Thứ bảy 02/11/2024 23:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giàn giáo trong xây dựng - không thể coi nhẹ!

Bài 1: Sự cố công trình do giàn giáo chống đỡ kết cấu

14:47 | 20/02/2020

(Xây dựng) - LTS: Trước yêu cầu về tính an toàn lao động trong thi công xây dựng đặt ra vấn đề về trách nhiệm của các bên liên quan cũng như cách ứng xử của các bên đối với giàn giáo.

bai 1 su co cong trinh do gian giao chong do ket cau
Sự cố công trình chủ yếu liên quan đến giàn giáo kết cấu.

Đã có không ít các quy định của Nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, tuy nhiên sự cố công trình vẫn xảy ra hàng năm chủ yếu liên quan đến giàn giáo chống đỡ kết cấu.

Nguy cơ tai nạn lao động cao

Trong thi công xây dựng thường có độ rủi ro cao về tai nạn lao động so với nhiều ngành nghề khác. Đây cũng là lĩnh vực có tỷ lệ tai nạn lao động chết người hàng năm cao nhất thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Ở châu Âu có đến 2/3 các tai nạn chết người thuộc nhóm các ngành Xây dựng, giao thông và kho vận, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (EUROSTAT - Statistics Explained 2017, Accidents at work statistics).

Tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2018, số vụ việc tai nạn lao động ngành Xây dựng xảy ra cũng như số người chết vì tai nạn lao động đã giảm so với giai đoạn 2013 - 2015. Nếu như giai đoạn 2013 - 2015 số vụ việc/người chết vì tai nạn lao động là con số 193/221, thì giai đoạn 2016 - 2018 giảm xuống con số 127/138, trong đó năm 2018 là năm có số vụ việc và người chết thấp nhất với con số 91/96.

Theo một số báo cáo và các nghiên cứu về tình hình tai nạn lao động ngành Xây dựng, tai nạn xảy ra không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà còn xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.

Nếu xét về yếu tố kỹ thuật, một chuyên gia trong ngành Xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố công trình đều liên quan đến giàn giáo phục vụ chống đỡ kết cấu trong quá trình thi công. Những sự việc đáng tiếc như sập giàn giáo ở cầu Cần Thơ, sập giàn giáo siêu thị ở Bình Dương, sập giàn giáo ở khu Phú Mỹ Hưng, sập giàn giáo ở trạm thu phí Nam đèo Hải Vân... và gần đây là vụ sập giàn giáo ở cầu Hòa Bình 3, hầu hết liên quan đến giàn giáo phục vụ chống đỡ kết cấu.

Quy định của pháp luật về giàn giáo

Hiện Việt Nam đã có các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về giàn giáo như: QCVN 18:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - An toàn trong xây dựng (mục 2.8 Giàn giáo, giá đỡ và thang); TCXDVN 296:2004 - Giàn giáo - Các yêu cầu về an toàn (Scaffolding - Safety requirements); TCVN 6052:1995 - Giàn giáo thép (Steel scaffolding). Riêng đối với QCVN 18:2014/BXD, các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đang thực hiện nghiên cứu để soát xét, sửa đổi, bổ sung, trong đó có nội dung quy định về giàn giáo.

Ngoài ra, theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Theo Điều 6, Luật Xây dựng 2014, tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Các tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư và việc áp dụng tiêu chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 quy định chi tiết việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng. Như vậy, khi vận dụng những tiêu chuẩn về giàn giáo của nước ngoài cần bảo đảm các quy định nêu trên.

Bên cạnh đó, từ năm 2004 đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành hàng chục Chỉ thị để chấn chỉnh và tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong ngành Xây dựng nói chung và tăng cường an toàn trong sử dụng giàn giáo thi công xây dựng, như Chỉ thị số 04/2004/CT-BXD ngày 02/7/2004 về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong ngành Xây dựng, gần đây nhất là Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 20/6/2017 về việc đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load