Thứ năm 25/04/2024 22:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những công trình còn mãi với thời gian

Bài 4: Nâng tầm vóc đất nước với những đại đô thị mới hiện đại

13:41 | 25/04/2022

(Xây dựng) – Sau hơn 35 năm đổi mới, kể từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, công cuộc xây dựng Tổ quốc phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đó là sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, đi đôi với công bằng xã hội đã và đang đem lại những nguồn lực quan trọng cho việc xây dựng và phát triển đô thị. Ngày càng xuất hiện nhiều công trình kiến trúc hiện đại, những khu đô thị sinh thái tiện nghi được ứng dụng công nghệ thiết kế, xây dựng tiên tiến trên thế giới, góp phần thay đổi diện mạo đất nước và nâng tầm chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

bai 4 nang tam voc dat nuoc voi nhung dai do thi moi hien dai
Thủ đô Hà Nội được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”

Hà Nội: Trung tâm văn hóa xã hội cả nước

Trong dòng chảy ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm Canh Tuất 1010 đến nay, hơn 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, Hà Nội vẫn luôn là "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước".

Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Thủ đô và đất nước, khắc ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Ngày 18/12/1972, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Nixon mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc.

Những năm qua là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và đã có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh, là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.

Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể… Năm 2016, Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn đứng vị trí thứ 8 trong danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Thời gian qua, bộ mặt đô thị của Thủ đô Hà Nội đã có bước chuyển mình, với nhiều công trình giao thông hiện đại, nhiều khu nhà cao tầng mọc lên, nhiều khu đô thị xanh, văn minh hiện đại, ngoài việc góp phần giải quyết căn bản nhu cầu về nhà ở còn dẫn dắt xu hướng kiến tạo không gian sống tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, công tác quy hoạch, xây dựng đã được Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như: The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.

bai 4 nang tam voc dat nuoc voi nhung dai do thi moi hien dai
Vinhomes Ocean Park - thành phố biển trong lòng Hà Nội.

Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn. Đặc biệt, để xứng tầm của một đô thị phát triển, Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các dự án hiện đại quy mô tầm cỡ trong khu vực.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để phát triển văn minh, hiện đại theo hướng bền vững và có bản sắc, Hà Nội cần phải làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế những điều chỉnh quy hoạch không vì mục đích phát triển chung của Thành phố. Đặc biệt, trong một đô thị phát triển thì con người là nhân tố rất quan trọng, cần chú ý xây dựng, nâng cao văn hóa đô thị cho người dân Thủ đô.

Lột xác mạnh mẽ nhất là khu vực phía Tây. Khoảng 10 năm trở lại đây, khu vực này được chú trọng, đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, khẳng định vị thế là trung tâm hành chính mới của Thủ đô. Ghi nhận từ số liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills hay CBRE cho thấy, vài năm gần đây, khu vực phía Tây Hà Nội liên tục chiếm vị thế với sự thay da đổi thịt nhờ nhiều dự án lớn như Mỹ Đình, Bắc An Khánh và Vinhomes Smart City...

Diện mạo mới ở phía Đông từ hàng loạt dự án phát triển với mô hình ở kết hợp nghỉ dưỡng như Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park, Hà Nội Garden City... Khu vực này còn tiềm năng hơn sau khi Hà Nội đã công bố quy hoạch 2 khu đô thị lớn ở Bắc sông Hồng.

Ba trung tâm trên đang tạo thành tam giác phát triển của Hà Nội và không dừng lại ở đó khi tương lai các khu vực mới được hình thành: Đông Anh, Dream City... Những đô thị vệ tinh dần thành hình trong “giấc mơ” của những người dân đô thị, nơi đang phải chịu áp lực “đất chật, người đông”. Không ít người đã chuẩn bị sẵn dự định trong tương lai ra vùng ven khi các khu đô thị hoàn thiện sẵn sàng đón cư dân mới.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị văn minh, hiện đại

Thành phố Cảng Hải Phòng đang ngày càng phát triển là một thành phố công nghiệp mạnh mẽ và hướng tới đô thị thông minh. Với lợi thế “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” của mình, các khu đô thị tại Hải Phòng không chỉ có quy mô rộng lớn, mà còn điểm đến thu hút các nhà đầu tư.

Vài năm gần đây, thành phố Hải Phòng không ngừng đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị. Do đó, đến hiện tại, thành phố đã hoàn thành 39/51 tiêu chí đô thị loại 1, tỷ lệ đô thị hóa đạt 46,73% (gấp 1,4 lần tỷ lệ đô thị hóa trung bình toàn quốc là 33,4%).

bai 4 nang tam voc dat nuoc voi nhung dai do thi moi hien dai
Một góc đô thị Hải Phòng.

