Thứ sáu 29/03/2024 12:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Xử lý rác thải đô thị, bài toán nhiều lời giải nhưng chưa có đáp số

Bài 3: Đốt rác - công nghệ là mấu chốt của thành công

23:09 | 18/04/2022

(Xây dựng) - Quảng Ninh là địa phương chủ động ứng xử với rác thải đô thị, sớm huy động nguồn lực ngoài ngân sách vào xử lý rác thải đô thị và thay đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn.

quang ninh dot rac cong nghe la mau chot cua thanh cong
Giám đốc Sở Tài nguyen và Môi trường cùng lãnh đạo các Sở, ngành của Quảng Ninh thực tế Nhà máy rác Khe Giang.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm cả đô thị và nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.247,4 tấn/ngày, tương ứng với khoảng 455.301 tấn/năm. Trong đó ở khu vực đô thị là 988tấn/ngày, chiếm 79,2% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh. Theo Quy hoạch chất thải rắn sinh hoạt tại Quyết định 4012/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn có 5 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt cấp vùng và cấp đô thị.

Nhiều cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt đầu tư bằng nguồn lực ngoài ngân sách quy mô lớn, xây dụng sớm. Một là Trung tâm xử lý chất thải rắn sinh hoạt (nhà máy rác Vũ Oai) tại xã Vũ Oai và Hòa Bình, thành phố Hạ Long, xây dựng năm 2016, công suất đốt 900 tấn rác/ngày, khởi công xây dựng năm 2016, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Indevco làm chủ đầu tư. Hai là Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Khe Giang (nhà máy rác Khe Giang), xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, xây dựng năm 2015, công suất đốt 200 tấn rác/ngày, do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư. Ba là Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt Trung Lương, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều, xây dựng năm 2016, công suất đốt 200tấn rác/ngày (giai đoạn I là 100 tấn/ngày) do Công ty TNHH Viễn Đông làm chủ đầu tư. Bốn là Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt Km26, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, xây dựng năm 2012, công suất đốt 150tấn rác/ngày, do Công ty Cổ phần xử lý chất thải Miền Đông làm chủ đầu tư.

quang ninh dot rac cong nghe la mau chot cua thanh cong
Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt Km26, xã Quảng Nghĩa (Móng Cái) với 2 ống lò đốt rác thủ công, năng suất thấp.

Theo hồ sơ dự án, các cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt đều được đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt công nghệ rất bài bản, nhưng khi đi vào thực tế mới bộc lộ khiếm khuyết. Có cơ sở chỉ đốt được một phần rác, các hệ số về môi trường không đạt được yêu cầu. Có cơ sở lò bễ xây dựng đồ sộ nhưng không đốt được mẻ rác nào, còn để lại hậu quả tồn đọng rác ở mức độ cao trong các đô thị lớn. Tuy nhiên, cũng có cơ sở đốt được rác, điều đó đã tạo ra sự so sánh đáng quan tâm.

Báo điện tử Xây dựng đưa ra một cặp lò cùng một mục tiêu đầu tư được ví như cùng giải bài toán về xử lý chất thải rắn sinh hoạt mà đưa ra hai đáp số, hai kết quả khác nhau. Một là, Nhà máy rác Vũ Oai mà dư luận báo chí đã nói đến nhiều về lò bễ đầu tư nghìn tỷ đồng, xây dựng xong không đốt được rác. Hai là, Nhà máy rác Khe Giang chất thải rắn sinh hoạt nhập về vẫn còn ẩm ướt, không cần phải phân loại và hong khô, đổ thẳng vào lò, ngọn lửa rừng rực cháy cả nước rỉ rác.

Lật lại số liệu, Nhà máy rác Vũ Oai xây xong mà mãi chưa thấy đốt được rác, nhà máy này được lập quy hoạch từ năm 2012, quy mô nghiên cứu 900ha. Ngày 28/5/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Indevco với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất trên 630ha, gộp 2 dự án là Nghĩa trang đài hóa thân hoàn vũ và Nhà máy xử lý rác. Ngày 15/02/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 468/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch 1/500 cho nhà máy rác, diện tích sử dụng đất 178,33ha.

quang ninh dot rac cong nghe la mau chot cua thanh cong
Nhà máy rác Vũ Oai mãi không đốt được rác có phần trách nhiệm của Hội đồng khoa học cấp tỉnh đã thẩm định, phê duyệt công nghệ.

