Chủ nhật 12/01/2025 11:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Vật liệu mới nào cho xây dựng hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long?

Bài 3: Cát sông khan hiếm, cát biển lên ngôi?

20:41 | 16/07/2024

(Xây dựng) - Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải đến nay đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu m3 cát cho 5 dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, đã đủ kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng 26,27 triệu m3. Chưa bao giờ nhu cầu cát của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều như vậy. Trước nhu cầu cấp bách và đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2025, Thủ tướng Chính phủ cho phép Sóc Trăng khai thác 5,5 triệu m3 cát biển để thí điểm làm vật liệu xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Bài 3: Cát sông khan hiếm, cát biển lên ngôi?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận về thí điểm cát biển làm đường cao tốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh” sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đường cao tốc

Chưa bao giờ nguồn vật liệu truyền thống cát sông lại khan hiếm như thời gian vừa qua. Khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai đầu tư xây dựng 05 tuyến đường cao tốc: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 02 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, đã hút khối lượng lớn cát san lắp. Nhiều tỉnh thành thiếu cát đã nỗ lực tìm nguồn cát để làm vật liệu san lắp xây dựng đường cao tốc. Các nơi như: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… có xây dựng đường cao tốc nhưng thiếu mỏ cát sông nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ thi công. Nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng cát biển thay thế cát cát sông để làm vật liệu xây dựng đường cao tốc.

Ngày 11/5/2024, tại Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc khó khăn về vật liệu cát xây dựng các đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải cho biết nguồn vật liệu cát sông vẫn còn gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng cung cấp đủ cho các đường cao tốc. Theo Bộ Giao thông vận tải dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau có tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,5 triệu m3. Đến thời điểm đó, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác định nguồn cung và cấp Bản xác nhận khối lượng khai thác 16/18,5 triệu m3, còn thiếu 2,98 triệu m3; đủ điều kiện để khai thác 12,4 triệu m3. Tuy nhiên công suất khai thác của các mỏ chưa đáp ứng tiến độ thi công; chưa đủ điều kiện khai thác 3,6 triệu m3…

Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tiến độ hoàn thành sau dự án trục dọc 01 năm (2026), các nhà thầu tham gia thi công cùng lúc 2 dự án. Do vậy Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét điều phối toàn bộ khối lượng khai thác được từ tỉnh An Giang cấp cho 3 dự án thành phần phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ ngày 15/5 đến 30/8/2024. Qua đó giải quyết được khối lượng cát khoảng 1,5 triệu m3; khối lượng còn lại sẽ cân đối từ các nguồn cát biển (được khoảng 2,7 triệu m3).

Tại cuộc làm việc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng dự án cao tốc nào thiếu cát thì chuyển sang dùng cát biển: “Tôi quyết luôn, hiện nay các dự án cao tốc nào mà đang thiếu cát, Bộ Giao thông vận tải chuyển hết sang sử dụng cát biển, không làm cát sông nữa. Dù các dự án không đi qua tỉnh mình nhưng các tỉnh phải coi việc cung cấp cát là trách nhiệm của tỉnh, vì sự phát triển chung của đất nước". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Bài 3: Cát sông khan hiếm, cát biển lên ngôi?
Khai thác cát biển vùng biển Sóc Trăng làm vật liệu xây dựng đường cao tốc.

Đến ngày 26/6/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 283/TB-VPCP năm 2024 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các Bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, tại tỉnh Bến Tre, ngày 24/6/2024.

Thông báo Kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, là: Để việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các tuyến giao thông kết nối liên vùng, các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục xác định đầy đủ trách nhiệm chính trị, chủ động trong việc bảo đảm cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án; các Bộ, địa phương phải đưa ra cách làm rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường (cát) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Đây là những dự án huyết mạch, là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương; vì vậy, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền ở trung ương (Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành) và địa phương theo tinh thần "Bàn để quyết chứ không bàn để đấy"; khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22/6/2024 về kết luận Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Đồng thời, Thông báo nêu Kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, là: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành thủ tục giao khu vực biển trước ngày 28/6/2024 để UBND tỉnh Sóc Trăng và các nhà thầu triển khai hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22/6/2024 của Văn phòng Chính phủ. Căn cứ kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho dự án giao thông đã được Bộ Giao thông vận tải thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sớm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng để sử dụng cát biển, yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công...) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, hoàn thành trước ngày 30/6/2024. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chủ động nghiên cứu để quyết định việc thực hiện triển khai thí điểm mở rộng theo thẩm quyền.

