(Xây dựng) - Nhà ở công nhân cần tháo gỡ về cơ chế chính sách, từ thủ tục đến đầu tư xây dựng và vận hành sau cho thuê. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách riêng để phát triển loại hình nhà ở này.
Khu lưu trú công nhân Thiên Phát hơn 350 căn có diện tích khoảng 30m2 tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh) do Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Xây dựng – Sản xuất – Dịch vụ - Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư. |
Chủ doanh nghiệp cần được mua, thuê mua nhà ở cho công nhân
Quy định về mua nhà ở xã hội yêu cầu phải có hộ khẩu là không phù hợp với Luật Cư trú, gây thêm phiền phức về thủ tục cho người mua. Vì vậy, trong chính sách cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp, cần phải bổ sung thêm quy định: Chủ các doanh nghiệp, chủ các công xưởng, nhà máy được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được mua căn hộ với số lượng lớn để bố trí cho công nhân của mình, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sự trung thực, về số lượng và việc phân bổ căn hộ cho đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân, công nhân muốn trực tiếp đứng ra tự thuê nhà, mua nhà, thuê mua trực tiếp với nhà đầu tư thì cần đảm bảo một số thủ tục theo quy định, nhưng đảm bảo thuận tiện, dễ thực hiện nhất: Chỉ cần hợp đồng lao động và xác nhận của Ban quản lý khu công nghiệp.
Cần ưu đãi thực chất, rõ ràng
Trong quy định pháp luật hiện hành đã quy định một số ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như: Miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT; thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi, được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật… Mặc dù, những vấn đề này đã được quy định, nhưng do cách viết luật không cụ thể, không rõ ràng, cho nên trên thực tế, việc ưu đãi cho các nhà đầu tư nhà ở xã hội khó tiếp cận, vì vậy pháp luật cần quy định cụ thể: Nếu miễn các loại thuế nêu trên thì quy định rõ là miễn; nếu giảm thì giảm các loại thuế nào và giảm bao nhiêu phần trăm phải được quy định rõ? Được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cũng cần quy định rõ được hỗ trợ bao nhiêu phần trăm trên tổng số vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân. Nếu quy định rõ ràng như vậy thì sẽ không có cách hiểu và cách thực hiện khác nhau tại các địa phương và thực tế chưa có nhà đầu tư nào được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng.
Mặt khác, trong pháp luật đã quy định việc hỗ trợ các gói tín dụng để người mua nhà được vay ưu đãi, nhưng trên thực tế nhiều khu nhà ở xã hội cũng không tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ nguồn ưu đãi này. Chính vì vậy, cần phải quy định rõ, người mua nhà được vay bao nhiêu phần trăm trong tổng số tiền mua nhà, phải được quy định rõ và bắt buộc các ngân hàng có nhiệm vụ cho vay, tuân thủ theo quy định. Nhà nước cần có gói hỗ trợ cho những nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được vay ưu đãi một phần, giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, một phần giảm bớt giá nhà ở.
Nhìn chung, trong vấn đề ưu đãi đối với nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân cần quy định cụ thể, phải có sự chung tay của Nhà nước thì mới có thể khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án.
Quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân
Ngay từ khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch xây dựng mạng lưới đô thị, khu công nghiệp được lập và duyệt, bắt buộc phải xác định cụ thể trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu khu công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động, sử dụng đất là bao nhiêu héc ta cho từng giai đoạn. Từ đó, xác định được nhu cầu đất ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Nhà ở công nhân có thể bố trí thành khu đô thị riêng (đô thị nhà ở xã hội) phục vụ cho nhiều khu công nghiệp, quy mô khu đô thị hợp lý để đảm bảo đủ diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục đồng bộ.
Trong trường hợp, khi quy hoạch khu công nghiệp, nếu xác định trong đó có nhà ở công nhân thì phải đảm bảo về khoảng cách, cũng như các điều kiện an toàn về môi trường sống cho người lao động; diện tích đất phải đảm bảo ngoài việc ăn ở, còn phải đảm bảo cho việc sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo đồng bộ công trình hạ tầng xã hội như: công trình y tế, giáo dục phù hợp với quy mô dân số.
