Thứ tư 06/11/2024 16:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị: Kim chỉ nam cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và bền vững

Bài 1: Điểm tựa vững chắc để thành phố Hải Phòng cất cánh

09:17 | 05/09/2024

(Xây dựng) - Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã mở ra một cơ hội mới, là nền tảng và động lực quan trọng cho thành phố Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Bài 1: Điểm tựa vững chắc để thành phố Hải Phòng cất cánh
Tàu biển tải trọng lớn cập Cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng.

Tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 45) đã nêu rõ: Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, phát triển xanh; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường biển, đường hàng không, là trọng điểm dịch vụ hậu cần (logistic); trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76 ngày 8/7/2019, theo đó cụ thể hóa thành 15 nhóm giải pháp chủ yếu. Các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45 là nền tảng để thành phố Hải Phòng đề ra các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển; các nhiệm vụ và giải pháp lớn tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hằng năm, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành các nghị quyết, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gắn với thực hiện Nghị quyết số 45. Năm 2023, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, theo đó đã đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 45.

HĐND thành phố và UBND thành phố cụ thể hóa thành các chủ trương chính sách góp phần sớm đưa Nghị quyết số 45 vào cuộc sống. HĐND thành phố thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, từng năm một…; Đồng thời, ban hành các nghị quyết chuyên đề, quyết định danh mục các dự án, công trình trọng điểm, phân bổ vốn đầu tư, thông qua các cơ chế, chính sách của thành phố,... UBND thành phố cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 45 với 111 nội dung về quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị và trong quá trình điều hành, quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và các ban, sở, ngành trực thuộc Thành ủy Hải Phòng đã nghiêm túc, kịp thời xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 45 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45, cụ thể: Phối hợp với các bộ, ban, ngành trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516/QĐ-TTg, ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Có thể nói, về cơ bản các nội dung của Nghị quyết số 45 đã được Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thành ủy Hải Phòng thể chế hoá và cụ thể hoá. Phần lớn các nghị quyết, các cơ chế, chính sách, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 45 đã được ban hành và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai nhằm tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hải Phòng.

Kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng

Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 45, thành phố Hải Phòng đã đạt nhiều thành tựu, trong đó có 3/7 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội đã cơ bản đạt hoặc hoàn thành, bao gồm: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018-2025 tối thiểu là 13% (đến nay đạt 12,6%); Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44%-45% (đến nay đạt 43,26%); Cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia).

Bài 1: Điểm tựa vững chắc để thành phố Hải Phòng cất cánh
Kinh tế thành phố liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2019-2024 tăng trưởng GRDP bình quân của Hải Phòng đạt 12,6%.

Quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 191,21 triệu đồng/người, tương đương 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với bình quân chung cả nước, đứng thứ 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2023 đạt 103.688,59 tỷ đồng, gấp 1,4 lần năm 2018. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài.

Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, tập trung huy động nguồn lực phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Tính chung giai đoạn 2019 - 2023, thành phố Hải Phòng đã xây mới được 19,67 km đường quốc lộ, 28,78 km đường tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ, 137,04 km đường đô thị. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long; cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn và đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền nối Hải Phòng - Quảng Ninh....

Các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện (hiện nay các bến số 9, 10, 11, 12 đã có nhà 7 đầu tư đề xuất và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định). Thành phố Hải Phòng cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực khởi động tìm kiếm, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Cảng Nam Đồ Sơn.

Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP triển khai Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay - Giai đoạn 2 và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.

Thành phố chủ trương xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm. Không gian đô thị tiếp tục được đầu tư, mở rộng theo 03 hướng đột phá. Tập trung đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Quyết liệt triển khai xây dựng các Đề án: thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. Hoàn thiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng trình Chính phủ.

Hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đang khẩn trương tổ chức thi công xây dựng các công trình khu Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố, Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Dự kiến hoàn thành xây dựng và thực hiện di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc Sông Cấm trong Quý I năm 2025, đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết số 45 đề ra.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả, các quy hoạch lớn có tính định hướng đã hoàn thành và đang được tổ chức triển khai. Phát triển đô thị với nhiều khởi sắc, không gian đô thị được mở rộng. Thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha - là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh; là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, dự kiến nằm trong khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: Miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chế độ, chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước.

Đến cuối năm 2024, Hải Phòng phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm, dự kiến đến năm 2025, Hải Phòng có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể nói, Nghị quyết số 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ. Sau 5 năm triển khai thực hiện, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Thành phố Hải Phòng đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân thành phố tiếp tục được nâng cao. Hải Phòng tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Những thành tựu mà thành phố Hải Phòng đạt được trong thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống.

Hải Nguyên - Duy Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load