Thay vật liệu truyền thống cát sông, cát biển lên ngôi

Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin cho biết: Ngoài tiềm năng về cát sông, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lắp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Theo đó, đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển tại tỉnh Sóc Trăng và khoanh định được 01 thân khoáng cát biển có diện tích 160,3km2, phân bố nằm ngay trên bề mặt đáy biển, đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lắp. Tài nguyên cát biển làm vật liệu san lắp đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3. Dự án cũng đã lựa chọn được khu vực diện tích 32km2, có khoáng sản cát làm vật liệu san lắp với chiều dày trung bình 4,5m, hàm lượng tổng cát 86%, tài nguyên cấp 222 là 145 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu phổ biến 2-5m, cách bờ 20km, có điều kiện khai thác khả thi. Kết quả điều tra đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban giao cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý và cấp phép khai thác theo quy định.

Sau Kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Quyết định số 1746/QĐ-BTNMT ngày 28/6/2024 và số 1747/QĐ-BTNMT ngày 28/6/2024, giao khu vực biển cho Nhà thầu để bắt đầu khai thác từ ngày 29/6/2024, đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương có tiềm năng cát biển lớn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp các Giấy xác nhận cho hai nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C khai thác cát biển tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng để khai thác cung cấp cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án thành phần Cần Thơ-Cà Mau), tổng trữ lượng đăng ký khai thác là 5,5 triệu m3, công suất khai thác trung bình theo tháng là 1 triệu m3/tháng, trung bình theo ngày là 85.000m3/ngày.

Bài 3: Cát sông khan hiếm, cát biển lên ngôi?
Thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đắp đường giao thông.

Đến ngày 13/7/2024 tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải báo cáo cho biết: Đến nay, đã xác định nguồn cung cát đắp nền đường với tổng trữ lượng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu/m3 cho 05 dự án (tỉnh An Giang 22 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 9.3 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 5 triệu m3; tỉnh Bến Tre 5,4 triệu m3; Tiền Giang 9,3 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng 12,1 triệu m3, bao gồm 5,5 triệu m3 cát biển), trong đó, đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, được hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.

Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã xác định được nguồn 28,3 triệu m3/tổng nhu cầu 18,5 triệu m3; đã cấp bán xác nhận, đủ điều kiện khai thác 22.3 triệu m3; đang hoàn tất thủ tục khai thác 6 triệu m3 còn lại; trong đó, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang triển khai các thủ tục cấp phép khai thác để cấp 4 triệu m3 cho dự án (mỗi tỉnh 02 triệu m3) dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8/2024; tỉnh Vĩnh Long đang rà soát thủ tục gia hạn và tăng 50% công suất các mỏ để cung ứng 2 triệu m3 còn lại theo chỉ tiêu được giao trong tháng 7/2024; tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện các thủ tục để nâng công suất 02 mỏ (cấp theo cơ chế đặc thù) dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024; tỉnh An Giang đang hoàn thiện thủ tục để điều chuyển 1,4 triệu m3 từ dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho dự án và sẽ hoàn thành trong tháng 7/2024.

Như vậy, cát biển đã “giải cứu” được tình trạng cát sông đang khan hiếm và đồng thời đang mở ra triển vọng vật liệu mới cho việc san lấp các đường giao thông tuyến tỉnh, tuyến huyện và hạ tầng các khu công nghiệp mà tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau đã kiến nghị. Theo các chuyên gia vật liệu xây dựng, vật liệu truyến thống cát sông ngày khan hiếm thì cát biển sẽ trở thành tiềm năng, nhiều dư địa để phát triển. Cát biển sẽ sớm lên ngôi thành vật liệu mới xây lắp các công trình giao thông và xây lắp hạ tầng các khu công nghiệp đang cần rất nhiều cát để san lắp mặt bằng.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load