Trường hợp này có thể giao cho Chủ đầu tư khai thác khu công nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân. Các chi phí đầu tư hạ tầng khu nhà ở công nhân được tính toán chung vào chi phí hạ tầng khu công nghiệp và được phân bổ cho các doanh nghiệp thuê đất đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng
Cần sửa đổi một số vấn đề giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai; Luật Nhà ở để tạo điều kiện, với thủ tục đơn giản nhất cho các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở công nhân. Trong Luật Nhà ở, cần bổ sung một chương về nhà ở công nhân và quy định cụ thể một số vấn đề như đã kiến nghị. Trong Luật Đầu tư và Luật Đất đai cũng cần quy định trình tự, thủ tục đơn giản trong việc giao đất, cho thuê đất, quyết định chủ chương đầu tư đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các ngành có liên quan thuộc các cấp chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục hành chính khác trong đầu tư và xây dựng nhà ở dành cho công nhân.
Luật Đấu thầu cũng cần sửa đổi đơn giản trong việc lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo hướng lựa chọn và chỉ định thầu nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Trên thực tế, khâu đấu thầu cũng mất rất nhiều thời gian, thậm chí một năm và nhiều hơn. Hàng năm, Nhà nước phải giao chỉ tiêu xây dựng nhà ở công nhân cho UBND cấp tỉnh theo nhu cầu phát triển của khu công nghiệp.
Chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân
Nhà ở công nhân có nhu cầu rất lớn trong giai đoạn trước mắt, khoảng năm đến mười năm tới; cần một nguồn vốn rất lớn để đáp ứng nhu cầu nhà ở công nhân. Vì vậy phải khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư nhà ở công nhân. Nhà nước tập trung ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư mới đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Nhà nước ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà ở công nhân để nhân dân xây dựng như hiện nay nhưng phải đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho công nhân trong những năm trước mắt khi Nhà nước và các nhà đầu tư chưa xây dựng đáp ứng được nhu cầu.
Không chỉ quan tâm nơi ở, vấn đề về hạ tầng xã hội cần đặc biệt quan tâm; công nhân và con cái họ cần được tiếp cận với văn hóa - xã hội, vui chơi, giải trí. Khi có con, phải có nhà trẻ mẫu giáo, thậm chí khi lớn lên, phải được học tại các trường cấp I, II, III đủ tiêu chuẩn, để cuộc sống của họ cơ bản ổn định lâu dài.
Như vậy, cần phải có những đô thị nhà ở công nhân cho nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở gần nhau không? Đô thị này được đầu tư, hình thành như một đô thị mới thông thường, văn minh, hiện đại, đủ điều kiện sống sinh hoạt với đầy đủ cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế để đảm bảo cho người công nhân có sức khỏe và thời gian lao động hay không? Việc quy hoạch nhà ở trong khu công nghiệp cũng chỉ là giải quyết có tính chất tạm thời, bởi vấn đề ô nhiễm, với diện tích đất vài héc ta trong một nhà máy thì không đủ điều kiện để bố trí hệ thống hạ tầng xã hội hoàn thiện, đồng thời, trước mắt, đang vướng trong một số quy định của Luật Đất đai.
Cần chính sách riêng về nhà ở công nhân khu công nghiệp
Theo Bộ Xây dựng, để phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp, trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này, cụ thể là quy định ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án cần mang tính thực chất; sửa đổi pháp luật thuế; bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại…
Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch do Tổng Công ty IDICO xây dựng từ năm 2013. |
Cần có quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, xác định quy mô sử dụng lao động, quy hoạch phân khu nhà ở cho công nhân sử dụng ngân sách Nhà nước, xây dựng nhà chung cư gần với các khu công nghiệp để bán trả góp, cho thuê gắn với hệ sinh thái từ trường học, bệnh viện và phương tiện công cộng để phục vụ cho gia đình công nhân. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi vốn, thúc đẩy loại hình nhà ở này phát triển…
Nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, trong thời điểm này, người lao động là động lực tăng trưởng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Hỗ trợ người lao động chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước. Giúp công nhân an cư lạc nghiệp góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh và chuyên nghiệp.
Nhóm Phóng viên
Theo