Thứ ba 05/11/2024 00:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Bài 2: Tình hình thực trạng nhà ở cho công nhân trong giai đoạn hiện nay

11:26 | 03/12/2021

(Xây dựng) – Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hàng ngàn công nhân phải bỏ công xưởng, nhà máy “di cư” về quê hương. Hình ảnh đoàn công nhân, người lao động phải đi xe máy, đi bộ… đưa theo vợ con, hành lý trở về quê làm dậy sóng dư luận. Lúc này, buộc chúng ta phải thức tỉnh, nhìn nhận lại về mức độ quan tâm đến đời sống của người công nhân trong các công xưởng, nhà máy. Trong đó, việc cần phải đảm bảo cho người công nhân có một mái nhà, một tổ ấm đảm bảo các điều kiện sống đang là chủ đề được quan tâm nhất hiện nay.

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, rất nhiều chính sách và ưu đãi để thu hút chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân được ban hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển nhà ở công nhân đến nay vẫn còn vướng cả ở chính sách lẫn thực tế đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.

bai 2 tinh hinh thuc trang nha o cho cong nhan trong giai doan hien nay
Dự án nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) bộc lộ nhiều tồn tại sau quá trình bàn giao, vận hành.

Thiếu nguồn cung nhà ở cho công nhân lao động

Lĩnh vực công nghiệp có đóng góp lớn và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2021, Việt Nam hiện có 370 khu công nghiệp (KCN) được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các khu kinh tế - KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha. Tuy nhiên, các KCN của nước ta hiện vẫn đang chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động.

Trong khi đó, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, có 2,7 triệu công nhân trong KCN, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Nghịch lý ở chỗ, dù nhu cầu về nhà ở nhiều như vậy, nhưng “nguồn cung” dường như chưa thể đáp ứng được, do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Căn cứ theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020).

Hiện đang tiếp tục triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000m2.

Cũng theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân KCN giai đoạn 2021-2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, phát triển nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam sau khi bùng phát đã bộc lộ một vấn đề rất lớn, đó là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp thiếu thốn trầm trọng, nhiều gia đình, nhóm công nhân phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp như “ổ chuột”, nhiều người ở trong phòng “vỏn vẹn” có 10 - 12m2. Nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người không được ra khỏi nhà trong thời gian dài từ 2-3 tháng như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội khiến cuộc sống trở nên bí bách, tù túng dẫn tới cuộc di cư bất đắc dĩ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các khu công nghiệp dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, nên người lao động không có đủ tiền sinh hoạt, không có nhà ở và phải di dư cư về quê. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 10/2021, đã có khoảng 1,3 triệu người lao động phải về quê tránh dịch tính từ tháng 7 đến 15/9. Nhưng những con số này có thể vẫn chưa đầy đủ, nhất là với nhóm người lao động trong khu vực phi chính thức – nhóm nguy cơ bị đứng ngoài các cuộc thống kê chính thức.

Các chuyên gia nghiên cứu đời sống xã hội cũng nhận định: Đối với các nhóm lao động di cư - đây là nhóm sống bấp bênh nhất và cũng không có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế cộng đồng tại cả nơi đi và nơi đến. Nhóm lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất trong đời sống đô thị hiện nay, thu nhập thấp, chỗ ở chật chội...

Phải chăng, đến khi chứng kiến nhiều mảnh đời phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”, những gia đình có con nhỏ dắt díu nhau trên chiếc xe máy, thậm chí là đi bộ hàng trăm cây số từ các khu công nghiệp về miền quê, chúng ta mới giật mình nhận ra: Chính vì không có nhà ở, không có tổ ấm, khiến công nhân, người lao động phải dứt áo, bỏ việc làm, công xưởng, nhà máy để trở về quê.

Hàng nghìn lao động chấp nhận về quê hương, bỏ lại sau lưng giấc mơ lập nghiệp tại thành phố. Hệ lụy kéo theo là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công để khôi phục sản xuất trong “bình thường mới”, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế.

Nhà ở công nhân xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu của người lao động

Hiện nay, ở các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo, trong khi nhiều khu nhà ở công nhân được đầu tư xây dựng nhưng không đảm bảo về hạ tầng, chất lượng, dịch vụ kém, an ninh, an toàn chưa tốt khiến nhiều người không quá mặn mà.

Đáng chú ý, sau khi một số dự án nhà ở công nhân được đầu tư, xây dựng, bàn giao đi vào sử dụng đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập trong thực tế. Những tồn tại chung xảy ra ở nhiều khu nhà ở công nhân như chất lượng thấp, nhanh xuống cấp, quản lý vận hành lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp, tùy tiện, tại một số khu nhà ở công nhân cho thuê không đúng đối tượng, công nhân khó tiếp cận thuê, an ninh trật tự không đảm bảo, phí dịch vụ cao…