Tháng 5/2015, nhà máy rác động thổ xây dựng 6 lò đốt rác, công suất mỗi lò 150tấn/ngày, công suất chung của 6 lò bằng 900tấn rác/ngày; 1 lò đốt chất thải rắn y tế công suất 3,6tấn/ngày với công nghệ xử lý rác được giới thiệu hiện đại, tiên tiến, quy mô lớn nhất Việt Nam (thời điểm đó), bởi tính ưu việt như: Có thiết bị tối tân phân loại rác tự động, đốt trực tiếp ngay khi rác được vận chuyển về nhà máy. Lượng rác còn lại sau khi đốt chỉ phải xử lý chôn lấp tối đa không quá 5%. Nhà máy tổng mức đầu tư khái toán trên 1.000 tỷ đồng, thực tế đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng xây dựng lò thiêu rác, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng… trên diện tích sử dụng đất khoảng 300ha. Kế hoạch quý I/2018, đưa 2 lò vào hoạt động thực nghiệm và đến tháng 7/2018 sẽ đưa tiếp 4 lò còn lại vào hoạt động.

Nhưng không hiểu sao, từ năm 2018 đến nay, chủ đầu tư loay hoay “nhóm” mãi mà lò không cháy, không đốt được rác. Mặc dù chủ đầu tư tìm mọi cách, nỗ lực để giữ chữ “tín”, đã dỡ bỏ các hạng mục xây dựng khả nghi không đạt yêu cầu, thuê chuyên gia có kinh nghiệm xem xét, hiệu chỉnh kể cả rút công suất từ 150tấn/ngày xuống 50tấn/ngày, nhưng cứ hết lửa mồi là lò bễ lại tắt ngấm.

Nhà đầu tư từng còn bị mang tiếng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng nhà máy rác chỉ làm tấm bình phong che đậy cho việc khai thác than dưới lòng đất, bởi trong quá trình san gạt đất đồi đặt nền móng nhà máy có phát lộ than. Theo báo cáo của Indevco với tỉnh Quảng Ninh, đến 31/5/2017, tận thu được 185.000tấn than nguyên khai. Ngày 24/5/2019, Indevco báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (trong Công văn số 1242/ĐCKS-KTĐCKS), kèm theo bản kê khai lượng than thu hồi hơn 154.000tấn, cho thấy có tận thu than.

Nhưng theo nhìn nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sản lượng than không nhiều, không thể là mục tiêu chính (đương nhiên nhà đầu tư không ai chê lợi ích kép), bởi nếu làm một phép tính kinh tế đơn giản, giá than thời điểm năm 2016 than cám I giá 2,6triệu đồng/tấn, than cục các loại giá từ 3,15-3,43triệu đồng/tấn, thì lượng than nguyên khai có gấp đôi số liệu trên cũng không bù đắp được số tiền mà Indevco đã đầu tư giải phóng mặt bằng 145ha và trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất xây dựng nhà máy với chi phí 43.804.120 nghìn đồng và chi trên 115 tỷ đồng cho việc quản lý 785.000 tấn rác chở đốt... Chưa kể xây cất lò bễ, nhà xưởng, đường sá, cơ cở hạ tầng... Vấn đề Nhà máy rác Vũ Oai chưa đốt được rác còn là món nợ lớn của các nhà khoa học đã bỏ rơi doanh nghiệp.

quang ninh dot rac cong nghe la mau chot cua thanh cong
Nhà máy rác Trung Lương (Đông Triều) khởi công xây dựng năm 2016, hiện vẫn đang đốt thử. Hình ảnh ngày 17/3/2022, rác tồn đọng trên 1.000 tấn, chủ đầu tư cho biết, đang dừng đốt để tu sửa lò.

Trong 5 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt ở Quảng Ninh, 4 nhà máy còn loay hoay “nhóm lò” thì nhà máy rác Khe Giang lại bừng sáng, lửa trong lò rừng rực cháy, hiện là cơ sở duy nhất ở địa phương đốt được rác triệt để. Nhà máy này xây dựng năm 2015, nhìn bề ngoài không hào nhoáng, với 4 lò đốt rác, công suất 50tấn/lò, tổng công suất là 200tấn/ngày. Khi mới xây dựng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Uông Bí là chính với khối lượng 115tấn/ngày. Năm 2018, Nhà máy được tiếp nhận rác của thị xã Quảng Yên mà trước đó là thị trường của Nhà máy rác Vũ Oai với khối lượng 54,6tấn/ngày.

Năm 2019, Nhà máy rác Khe Giang xây dựng bổ sung thêm lò thứ 5, đưa công suất thiêu rác lên 250tấn/ngày. Nhưng các địa phương tốc độ đô thị hóa nhanh, dịch vụ thương mại, du lịch phát triển mạnh, rác thải sinh hoạt của thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên không dừng lại ở con số đã dự tính đón đầu là 200tấn/ngày, mà thường nhật nhập về trên 250tấn, dịp lễ tết nhiều khi lên đến 700tấn/ngày, chiều 30 Tết Nguyên Đán thường niên lên đến trên dưới 1.000tấn.