Bước vào giai đoạn xây dựng thành phố sau chiến tranh, đến nay, khu vực Nhà máy xi măng Hải Phòng cũ trở thành Khu đô thị Vinhomes Imperia hiện đại, rộng hơn 75 ha là dự án khu đô thị phức hợp đồng bộ, sang trọng và đẳng cấp đầu tiên tại Hải Phòng theo mô hình “city in city” (thành phố trong lòng thành phố), góp phần đem lại diện mạo hiện đại và năng động cho toàn bộ khu vực phía Tây thành phố. Điểm nhấn quan trọng của dự án là cao ốc gồm khách sạn, văn phòng và khu dịch vụ thương mại mang đẳng cấp 5 sao cao 45 tầng. Tòa nhà cao nhất miền Duyên hải Bắc bộ được khánh thành trong năm 2019 trở thành trung tâm du lịch, mua sắm và vui chơi giải trí của thành phố.

Ngay sát đó, tòa nhà hỗn hợp Hoàng Huy Grand Tower cao 37 tầng bao gồm 821 căn hộ chung cư cao cấp và 16 căn hộ liền kề đi kèm với nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại cũng đang được khẩn trương xây dựng. Sự xuất hiện của các khu đô thị hiện đại đem lại sức sống mới sôi động và đẳng cấp ở khu vực phía Tây thành phố.

Những khu đô thị mới này là dẫn chứng sinh động về sự phát triển mạnh mẽ của thành phố theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố tiếp tục quy hoạch mở rộng không gian đô thị theo 5 hướng: Phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Đông (huyện Cát Hải), phía Nam và Đông Nam (quận Hải An, Dương Kinh, Kiến An, Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy), phía Tây (huyện An Dương) và tầm nhìn đến năm 2050 (huyện Tiên Lãng). Kế thừa mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh”, Hải Phòng sẽ phát triển lên thành mô hình “Đô thị đa trung tâm”, gồm 2 vành đai kinh tế, 3 hành lang cảnh quan, 3 đô thị trọng điểm và các đô thị mới.

Hướng phát triển về phía Bắc tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Trên công trường dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm, các gói thầu được triển khai đồng loạt trên diện tích theo quy hoạch trung tâm của khu đô thị khoảng 324ha. Đây là bước tiền đề để thực hiện quy hoạch một siêu đô thị mới với tính chất là khu vực phát triển trung tâm hành chính-chính trị mới của thành phố.

Song song với xây dựng những khu đô thị mới sang trọng, đẳng cấp, thành phố còn quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp đô thị lõi. Hàng loạt công trình kiến trúc cũ được quy hoạch lưu giữ gắn với phát triển các dự án du lịch, khách sạn đẳng cấp ở khu vực trung tâm thành phố. Những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu như: Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố, Bảo tàng Hải Phòng… được nâng cấp, cải tạo giữ nguyên những nét kiến trúc cũ. Hàng loạt khách sạn 5 sao của các tập đoàn lớn như: BRG, Nhật Hạ… trong khu vực trung tâm thành phố đang được khẩn trương xây dựng. Nhiều khu vực, công trình cũ kỹ, nhếch nhác giữa lòng thành phố như: Bến xe Tam Bạc cũ nát, khu vui chơi lạc hậu ở Vườn trẻ Kim Đồng, công viên Rồng Biển hoang hóa cỏ dại mọc đầy… được di dời, phá dỡ để cải tạo lại thành các vườn hoa, công viên công cộng, hình thành dải trung tâm sáng, xanh, sạch, đẹp hoàn chỉnh chạy dài từ sông Tam Bạc đến sông Cấm… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị văn hóa, du lịch trong không gian đô thị lõi.

Đà Nẵng: Thành phố đáng sống

Năm 2018, Tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas (LIO) công bố danh sách 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài. Bên cạnh những thành phố châu Âu quen thuộc, ban biên tập chọn thêm 4 quốc gia mới là Việt Nam, Italy, Slovenia, và Indonesia.

bai 4 nang tam voc dat nuoc voi nhung dai do thi moi hien dai
Khu vực đô thị Thành Điện Hải (cạnh Trung tâm hành chính Đà Nẵng), sẽ là Quảng trường trung tâm của Đà Nẵng.

Cái tên đại diện cho đất nước trong bảng xếp hạng chính là thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng. Theo Kathleen Peddicord, nhà sáng lập LIO, thành phố lớn thứ 3 Việt Nam là sự kết hợp hoàn hảo giữa “dư vị quá khứ” và tinh thần đổi mới hiện đại.

Nhờ địa thế tự nhiên và nền tảng từ quy hoạch không gian, xây dựng cơ sở hạ tầng mà công cuộc tái thiết, mở rộng đô thị của Đà Nẵng đã diễn ra với một quy mô và tốc độ chưa từng có.

