(Xây dựng) - Tỉnh Quảng Ninh dự kiến khai trương tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào ngày 01/9/2022, sự kiện đang được cả nước quan tâm. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy công trình này có nhiều nét khác biệt với hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng có ý kiến chỉ đạo về quy trình, chất lượng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. |
Nhằm tạo động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao theo hướng công khai, minh bạch, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tỉnh mạnh dạn, linh hoạt vận dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với các hình thức đầu tư, quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng dự án, với thực tiễn của địa phương, coi trọng hiệu quả sau đầu tư. Địa phương đã kêu gọi các nhà đầu tư lớn triển khai các dự án hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế, cảng tàu khách quốc tế). Đến nay, đã triển khai 46 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.
Trong đó có các dự án đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông kết nối liên kết vùng; rút ngắn thời gian và khoảng cách về thời gian, không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực như Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái… là cơ sở để kích thích và thu hút các dự án đầu tư đến các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy tiềm năng khai thác cảng biển và cảng hàng không.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo giữ gìn cảnh quan, môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng, đặc biệt đoạn 30km ven biển, vượt bãi triều rừng ngập mặn. |
Cụ thể là các dự án: Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT dài 5,4km quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100Km/h với tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ GPMB khoảng 488 tỷ đồng (là dự án nằm trên tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long dài 25,2km). Công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác từ 30/10/2018, giảm thời gian giao thông từ Hạ Long đến Hà Nội từ 3 tiếng 30 phút còn 1 tiếng 30 phút (trước đây thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội theo đường Quốc lộ 18 khoảng 3 tiếng 30 phút), quãng đường di chuyển từ Hạ Long đi Hà Nội đã rút ngắn khoảng cách từ 160km xuống còn 110km; việc đưa công trình vào sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực canh tranh trong thu hút đầu tư và cải thiện điều kiện giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn theo hình thức BOT. Chiều dài đường 59,6km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, đã hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018 với tổng mức đầu tư 15.593 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia 3.100 tỷ đồng làm công tác GPMB và đầu tư dự án thành phần gồm cầu Cẩm Hải và đoạn đến cảng hàng không Vân Đồn.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đưa vào sử dụng từ 30/10/2018, đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội chỉ còn 2 tiếng (trước đây thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội theo đường Quốc lộ 18 khoảng 5 tiếng 30 phút), cùng với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một điều kiện quan trọng để thu hút nhiều Nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Đường cao tốc Quảng Ninh có không gian kiến trúc đẹp nhất Việt Nam. |
Công trình đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, hình thức đầu tư BOT. Đường dài 80,2km, vận tốc thiết kế 120km/h, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, với tổng mức đầu tư 13.815 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước thực hiện đầu tư đoạn Vân Đồn - Tiên Yên, GPMB và xây dựng công trình phụ trợ (khoảng 5.400 tỷ đồng). Khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa vào sử dụng kết nối với tuyến cao tốc Vân Đồn- Hải Phòng tạo cho địa phương có hệ thông cao tốc dài nhất cả nước với chiều dài 176km; và nâng hiệu quả trục tam giác kinh tế: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tính đến cuối 8/2022, tổng cao tốc của cả nước là 1.046km, thì Quảng Ninh tỷ lệ đường cao tốc chiếm gần 16,83% chiều dài cao tốc hiện có của Việt Nam. Cao tốc Móng Cái - Hải Phòng như trục giao thông xương sống của tỉnh, chạy qua 11/13 đơn vị cấp dưới tỉnh gọi chung là huyện. Thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều tuy đường cao tốc không đi qua, nhưng đường ven sông Đá Vách kết nối địa phương với cao tốc này cũng rộng từ 8-10 làn xe.
Cao tốc Quảng Ninh kết nối cửa khẩu quốc tế Bắc Luân II, giao thương biên mậu với thị trường trên 1 tỷ dân cùng các nước Asean với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; kết nối 3 sân bay quốc tế gồm: Vân Đồn, Nội Bài, Cát Bi; kết nối chuỗi cửa khẩu quốc tế ở Quảng Ninh với các Khu kinh tế (KKT) của địa phương gồm: KKT Móng Cái - Hải Hà, KKT ven biển Vân Đồn, KKT ven biển Quảng Yên, dịch vụ logistics hệ thống cảng biển Quảng Ninh - Hải Phòng; kết nối trục các đô thị lớn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và không gian kinh tế, hành lang kinh tế biển vùng duyên hải Phía Bắc.
Nói thêm về tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái công trình mới, mà cả nước đang hướng sự quan tâm sẽ được đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2022). Công trình tôn vinh giá trị cao tốc Quảng Ninh về phương thức đầu tư, không gian kiến trúc, chất lượng xây dựng, cảnh quan - môi trường và sự kết nối dân sinh.
