Thứ bảy 21/12/2024 19:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Những dự án giao thông trọng điểm ở miền cuối đất

Bài 2: Đánh thức tiềm năng

18:13 | 12/10/2024

(Xây dựng) - Hiện nay, ngoài việc thực hiện các dự án, tỉnh đang gấp gúp hoàn thiện hồ sơ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Tại các hội nghị giao ban, công tác hoàn thành hồ sơ, tiến độ của dự án được đặt lên hàng đầu…

Gỡ điểm nghẽn lớn nhất

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn, cũng như đường Hồ Chí Minh đến Ðất Mũi rất cao. Những ngày lễ tết, khách du lịch đến thăm quan mũi Cà Mau dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến địa phương trong thu hút đầu tư đối với những dự án, công trình trọng điểm, hứa hẹn tạo động lực và đột phá cho tỉnh và khu vực.

Ông Bi khẳng định: “Ðây là điểm nghẽn lớn, khó khăn, cản bước tiến phát triển kinh tế - xã hội trong suốt thời gian dài đã qua, luôn tụt hậu so với các tỉnh, thành trong khu vực”.

Nắm bắt khó khăn trên, ngày 27/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau. Nội dung tờ trình nêu rõ, hiện trạng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Cà Mau có quy mô còn nhỏ hẹp. Trong đó, Quốc lộ 1 từ giáp tỉnh Bạc Liêu đến thị trấn Năm Căn chiều dài 69km, hiện trạng phần lớn có quy mô đường cấp IV, 02 làn xe; đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi chiều dài 59km, hiện trạng phần lớn có quy mô tương đương đường cấp V, chỉ đảm bảo 02 làn xe hạn chế (chưa đảm bảo 02 làn xe tiêu chuẩn).

Trong khi đó, lưu lượng giao thông trên tuyến rất cao và không ngừng tăng nhanh, tập trung nhiều phương tiện trọng tải lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc thu hút đầu tư vào các trung tâm kinh tế như Cảng biển Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn và thu hút khách du lịch đến Mũi Cà Mau. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, tuy nhiên chủ yếu chỉ duy trì chất lượng khai thác mà chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông. Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ- TTg ngày 01/9/2021, Quốc lộ 1 từ thành phố Cà Mau đến thị trấn Năm Căn đi trùng với đường Hồ Chí Minh, quy hoạch đường cấp III, quy mô 04 làn xe; đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi quy hoạch tối thiểu đường cấp III, quy mô 02 - 04 làn xe. Như vậy, Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau hiện trạng có quy mô chưa đạt theo quy hoạch.

Từ những nội dung nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo quy hoạch. Trong đó, Quốc lộ 1 từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn đảm bảo quy mô 04 làn xe, có bố trí dải phân cách giữa (do đoạn tuyến đi qua nhiều đô thị, khu vực tập trung đông dân cư, lưu lượng giao thông cao), tổng chiều rộng mặt đường và dải phân cách 19,5m, nền đường rộng 20,5m, đồng bộ với các đoạn thuộc Quốc lộ 1 (từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Cà Mau) đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng; riêng các đoạn qua đô thị, thực hiện đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Theo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng mức đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng cho toàn tuyến dài 106km. Nguyên nhân nguồn vốn lớn là do giải pháp kỹ thuật thi công dự án này khá phức tạp, nhất là việc phải xử lý nền đất yếu, qua nhiều sông sâu. Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn - Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 58km đang được đề xuất đầu tư nâng cấp, hoàn thiện để đạt tiêu chuẩn đường cấp III, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.

Do đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn đến Đất Mũi giai đoạn trước đây đã được tiến hành giải phóng mặt bằng với quy mô nền đường rộng 12m và thi công trùng tim quy hoạch. Khi nâng cấp, mở rộng phần lớn không phải giải phóng mặt bằng thêm. Dự án ước khoảng 4.204,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó chi phí xây dựng là 2.816 tỷ đồng, chi phí tư vấn, quản lý dự án là 281,7 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 425 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 680 tỷ đồng. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau sẽ được hoàn thành vào năm 2027.

Sân bay không còn quá tải

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo sân bay quá tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, đến tháng 6/2025 phải hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, để các dòng tàu bay lớn và hiện đại như A321 và Boeing 777 có thể hạ cánh được.

Bài 2: Đánh thức tiềm năng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác khảo sát dự án mở rộng sân bay Cà Mau.

Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau có tổng nguồn vốn khoảng 2.400 tỷ đồng do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Theo đó, về quy mô, sẽ xây dựng mới đường băng 2.400m, rộng 45m, đảm bảo khai thác tàu bay Airbus A320, A321 và tương đương. Xây dựng đường lăn nối đường băng với sân đỗ tàu bay có kích thước dài 128m ở khu vực phía Nam, rộng 112,5m, lề vật liệu rộng 5m, đáp ứng khai thác 3 vị trí đỗ tàu bay A320, A321 và tương đương.