Điển hình như những công nhân thuê nhà tại khu nhà ở công nhân thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội liên tục phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng nhiều bất cập, tồn tại. Theo họ, khi đến thuê nhà họ phải trả phí “lót tay” mới được người của Xí nghiệp quản lý sắp xếp cho thuê. Nhiều công nhân phản ánh họ không tiếp cận được với quỹ nhà ở, thậm chí họ còn bị từ chối thẳng thừng “hết chỗ” khi tìm gặp đại diện Xí nghiệp quản lý nhà. Do đó, hàng nghìn công nhân phải chấp nhận thuê trọ bên ngoài, phải trả tiền điện, nước theo giá cao mà không được trả theo giá ưu đãi cho công nhân khiến cuộc sống của họ vốn không dễ dàng gì, nay lại càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, với những trường hợp được thuê nhà tại khu nhà ở công nhân Kim Chung cũng “dở khóc dở cười”. Bởi, điều kiện hạ tầng rất tệ, dịch vụ kém, chất lượng nhà ở quá thấp như thang máy hỏng liên tục và phải chờ rất lâu mới được sửa chữa, nứt sàn, vỡ gạch, trần và tường ẩm mốc, dộp, bong tróc, trong khi phí dịch vụ được cho là tương đối cao, ở mức 4.000 đồng/m2. Người dân phản ánh, vừa qua Xí nghiệp quản lý tăng tiền thuê không có thông báo trước và mức tăng là rất cao lên tới gần 30%, tại tầng hầm nhà CT1A không đảm bảo an toàn phòng cháy nên Xí nghiệp quản lý không cho gửi xe máy ở hầm và bắt người dân phải gửi ở hầm tòa nhà khác cách đó 300m gây bất tiện. Trong khi đó, Xí nghiệp quản lý còn cho các công ty xuất khẩu lao động thuê làm văn phòng, phòng dạy tiếng, chỗ ở cho học viên không đúng đối tượng được thuê…

bai 2 tinh hinh thuc trang nha o cho cong nhan trong giai doan hien nay
Quản lý lỏng lẻo, cho thuê không đúng đối tượng trong khi hàng ngàn công nhân lại không tiếp cận được với nhà ở xây dựng cho công nhân.

Ông Đỗ Phi Long bức xúc phàn nàn với phóng viên: Tường nhà tắm căn hộ 1104A tòa CT1A mà ông đang thuê bị ẩm, bong tróc sơn, vữa rơi xuống sàn đã từ rất lâu nhưng không được Xí nghiệp quản lý sửa chữa, sàn gạch trong nên nhà bị bong, rộp vỡ nhưng cũng không được thay thế. Đặc biệt sáng 19/11, bình nóng lạnh trong nhà tắm đột ngột rơi xuống sàn trong khi vợ ông đang tắm gây mất an toàn, khiến vợ chồng ông cảm thấy rất lo lắng. Lý do được ông Long chia sẻ là do tường chất lượng kém, vữa trát tường rất ít xi măng nên nó rời rạc, không có độ bám, giữ. Rất may không có thiệt hại về người nhưng chiếc bình nóng lạnh đã bị vỡ tan. Tình trạng tương tự diễn ra ở nhiều căn hộ trong khu vực này, ví dụ như căn 401, 905, 1001, 1101, 1103 tòa CT1A…

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 160.000 lao động, trong đó mới chỉ có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu sinh sống của người dân. Đó là KCN Thăng Long (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ), KCN Thạch Thất – Quốc Oai.

Cũng theo đại diện UBND thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh), đầu năm, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở công nhân KCN Quang Minh. Dự kiến, khu nhà ở sẽ được xây dựng tại thị trấn Chi Đông và xã Kim Hoa, quy mô khoảng 25ha. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Mặt khác, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã có chủ trương đầu tư xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung, trong đó có 4 khu thuộc huyện Mê Linh và huyện Đông Anh, 1 khu thuộc huyện Thanh Trì. Mặc dù các cơ quan Nhà nước cũng như một số doanh nghiệp mất rất nhiều giấy tờ “xin xỏ”, nhưng 3 – 4 năm nay tất cả các dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”. Không hiểu vì nguyên nhân gì?

bai 2 tinh hinh thuc trang nha o cho cong nhan trong giai doan hien nay
Khu đất 20,1ha tại khu công nghệ cao được quy hoạch làm nhà ở cho công nhân nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống cho cỏ mọc.

Không chỉ ở Hà Nội, các KCN tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng diễn ra tình trạng tương tự. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 280.000 công nhân làm việc tại 17 khu công nghiệp và khu chế xuất, nhưng chỉ có 8% công nhân được ở trong khu lưu trú các khu công nghiệp. Ngay sau khi thành lập khu công nghệ cao (KCNC), Thành phố Hồ Chí Minh đã dành 2 khu đất có diện tích rộng hơn 3ha và 32ha (khu 32ha sau điều chỉnh còn hơn 20,1ha vào năm 2010) để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia làm việc tại KCNC. Năm 2003, 2004 UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định giao 2 khu đất này tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) cho Ban quản lý KCNC. Thế nhưng từ đó đến nay, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các ban ngành và nhà đầu tư nhưng nhà vẫn nằm trên giấy còn đất thì bỏ không cho cỏ mọc suốt 18 năm. Nhiều tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Phước… là những nơi có nhiều KCN, lực lượng công nhân đông đảo, nhưng tình trạng nhà ở của công nhân cũng không được cải thiện hơn.

Có thể nói, hơn 2 triệu công nhân của Việt Nam trong giai đoạn những năm gần đây là một lực lượng đã góp sức không nhỏ tạo nên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng hầu như họ không được một cấp chính quyền nào quan tâm trong sinh hoạt xã hội, trong học hành của con em, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Thậm chí, kể cả vấn đề cứu trợ nhân đạo đối với người công nhân ở trọ trong các khu không đủ tiêu chuẩn trong dân cũng không được hưởng “ưu đãi” này.

Bài 3: Vì sao chính quyền cơ sở “lúng túng”, doanh nghiệp không mặn mà?

Nhóm Phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load