Hiện đường 4 làn xe, Quảng Ninh đã trù bị quỹ đất để nâng lên 6 làn xe. |
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái qua 5 huyện và thành phố, hiện đường 4 làn xe, tỉnh đã quy hoạch dành quỹ đất trù bị để nâng lên 6 làn xe. Đoạn Tiên Yên - Móng Cái xây dựng theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, các công trình phụ trợ được đầu tư bằng ngân sách. Đoạn Vân Đồn - Tiên Yên đầu tư bằng ngân sách như đã nêu. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (hiện tại) là tuyến cao tốc đường bộ có tỷ lệ cầu hóa cao nhất với 35 cây cầu và có cây cầu trên đường cao tốc vượt biển dài nhất Việt Nam. Đó là cầu vượt eo biển cảng Mũi Chùa độ sâu 19m, cầu dài 1.515m, rộng mặt cầu 25,25m. Cầu nối huyện đảo Vân Đồn với huyện miền núi Tiên Yên, ghép chữ đầu hai huyện gọi chung là cầu Vân Tiên.
Quảng Ninh chỉ đạo xuyên suốt từ đầu về việc gìn giữ cảnh quan, môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng, ao đầm thủy sản khi thi công tuyến đường. Đặc biệt đoạn 30km ven biển, vượt bãi triều, tỉnh đã quyết định làm nhiều cầu đi trên vùng đất ngập nước để bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trong đó điều chỉnh kéo dài 740m cầu, để mở rộng dòng hải lưu mà tuyến đường tắt qua các eo biển. Công tác quan trắc môi trường định kỳ được thực hiện nghiêm túc. Các chuyên gia thuộc Viện Nông nghiệp đánh giá mức độ ảnh hưởng và khả năng sinh trưởng của rừng ngập mặn.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khởi công đầu tháng 4/2019, nhưng trước đó (thánh 3/2018) Quảng Ninh đã sớm triển khai phương án GPMB với diện tích đất thu hồi khoảng 527ha; 1.681 hộ dân bị ảnh hưởng, có 326 hộ phải tái định cư và 320 ngôi mộ phải di chuyển. Sau điều chỉnh nâng tốc độ từ 100km/h lên 120km/h, đường thay đổi vận tốc xe, kéo theo phải bổ sung quỹ đất 187,12ha và ảnh hưởng đến trên 1.168 hộ dân, tổng chi phí giải phóng mặt bằng gần 1.500 tỷ đồng. Năm huyện, thành phố diện có thu hồi đất mở cao tốc, đã phát động chiến dịch thần tốc 30 ngày đêm GPMB và kết quả mỹ mãn, đạt thành tích dự án GPMB nhanh nhất, trong 5 năm trở lại đây.
Về kỹ thuật xây dựng, ngoài hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư (Ban điều hành dự án, Tư vấn giám sát, Tư vấn kiểm định), còn có sự giám sát của các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp Nhà nước như: Hội đồng kiểm tra Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Chủ tịch, Thứ tưởng là Phó Chủ tịch thường trực và các chuyên gia đầu ngành Xây dựng công trình giao thông quốc gia… thường xuyên kiểm tra theo định kỳ (đã 5 lần kiểm tra); Tổ công tác đặc biệt được UBND tỉnh giao cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải là Tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng và tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện; Tổ quản lý giám sát hiện trường thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông ngày đêm bám sát công trình để kiểm tra, giám sát qui trình xây dựng, chất lượng xây dựng công trình đối với dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái (BOT) mà Ban này là cơ quan Nhà nước thẩm quyền.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là đường cao tốc tiêu biểu về quy hoạch, kiến trúc kết nối đô thị, khu dân cư, dân sinh. Trên tuyến gồm 17 cầu vượt ngang vượt cao tốc; tổng cộng 30km đường dẫn đầu cầu, đường gom, đường dẫn hầm chui, đường trong nút giao… để giao thông đô thị, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, đồng ruộng không bị chia cắt. Mỗi cây cầu còn là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật, tô thêm nét đẹp cho đô thị, khu dân cư.
Cầu Vân Tiên, cầu trên đường cao tốc vượt biển dài nhất Việt Nam (cầu rộng 25,25m, dài 1.515m, vượt eo biển cảng Mũi Chùa có độ sâu 19m). |
Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái huy động trên 1.000 đầu thiết bị xe máy, với gần 3.000 kỹ sư, công nhân lao động, nhiều người làm việc xuyên 2 Tết cổ truyền Canh Tý và Nhâm Dần. Công trình đã hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng trong 500 ngày đêm trong điều kiện vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 và sự tăng giá đột biến về xăng dầu, về vật liệu xây dựng. Cầu Vân Tiên thi công trong 11 tháng, đã lập kỷ lục mới về thi công cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh.
Vũ Phong Cầm
Theo