Thứ bảy 07/09/2024 17:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Bắc Ninh thành lập Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu xây dựng

09:10 | 10/08/2024

(Xây dựng) - Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp cát, đất đắp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành.

Bắc Ninh thành lập Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu xây dựng
Tổ công tác có trách nhiệm đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp cát, đất đắp, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.

Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng được chỉ định làm Tổ trưởng Tổ công tác. Hai Tổ phó là ông Ngô Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Đinh Phan Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Theo Quyết định, nhiệm vụ chính của Tổ công tác là tổng hợp, báo cáo và đánh giá nhu cầu sử dụng cát, đất đắp của các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Tổ công tác có trách nhiệm đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp cát, đất đắp, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Các thành viên của Tổ công tác sẽ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được sử dụng con dấu của cơ quan mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Nhân Cường, Trưởng Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh (thành viên Tổ công tác liên ngành) cho biết, bên cạnh khó khăn về giải phóng mặt bằng, tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp nền cũng đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án. Minh chứng là tổng khối lượng cát đắp nền đường khoảng 730.000m3 nhưng đến nay mới đắp được 192.050m3 (mới đạt 26,3%).

Mặc dù, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tích cực tìm kiếm nguồn cung và chấp nhận mua cát với giá cao, nhưng do nguồn cung khan hiếm và khó khăn trong vận chuyển, khối lượng cát mua được vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Thậm chí có thời điểm 2-3 tháng không thể mua được cát, hiện tại việc mua cát cũng rất hạn chế, dẫn đến tiến độ đắp cát nền đường không đạt yêu cầu.

Được biết, tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp nền là tình trạng chung không chỉ riêng tại các dự án của tỉnh Bắc Ninh. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia trên khắp cả nước và nhu cầu xây dựng khác, tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng đang làm chi phí đầu tư tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, dự án…

Đơn cử, trước tình trạng thiếu cát đắp nền đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có thể ảnh hướng đến tiến độ thi công các công trình giao thông, mới đây Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…) phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để tiếp tục rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng cho các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025.

Do đó, việc thành lập Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp cát, đất đắp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành sẽ giúp đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng cát, đất đắp, từ đó có kế hoạch cung ứng kịp thời, tránh tình trạng thiếu hụt vật liệu.

Ngoài ra, việc thành lập Tổ công tác liên ngành còn góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, đất đắp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hạn chế tình trạng khai thác cát, đất trái phép, giảm thiểu tình trạng “cát tặc” bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng, với sự vào cuộc của Tổ công tác liên ngành, vấn đề cung cấp cát, đất đắp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ được giải quyết một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load