Cùng với đó, sẽ cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm với diện tích xây dựng khoảng 2.668m2; tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.200m2, 2 tầng, chiều cao công trình khoảng 9,5m. Dự án sẽ thực hiện trong 18 tháng khi Chính phủ phê duyệt. Cảng hàng không Cà Mau hiện nay là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có 1 đường băng dài 1.500m, rộng 30m, kết cấu bê tông nhựa, chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR 72 và tương đương.

Bài 2: Đánh thức tiềm năng
Bamboo Airways khai trương đường bay đầu tiên Hà Nội - Cà Mau ngày 29/4/2023 nhưng đến 25/7/2023 đã phải ngừng khai thác do sân bay quá tải, hãng kinh doanh lỗ.

Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, công suất Cảng hàng không Cà Mau được nâng lên khoảng 3 triệu hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hoá/năm; quy hoạch nhà ga hành khách mới khu vực phía bắc đường băng để công suất tàu cảng hàng không khoảng 3 triệu hành khách/năm.

Hiện tại, tỉnh đã ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất. Theo quy hoạch trình Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không Cà Mau được mở rộng khoảng 230ha, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 1.000 hộ. Tỉnh đang tiến hành đo đạc, kiểm đếm; lập, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mặt bằng; xử lý các yêu cầu, khiếu nại, các tồn đọng phát sinh và kết quả thực công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tỉnh Cà Mau đang quyết tâm đến ngày 31/12/2024 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Theo lộ trình, dự kiến đến tháng 8/2025 sẽ hoàn thành dự án nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Kêu gọi đầu tư dự án cảng biển

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau vừa kêu gọi đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam và Tập đoàn N&M Commodities (Úc) đã thảo luận về việc đầu tư dự án cảng Hòn Khoai. Khi đó, Tập đoàn N&M Commodities đề xuất xây dựng 24 cầu cảng; trong đó, có 12 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn phục vụ cho việc nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện, 12 cầu cảng khác phục vụ cho mục đích chuyển tải hàng hóa khác. Theo tính toán của tập đoàn này, dự án có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD, thời gian xây dựng dự kiến từ 2014-2016 và cuối năm 2017 có thể đưa vào khai thác. Nhưng dự án không được tiếp tục thực hiện.

Bài 2: Đánh thức tiềm năng
Hòn Khoai - nơi tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án cảng biển.

Tháng 5/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cùng đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và một số nhà đầu tư tiến hành khảo sát thực tế để rà soát quy hoạch, định hướng đầu tư cảng Hòn Khoai. Kết thúc chuyến khảo sát, nhiều thành viên đoàn có ý tưởng tính đến hướng hình thành, phát triển và khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái ven biển, hải đảo đối với cảng biển Hòn Khoai trong tương lai.

Hòn Khoai là một trong 3 cụm đảo của tỉnh Cà Mau. Theo quy hoạch chung, bến cảng Hòn Khoai có đê chắn sóng, bao gồm một khu tạo bãi để xây dựng cho các tàu trọng tải 250.000 tấn cập bến; bến chuyển tiếp có thể đáp ứng cỡ tàu từ 5.000 tấn đến 100.000 tấn; khu bến cho tàu lai dắt, tàu tuần tra và dịch vụ. Cùng với đó là hệ thống tuyến cầu dẫn nối đảo Hòn Khoai vào đất liền khoảng 17 km, nối liền đến Khu kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) khoảng 42km... Khi được đầu tư, Hòn Khoai sẽ trở thành cảng tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Dự án đầu tư này cũng là 1 trong 3 trụ cột vững chắc cho động lực phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Kiên Giang - Phú Quốc, Trà Vinh - Định An và Khu kinh tế Năm Căn - Hòn Khoai.

Tỉnh đang lập dự án đầu tư trên tinh thần ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vào cuối năm 2023 về quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về đầu tư và xây dựng cảng Hòn Khoai. Đây cũng là cơ sở để Cà Mau mời gọi đầu tư xây dựng cảng. Theo chức năng, quyền hạn, tỉnh sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền những hạng mục dự án có thể đầu tư công theo quy định khi triển khai thực hiện quy hoạch. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh theo ý kiến đóng góp của thành viên đoàn, sớm hoàn thiện quy hoạch về cảng biển Hòn Khoai. Dự án cảng Hòn Khoai dự kiến có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD hiện đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Dự án hoàn thành tạo thành thế kiềng 3 chân vững chắc cho động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang - Phú Quốc, Trà Vinh - Định An và Khu kinh tế Năm Căn - Hòn Khoai. UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh quy hoạch bến cảng Hòn Khoai là bến cảng tổng hợp, container, chuyên dùng với quy mô đáp ứng cho tàu trọng tải đến 250.000 tấn cập bến…

Bài 3: Tín hiệu vui

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load