(Xây dựng) - Trong đêm giao thừa, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đô thị sạch đẹp đón chào năm mới, nhiều người chỉ biết đến sự cần mẫn của chị lao công, anh tài xế… thuộc đơn vị công ích thu dọn rác thải sinh hoạt; nhưng còn ít người biết ở nơi khuất nẻo cách xa khu dân cư hàng nghìn mét có những người thợ cần mẫn làm việc xuyên Tết, họ giữ ngọn lửa hồng rừng rực canh thâu đốt rác.
Nhà máy rác Khe Giang ở khuất nẻo trong thung lũng dưới chân dãy núi cánh cung Đông Triều. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã “thực mục”, sao chụp lại hình ảnh đáng trân trọng của những người thiết thực làm cho sắc xuân đô thị thêm đẹp, nhà nhà thêm vui ấy. Một cơ sở đốt rác nằm gọn trong thung lũng nhỏ dưới chân dãy núi cánh cung Đông Triều, dân địa phương gọi là Khe Giang thuộc thôn Tập đoàn xã Thượng Yên Công, Uông Bí của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Việt Long gọi tắt là nhà máy rác Khe Giang.
Các địa phương còn huy động cả xe ben “thần tốc” giải phóng rác ra đô thị trước giờ giao thừa. Rác không phân loại, chất cao su, nhựa xốp khi cháy khói tỏa ra màu tro xám. |
Ở đây có 60 công nhân ngày đêm lặng lẽ làm việc, tiết xuân đêm lạnh mà áo thợ ướt mồ hôi. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, phụ trách nhà máy cho biết: Ngày thường chỉ tiếp nhận khoảng 200 tấn rác/ngày, dịp áp Tết tăng lên 500 tấn/ngày, ngày 30 Tết lượng rác cấp tập đổ về đến 1.250 tấn. Những người thợ phải tăng ca, tăng buổi làm việc liên tục nhiều giờ liền để đón những xe chở rác cấp tập đổ về; không chỉ có xe chuyên dụng, mà khi cao điểm các địa phương còn huy động cả xe ben “thần tốc” giải phóng rác ra đô thị trước giờ giao thừa, đó cũng là những khó khăn phát sinh trong công tác cân đong tiếp nhận rác, đè nặng lên vai người thợ.
Ngày thường lưu lượng 200 tấn rác/ngày, dịp áp Tết tăng lên 500 tấn/ngày, hôm 30 Tết Quí Mão rác cấp tập đổ về đến 1.250 tấn. |
Khối lượng rác trong ngày tăng đột biến, cường độ tác nghiệp cao, người thợ luôn tay làm việc trong dây chuyền khép kín, chỉ một khâu nơi lỏng là cả cỗ máy khự lại nên ai cũng tự nhủ mình phải cố gắng chạy đua với áp lực công việc. Công nghệ đốt rác ở đây có khác rác nhập về không có thời gian trễ để phân loại, hong sấy mà đổ thẳng vào cửa lò rác tự cháy. Máy móc thay sức người, nhưng việc luôn tay luôn chân, tăng ca thì những giọt mồ hôi cũng toát ra thấm trên tấm áo người thợ. Mặt mũi ai cũng đen nhẻm, như thợ mỏ làm than vừa dưới lò sâu chui lên.
Kíp đốt lò tiếp xúc liên tục với ngọn lửa rừng rực cháy ở nhiệt độ cao, đôi khi có cảm giác rát bỏng nhưng vẫn bám trụ, phần vì yêu nghề, phần có thêm thu nhập ngày xuân. Chủ đầu tư ông Lê Quang Thắng lại quan tâm thiết đãi mâm cơm công nghiệp đầy đặn và đủ hương vị ngày Tết cổ truyền, đến bữa mọi người sum vầy như ở nhà. Và còn ấm cúng sự chân quê, nâng chén rượu Bâu thửa của người dân tộc thiểu số ở địa phương mừng xuân mới mà bàn tay người thợ còn ám mầu tro bụi. Nhà báo hòa trong thực tế mà hồn lâng lâng, nếu là nhà văn chắc sự thành thi ca.
Lò đốt rác Khe Giang lửa hồng rừng rực hỏa thiêu rác xuyên Tết. |
Xa xa tiếng pháo giao thừa đã nổ, đô thị sắc màu áo mới đón chào năm mới. Ở nơi khuất nẻo hậu tuyến của nghề xử lý rác thải, những người làm việc miệt mài xuyên Tết họ làm sạch đẹp môi trường đô thị ngày xuân thì còn ít người biết, đôi khi họ còn như bị xa lánh. Vấn đề này không chỉ ở nhà máy rác Khe Giang, mà khá phổ biến ở các địa phương, có tình trạng cắt cứ địa bàn rác ở địa phương nào địa phương ấy tự xử lý, xây dựng nhà máy rác ở đâu thì dân ở đấy lại có ý kiến không tán thành.
Xuân mới “khả thị” những người thợ làm công việc không mới, ở nơi “cuối sơn cùng cốc” trong môi trường còn phảng phất mùi hôi, không được ngào ngạt hương thơm như nơi phồn hoa đô thị mà lòng se lại. Nhìn những người thợ âm thầm vật lộn với khối lượng rác “khổng lồ” trong đêm 30 Tết, họ đam mê với công việc, ánh mắt như tự tìm ra niềm vui trong ngọn lửa hồng rừng rực canh thâu hỏa thiêu rác, không để rác tồn đọng ngày xuân trong đô thị... làm chúng tôi cuốn theo mà vui lây.
Vũ Phong Cầm
Theo