Năm 2021, Nhà máy rác Khe Giang xây dựng thêm cặp lò đốt rác công suất 250tấn/lò, nâng tổng công suất đốt rác lên hơn 750tấn/ngày, với hệ thống liên hoàn gồm 7 lò đốt rác (có lò sơ cua phục vụ duy tu bảo dưỡng).

“Trăm nghe không bằng một thấy”, ngày 12/3/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ, UBND thành phố Uông Bí, UBND thị xã Quảng Yên tổ chức kiểm tra chuyên đề rà soát, đánh giá bổ sung hiệu quả việc cải tiến quy trình, thay thế thiết bị để tối ưu hóa khả năng xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy rác Khe Giang theo chỉ đạo tại Văn bản số 1277/UBND-MT ngày 5/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Liên ngành đã thống nhất ý kiến về hiệu quả quy trình, công nghệ đốt rác của Nhà máy rác Khe Giang đã đốt rác được triệt để, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, không gây tác động xấu đến môi trường theo Luật định.

Cụ thể, kết quả kiểm tra buồng sơ cấp và buồng thứ cấp đảm bảo QCVN 61-2016/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt rác thải sinh hoạt, không phát sinh nước rỉ rác ra ngoài môi trường (100% nước rỉ rác được gom lại bơm ngược vào lò để đốt thành tro khí), tro xỉ được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung. Kết quả quan trắc định kỳ (3 tháng/lần), khí thải của lò đốt nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.

Ngày 15/3/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1502/TNMT-BVMT, báo cáo UBND tỉnh về đánh giá tối ưu hóa quy trình công nghệ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tại Nhà máy rác Khe Giang. Văn bản có nêu: Việc cải tiến, tối ưu hóa dây chuyền xử lý của nhà máy là tích cực góp phần đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải, không làm gia tăng các loại chất thải ra ngoài môi trường; việc nâng cao hiệu suất xử lý đạt từ 82,5-100% bằng phương pháp đốt, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn và Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 29/01/2021 của UBND tỉnh, về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hiện, Nhà máy rác Khe Giang có sản lượng và công suất đốt rác lớn nhất Quảng Ninh. Rác nhận về đổ thẳng vào lò tự cháy triệt để, được cơ quan chuyên môn khẳng định bằng văn bản nói trên. Đầu tháng 8/2021, nhà máy đã giải cứu rác tồn đọng ở thành phố Hạ Long, vì Nhà máy rác Vũ Oai đường đột không nhận rác về chờ đốt với khối lượng hàng ngàn tấn đang ở giai đoạn phân hủy mà đốt hết, đã được thành phố Hạ Long vinh danh khen thưởng. Vậy. Nhà máy rác Khe Giang có bí quyết gì?

Nghiệm lại vấn đề, Nhà máy rác Vũ Oai và một số Nhà máy rác khác đầu tư thiết bị hiện đại mà không đốt được rác. Rất có thể là do dây chuyền công nghệ đốt rác nước ngoài thường đốt những rác đã được phân loại từ đầu nguồn và rác loại nào có lò thiêu riêng loại ấy. chất thải rắn sinh hoạt của ta vô cơ, hữu cơ... “hổ lốn”, chở chung một thùng xe và đốt chung một lò, rác lại cấp tập chở đến với khối lượng trên 600tấn/ngày, thì máy móc có tinh xảo đến mấy cũng không phân loại kịp được.

Thiết bị sấy rác lại không phát huy được tác dụng, bởi rác nhập về thường còn õng nước, rác lại không tự cháy được thì lấy đâu ra nhiệt mà sấy. Trong lò, sau cú pháp (tưới xăng dầu) tạo ngọn lửa mồi, khối rác bề ngoài bị cháy cưỡng bức xỉ than bết lại, tạo lớp vỏ bọc, bên trong thì còn sống nguyên không cháy được.

Lò bễ ở Nhà máy rác Khe Giang có khác, khi bén lửa, hệ thống ép khí tạo ra những cú nổ visai trong lòng lò đánh tơi khối rác, lượng oxi tuần hoàn, quạt gió khí trời thổi vào mạnh. Với đà ấy, không nói đến củi nỏ mà cây tươi gặp lửa nhiệt lượng cao cũng cháy thành tro bụi.

Việc đốt rác cũng lắm công phu, bí quyết thành công mấu chốt là công nghệ. Các nhà máy đốt rác ở Quảng Ninh và toàn quốc xây dựng xong không đốt được rác, nhà đầu tư mất tiền mất của, địa phương thì lo lắng hậu quả về môi trường, tài nguyên đất… Vấn đề này có trách nhiệm của cơ quan quản lý, bởi các Dự án đốt rác CTRSH đều được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt công nghệ mới được đầu tư xây dựng. Chẳng lẽ Hội đồng này lập lên chỉ để cho có?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load