Những năm qua, quy hoạch đô thị Đà Nẵng vẫn luôn là mô hình lý tưởng được nhiều địa phương muốn học tập và làm theo. Sự thành công của công cuộc xây dựng đô thị Đà Nẵng vừa nhận được sự đồng thuận từ nhân dân, vừa góp phần to lớn làm thay đổi hình ảnh và vị thế của thành phố không chỉ trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế. Xác định tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế bền vững, Đà Nẵng dành phần lớn ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, làm nền tảng vững chắc để dọn đường cho sự phát triển của đô thị về sau.

Tiến trình hình thành và phát triển đô thị của Đà Nẵng khởi nguồn từ khu vực trung tâm - bờ Tây sông Hàn. Thời quan qua, nhiều công trình đô thị khang trang đã được xây dựng như: Cung văn hóa thiếu nhi, công viên Asia Park, khu thương mại Indochina Riverside hay các khu căn hộ khách sạn hạng sang như Novotel, Hilton… góp phần mang lại một diện mạo văn minh, đa dạng, tương xứng với tầm vóc của vùng trung tâm thành phố.

Từng bị lãng quên một thời, thì hiện nay, khu vực phía Đông của thành phố Đà Nẵng đã vươn mình trở thành mộ “đô thị du lịch” đầy sức sống với hàng loạt khu đô thị, khách sạn và dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế như: Bến du thuyền Marina Complex, biểu tượng Cá Chép Hóa Rồng, khu nghỉ dưỡng 5 sao InterContinental, Fusion Suites Danang Beach, Furama Villas…

Về phía Tây Bắc thành phố, đây là khu vực được ưu tiên quy hoạch không gian theo Quyết định 465/QĐ-TTg của Chính phủ, mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị Đà Nẵng, đây được xem là miền đất hứa dành cho công nghiệp, bởi sự xuất hiện của các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh, khu công nghệ cao Đà Nẵng…

Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố và các định hướng của Trung ương. Rất nhiều ý tưởng, giải pháp đã được nghiên cứu, xem xét và tích hợp trong đồ án để giải quyết các hạn chế, yếu kém tồn tại. Đặc biệt là định hướng phát huy vai trò hệ thống cảng biển để làm trọng tâm phát triển kinh tế biển gắn với chiến lược biển, xây dựng thành phố Đà Nẵng hướng ra biển, làm giàu từ biển.

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng tập trung nguồn lực để phát triển không gian đô thị, nhất là hạ tầng được phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại. Điều này thể hiện rõ tầm nhìn về quy hoạch, phát triển đô thị của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân vì lợi ích chung. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển đồng bộ với hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng… giúp diện mạo Đà Nẵng ngày càng mở rộng ra các hướng và khang trang.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đại đô thị lớn nhất cả nước

Là một trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh còn mang trong mình một bề dày lịch sử. Tại đây các công trình kiế trúc cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố qua các thời kỳ. Cùng với những kiến trúc cổ mang tính lịch sử như: Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn Thành phố, Chợ Bến Thành, UBND Thành phố… thì thời gian gần đây Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quy tụ thêm nhiều công trình mang điểm nhấn cho thành phố mang tên Bác.

bai 4 nang tam voc dat nuoc voi nhung dai do thi moi hien dai
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – Hiện đại xứng tầm quốc tế.

Nhìn lại chặng đường đô thị hóa đã qua, có nhiều khu đô thị phát triển từ khu đầm lầy đầy phèn chua hay những khu đất cằn cỗi đã từng ngày biến chuyển, “lớn lên” cùng với tốc độ đô thị hóa của thành phố phát triển bậc nhất cả nước và dần trở thành siêu đô thị hiện đại của cả nước.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu nhìn lại quãng thời gian những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều vấn đề đô thị trầm trọng như nhà ổ chuột ở nhiều quận huyện cũng như trên nhiều kênh rạch, hạ tầng cơ sở yếu kém và không đồng bộ…Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Không gian đô thị được mở rộng, dân cư đô thị ngày càng gia tăng, người dân ngày càng được hưởng nhiều hơn những tiện ích của một đô thị hiện đại. Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Tây Bắc… được đầu tư xây dựng, phát triển hiện đại hài hòa với tổ chức không gian thành phố. Quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp, quản lý theo quy hoạch và đã ứng dụng những tiến bộ về khoa học công nghệ vào công tác quản lý.

Việc xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh được xem như một đòn bẩy để thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống - chủ yếu dựa vào vốn và lao động; còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế và thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng.

Có thể thấy, hệ thống đô thị đã tạo cho đất nước ta một diện mạo kiến trúc mới theo hướng văn minh, hiện đại. Đây là kết quả tất yếu của quá trình hơn 100 năm đô thị hóa, đặc biệt là từ sau 30/4/1975, đất nước thống nhất và hơn 30 năm đổi mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước và mở cửa, hội hập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Vì thế, đổi mới toàn diện trong phát triển đô thị là yêu cầu cấp thiết được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Và mới đây, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” ngày 24/01/2022 đã khẳng định quyết tâm này.

Bài 5: Quảng trường nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử

Thanh Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load