Chủ nhật 03/11/2024 04:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Bài 4: Phát triển nhà ở xã hội cần quan tâm hàng đầu đến công nhân

11:43 | 08/12/2021

(Xây dựng) - Là bộ phận quan trọng góp phần làm ra của cải cho xã hội nhưng đời sống công nhân, nhất là vấn đề nhà ở, chưa được quan tâm đúng mức. Công nhân - họ ở đâu trong Chiến lược phát triển đất nước và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia? Cách nhìn về vị trí, vai trò của người công nhân cần đặt ra trong bối cảnh mới như thế nào?

bai 4 phat trien nha o xa hoi can quan tam hang dau den cong nhan
Phát triển nhà ở xã hội cần quan tâm hàng đầu đến người lao động, công nhân.

Ưu tiên người lao động trong phát triển nhà ở

Đại dịch Covid-19 xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, dù không ai mong muốn, nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch Covid-19 đem đến áp lực và đòi hỏi, buộc chúng ta phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới - đúng như ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ. Một trong những áp lực, đòi hỏi buộc phải thay đổi đó là cần có cách nhìn mới để giải quyết “bài toán” an sinh xã hội về nhà ở công nhân khu công nghiệp.

Đa số họ là người nhập cư, dịch chuyển từ nông thôn ra thành phố, từ Bắc vào Nam để kiếm sống. Họ rời quê hương với khát khao tìm được việc làm, có cơm ăn áo mặc, có tiền cho con cái học hành, báo hiếu được cha mẹ, tích luỹ tiền để lấy vốn làm ăn sau này, mang theo giấc mơ và khát vọng đổi đời của 3 thế hệ, họ làm việc tăng ca không kể ngày đêm, sống tiết kiệm trong nhà trọ chật hẹp, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần.

Qua những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, buộc chúng ta phải nhìn nhận lại về mức độ quan tâm đến đời sống của người công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Bởi lực lượng này đã tạo ra một nguồn lực lớn cho xã hội về mặt vật chất, trong việc tăng trưởng kinh tế của đất nước những năm qua.

Nhưng do thiếu quan tâm về chỗ ở, đa phần công nhân phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, không đủ điều kiện sống. Một thực trạng khác đời sống tinh thần công nhân không được quan tâm, không được hưởng các phúc lợi xã hội, hầu như họ không được chính quyền các cấp biết đến (trừ khi có vi phạm luật pháp) chính vì vậy trong trận dịch vừa qua, họ cũng là những người ít được tiếp cận với các chính sách kể cả việc cứu trợ nhân đạo của Nhà nước.

Theo PGS.TS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các khu công nghiệp khoảng trên 50%; một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Trong đó, khoảng 55% công nhân trong các Khu công nghiệp tập trung phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần khu công nghiệp, đa số là dãy phòng cấp bốn, diện tích 9 -10m2/phòng, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo, không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.

Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy: Thu nhập của công nhân (bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ và các loại phụ cấp khác) trong khoảng từ 6,7 - 7,8 triệu đồng/người/tháng tùy ngành nghề. Với mức thu nhập này, nếu không được hỗ trợ từ gia đình và người thân, người lao động rất khó có đủ tiền để mua nhà ở xã hội. Về chi phí nhà ở, theo Báo cáo của Hội đồng tiền lương quốc gia về xác định mức sống tối thiểu năm 2020 của người lao động, chi phí cho nhà ở (thuê nhà và sửa chữa nhỏ nhà ở) chiếm khoảng 9,6% đến 9,8% mức lương tối thiểu vùng. Chi phí này thấp hơn nhiều so với giá thuê nhà thực tế trên thị trường.

bai 4 phat trien nha o xa hoi can quan tam hang dau den cong nhan
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Cần đặt vai trò, vị trí của người lao động lên ưu tiên hàng đầu trong trọng tâm phát triển nhà ở, bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế.

Thực tế, với mức thu nhập và chi phí như vậy, người lao động khó có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, kể cả thuê và mua, nếu không có sự hỗ trợ hay ưu đãi từ Nhà nước và doanh nghiệp nơi họ làm việc. Giấc mơ an cư với người công nhân càng trở nên xa vời, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Nhấn mạnh vai trò và cách nhìn mới về vị trí người công nhân trong phát triển kinh tế của đất nước, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệ Nam Cầu Kiền cho rằng: “Với doanh nghiệp, lực lượng lao động rất quan trọng. Chủ doanh nghiệp cần đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho công nhân để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, góp phần làm ra của cải cho xã hội, giữ vững và phát triển doanh nghiệp. Chính sách nhà ở cho công nhân cần có cách nhìn mới đối với nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động này”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Cần đặt vai trò, vị trí của người lao động lên ưu tiên hàng đầu trong trọng tâm phát triển nhà ở, bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. Công tác chăm lo đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà đối với cả xã hội”.

Quá tải hạ tầng và nhu cầu bức thiết về nhà ở

Nhu cầu nhà ở của công nhân hiện nay rất lớn. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, có khoảng 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2; đang triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích 13.800.000m2. Trong đó: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000m2.

Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng vấn đề nhà ở, hạ tầng xã hội và đời sống công nhân trong khu công nghiệp đặt ra hết sức cấp bách. Một số địa bàn xung quanh các Khu công nghiệp đang quá tải về hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng kịp, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh. Số học sinh các cấp từ mẫu giáo đến trung học đều vượt chuẩn, thậm chí có nơi phải bố trí học ba ca. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ công nhân như chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí… chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư bài bản gắn với địa bàn và nhu cầu thực tế của người dân.

bai 4 phat trien nha o xa hoi can quan tam hang dau den cong nhan
PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng).

Đứng dưới góc độ quy hoạch đô thị, PGS.TS Lưu Đức Cường cho rằng: Chính sự phát triển quá nhanh, có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đây được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt và nhà ga đường sắt… nay bị bao vây bởi các khu đô thị mới. Tại nhiều đô thị có các khu công nghiệp phát triển ở khu vực ven đô thì hệ thống nhà ở công nhân thiếu tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội vì nằm xa các trung tâm đô thị.

Dự án nhỏ và thiếu hạ tầng xã hội

Vấn đề đặt ra là người lao động cần có chỗ ở ổn định, tiện nghi sống, đầy đủ hạ tầng (cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật) nhưng thực tế các dự án nhà ở công nhân còn nhỏ lẻ, manh mún không đáp ứng được nhu cầu, về sinh hoạt, đời sống cộng đồng cho người công nhân.

Theo Ths. Lê Lan Hương - Đại học Xây dựng Hà Nội, khảo sát tại 19 dự án khu nhà ở công nhân đã hoàn thành tại vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy: Nhà ở công nhân được xây dựng chủ yếu theo dự án nhỏ, số dự án dưới 1ha chiếm 37%, từ 1-5ha chiếm 42%, từ 5-20 ha chiếm 21% (chỉ có 4/19 dự án). Số lao động đáp ứng được cho các dự án từ 600 -18.000 người. Về khía cạnh các mô hình đầu tư, tỷ lệ dự án được phát triển bởi các doanh nghiệp công nghiệp chiếm 70% (13/19 dự án), các dự án này phần lớn được đặt ngay tại xí nghiệp công nghiệp hoặc khu đất trong Khu công nghiệp. Có 2/19 dự án được phát triển bởi nguồn vốn Nhà nước, 2 dự án do công ty kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, 2 dự án do công ty kinh doanh bất động sản thực hiện.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh cho rằng: “Tôi ủng hộ mô hình Nhà nước, các doanh nghiệp công ích, phi lợi nhuận đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Xin nhấn mạnh, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Lao động, Luật Quy hoạch… để đảm bảo người lao động được hưởng thành quả. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận mà cần phải ưu tiên giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để công nhân lao động an tâm sản xuất.

Để nâng cao đời sống cho người công nhân đúng với giá trị thật của nó, chúng tôi cho rằng việc xây dựng các khu nhà ở nhỏ lẻ cho công nhân lao động như đã nêu trên cũng là một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên với vai trò của người công nhân trong việc phát triển nền kinh tế đất nước chúng ta cần được quan tâm hơn.

Nên chăng chúng ta cần phải đầu tư xây dựng những khu đô thị hàng vài chục ha, thầm chí hàng vài trăm ha làm nhà ở cho công nhân, cho nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở gần nhau. Mục đích với quy mô đô thị đó chúng ta xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình hạ tầng xã hội như: Nhà trẻ mẫu giáo, các trường Phổ thông cơ sở, Trung học, dạy nghề; có hệ thống bệnh viện để chăm sóc đời sống cho người công nhân”.

Trong lịch sử phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam, thực tế cho thấy, khu công nhân mỏ Quảng Ninh hình thành từ khi nước ta là thuộc địa của thực dân Pháp cho tới hiện nay thì nhiều gia đình, với nhiều thế hệ đều gắn bó nghề thợ mỏ. Vì vậy, chúng ta không nên quan niệm rằng ở đô thị đó chỉ có thể cho người công nhân thuê, mà thậm chí người công nhân được mua nhà để tạo điều kiện cho nhiều thế hệ gắn bó với nghề của họ. Thậm chí, mỗi ông chủ doanh nghiệp muốn doanh nghiệp của mình phát triển bền vững và lâu dài thì cũng được khuyến khích mua nhà ở để phân phối cho người công nhân. Có cách nhìn như vậy thì chúng ta sẽ tạo được một đội ngũ công nhân Việt Nam, với nhiều thế hệ nối tiếp phát triển bền vững và làm nên một nền kinh tế phồn thịnh của đất nước.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load