hải Dương đã cho Nam Cường bài học gì khi “thẳng tiến” về Thủ đô?
- Ngoài những bài học như công tác tổ chức tạo ra đội ngũ quản lý hiện đại, nhạy bén thương trường, tạo dựng chiến lược phát triển; các chính sách đãi ngộ với người lao động, với Tập đoàn Nam Cường bài học lớn nhất qua “đại công trường” Hải Dương là chữ tín trong làm ăn. Là một DN kinh doanh du lịch, vận tải đi làm nhà đầu tư hạ tầng đô thị lúc đầu ai tin. Nhưng rồi đô thị đã ra đời đúng quy hoạch, thiết kế; thời gian thi công đúng hẹn với nhân dân Hải Dương. Từ đây, Nam Cường vào sân chơi của những nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đúng nghĩa. Tuyến đường phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam (Hà Tây cũ); đường Lê Văn Lương nối dài; Khu đô thị Cổ Nhuế; Khu đô thị Dương Nội; Khu đô thị Phùng Khoang… cùng những đô thị do Nam Cường đang đầu tư tại Thủ đô Hà Nội là sự minh chứng cụ thể. Mỗi một địa phương nơi mình đầu tư kinh doanh đều cho những bài học lớn. Điều mà bất cứ doanh nhânh chân chính nào cũng phải luôn tâm niệm phấn đấu là chữ tín, đạo đức và văn hóa doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Ðến nay, địa bàn TP Hải Dương đã được quy hoạch khu văn hóa - thể thao và đô thị mới phía Đông (108ha); Khu Thương mại - Văn hóa - Du lịch và đô thị mới phía Tây (hơn 595ha). Vóc dáng của TP Hải Dương đang hiện lên với nhiều công trình lớn như: Quảng trường trung tâm, đại lộ 30/10 rộng 62m, đường Trường Chinh rộng 52m kết nối giữa khu đô thị mới phía Đông và phía Tây khang trang, đang được lấp đầy bởi các khu dân cư với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng đồng bộ; trung tâm thương mại phố chợ Hội Ðô; khách sạn bốn sao 25 tầng (Nam Cường Hải Dương); khu du lịch sinh thái Ðảo Ngọc... Ðẩy mạnh đô thị hóa cũng như thu hút đầu tư thật sự là bước ngoặt quan trọng đối với Ðảng bộ, chính quyền TP Hải Dương cũng như tỉnh Hải Dương trong việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương đổi mới của Ðảng và Nhà nước. Việc phát triển các khu đô thị không những tạo cho TP Hải Dương có diện mạo mới, mà còn tạo nhiều việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Thu Hiền (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn